03/03/2021 07:03
Thấy gì từ việc ồ ạt đề xuất làm sân bay?
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm những ngày qua là câu chuyện địa phương ồ ạt đề xuất xây sân bay.
Theo định hướng đến năm 2050, số lượng cảng hàng không cả nước chỉ dừng ở con số 30.
Tỉnh chưa có sân bay thì đề xuất bổ sung quy hoạch, tỉnh có rồi thì đề nghị nâng cấp, tỉnh có sân bay nội địa thì muốn chuyển thành sân bay quốc tế...
Nhà nhà muốn có sân bay
Hơn một tháng sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương về dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ GTVT nhận được khá nhiều đề xuất xây dựng sân bay.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Bình Phước vừa đề nghị Bộ GTVT bổ sung Cảng hàng không Bình Phước vào Quy hoạch với lý do góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Trước đó, Sở GTVT Bắc Giang cũng đề xuất chuyển sân bay quân sự Kép thành sân bay lưỡng dụng để thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế của vùng và Bắc Giang nói riêng. Tương tự, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn (nằm ở TP Phan Rang) hoạt động bay dân dụng thay vì chỉ hoạt động quân sự như trước.
Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung sân bay tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh dù chưa xác định được vị trí cụ thể trong quá trình lập quy hoạch; UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất bổ sung sân bay quốc tế Hà Tĩnh tại hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên.
Là tỉnh miền núi phía Bắc với 95% người dân là đồng bào dân tộc, UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị đưa sân bay Cao Bằng vào quy hoạch hay Hà Giang cũng muốn xây dựng sân bay tại huyện Bắc Quang.
Ngoài việc đề nghị bổ sung sân bay địa phương vào quy hoạch, một số tỉnh đã có sân bay đề xuất chuyển cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như: Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên)…
Không phát triển ồ ạt
Theo Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng, Bộ GTVT đang xin ý kiến về Dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không, do đó việc nhận được các đề xuất, ý kiến đóng góp cũng là điều bình thường.
“Hiện đã có 22/63 tỉnh, thành có ý kiến, trong đó nhiều địa phương đề xuất bổ sung cảng hàng không vào quy hoạch. Có 4 vấn đề lớn cần góp ý là số lượng các cảng hàng không, cơ cấu các cảng, quy mô và một số định hướng thực hiện quy hoạch, chính sách của Nhà nước để thực hiện quy hoạch”, ông Thắng cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, qua quá trình đánh giá, quan điểm của Cục Hàng không VN là không phát triển ồ ạt mà đầu tư có trọng điểm, đầu tư cảng lớn mang tính cách mạng về quy mô, năng lực.
“Một số tỉnh muốn đưa sân bay tỉnh mình thành sân bay quốc tế, nhiều địa phương lại có sân bay to hơn. Trong khi về nguyên tắc chúng ta phải phát triển đồng bộ. Phát triển đến đâu, đầu tư đến đấy chứ không thể tỉnh nào cũng muốn sân bay thật to, nhà ga thật đẹp. Sân bay là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để phát triển một tỉnh”, ông Thắng nói và cho rằng, phía địa phương cũng phải chủ động phát triển những cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, thu hút du lịch, bởi không khách du lịch nào chỉ đến vì nơi nào đó có sân bay hoành tráng.
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có hàng không là rất quan trọng.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là đã làm thì phải hiệu quả. Cho dù tiền đầu tư đó có thể của Nhà nước, có thể của tư nhân nhưng đều là nguồn lực của quốc gia. Mà muốn biết được có hiệu quả hay không, cần phải tính toán thật kỹ, chứ không phải cứ “muốn là đề xuất”, làm theo phong trào.
“Dù rất chia sẻ với địa phương, song cần đặt vấn đề trong bài toán tổng thể hệ thống hàng không quốc gia. Trong việc này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ là người cầm cân nảy mực”, ông Sinh nói.
Đồng quan điểm, một chuyên gia về đầu tư hàng không cho rằng, tâm lý của địa phương là muốn phát triển thì phải đầu tư. Hơn nữa, khi các tỉnh đề xuất thì họ cũng đang “nhắm” đến ngân sách trung ương hoặc ngân sách của nhà đầu tư, nếu được thì họ có sân bay, “bằng không cũng chẳng mất gì”.
“Hoàn toàn có thể hiểu được vì sao địa phương ồ ạt đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch. Quan trọng là trên cơ sở các đề xuất, góp ý đó, các cơ quan chức năng phải xem xét, cân nhắc”, vị này nói.
Tại tờ trình Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN đề xuất lựa chọn phương án đến năm 2030 cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng quốc tế và 12 cảng nội địa. Định hướng đến năm 2050, số lượng cảng hàng không cả nước cũng chỉ dừng ở con số 30, gồm 15 cảng quốc tế, 15 cảng nội địa.
Như vậy, so với hệ thống 22 cảng hàng không hiện nay, tới năm 2050, hệ thống cảng hàng không toàn quốc sẽ được bổ sung 8 cảng gồm: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng hàng không quốc tế thứ 2 vùng Thủ đô (sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai), Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Trị.Nội dung trích dẫn...
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp