09/03/2017 03:02
Thấp thỏm nghe tin nhập khẩu trứng, muối
Thông tin Việt Nam sẽ nhập 102.000 tấn muối, 50.051 tá trứng gà (tương đương 600.000 trái) làm nhiều người ngao ngán.
Bộ Công thương vừa ra quy định mới về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2017.
Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2017 đối với mặt hàng muối là 102.000 tấn. Trứng giá cầm các loại phải là trứng thương phẩm không có phôi, hạn ngạch nhập khẩu là 50.051 tá (tương đương 600.000 trái gồm trứng gà, trứng vịt, ngan và loại khác).
Không lo trứng nhập
Thông tin Việt Nam nhập khẩu trứng làm nhiều người chăn nuôi gia cầm “đứng ngồi không yên”. Ông Trần Văn Nghĩa, chủ trại gà tại xã Phú Ngãi Trị (huyện Châu Thành, Long An) cho biết:
“Giá trứng gà tại trại đang xuống quá thấp, chỉ còn khoảng 950 đồng/quả, giảm từ 200 - 400 đồng/quả so với trước. Với mức giá này, người nuôi đang chịu lỗ nặng. Gà giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt tràn qua biên giới khiến giá gà trong nước rớt thê thảm, trứng cũng đang gặp tình cảnh tương tự. Bây giờ có thêm nguồn trứng nhập khẩu giá rẻ nữa thì người nuôi chỉ có nước phá bỏ trại thôi” - ông Nghĩa lo lắng.
Tuy nhiên, ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt khẳng định, trên thị trường vẫn chưa xuất hiện trứng gia cầm nhập khẩu.
Ông Thiện giải thích, theo cam kết WTO, có 4 mặt hàng cam kết là phải có hạn ngạch thuế quan, trong đó có trứng gia cầm. Đây là hạn ngạch bắt buộc theo từng năm, có từ năm 2007 nhưng chưa năm nào gây xáo trộn thị trường trứng trong nước vì gần như chưa có doanh nghiệp nào có ý muốn nhập nguồn trứng này.
“Thời gian gần đây, giá trứng đã giảm mạnh do cung vượt cầu. Giá trứng gia cầm trong nước hiện đang thấp hơn giá thành của người chăn nuôi nên nhập trứng về sẽ khó có lời.
Thêm vào đó, danh mục sản phẩm trứng được phép nhập khẩu chủ yếu là trứng đã qua chế biến hoặc làm chín chứ không phải là trứng tươi. Mà những sản phẩm này nhu cầu trong nước gần như không có, người tiêu dùng trong nước chỉ quen tiêu thụ trứng tươi” – ông Thiện nói.
Cũng theo vị giám đốc này, số lượng 600.000 trứng nhập về thực ra là con số rất rất nhỏ, không đủ để Vĩnh Thành Đạt tiêu thụ trong nữa ngày nên người chăn nuôi không quá lo lắng.
Tỏ ra khá bất ngờ về thông tin này, ông Phạm Thanh Hùng – Phó giám đốc công ty TNHH Ba Huân cho biết sẽ tìm hiểu thêm để có câu trả lời chính thức.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, người chăn nuôi cũng không quá lo vì từ trước đến nay, trứng không phải là mặt hàng nhập khẩu dễ sinh lời đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp trong nước. Trong khi, rủi ro về vận chuyển và bảo quản lại rất lớn. Việc nhập khẩu trứng về Việt Nam chỉ xuất hiện ở thời điểm 2003 - 2005, khi dịch cúm gia cầm “xóa sổ” nhiều trại nuôi lớn trong nước.
Thấp thỏm với muối
Từ nhiều năm nay, Bộ Công thương đều cấp hạn ngạch nhập khẩu muối với khoảng 102.000 tấn/năm, giao cho thương nhân sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất, thuốc và sản phẩm y tế.
Điều đáng nói là hai năm liên tiếp được mùa muối (năm 2015 và 2016) nên lượng muối tồn trong diêm dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến vào khoảng gần 542.000 tấn, tăng 11% so với năm 2015. Năm 2017 cần phải tiêu thụ được lượng muối tồn từ năm 2016 với số lượng gần 542.000 tấn.
Tại TP.HCM, đến thời điểm này đã giải phóng tồn kho hơn 133.000 tấn muối từ niên vụ năm 2015 - 2016, như vậy lượng tồn kho của diêm dân huyện Cần Giờ chờ “giải cứu” còn hơn 7.000 tấn. Năm nay nắng nhiều, dự kiến sản lượng muối sẽ tiếp tục tăng nhưng giá thành muối lại rất rẻ, có thời điểm chỉ còn 350 đồng/kg.
Trước tình hình nhập muối, ông Trần Ngọc Hổ - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn TP.HCM không khỏi trăn trở. Ông thông tin, sở đang cử cán bộ theo dõi tình hình sản xuất muối của diêm dân Cần Giờ để nắm bắt đời sống hộ sản xuất, tình hình, giá cả để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Liệu có phải muối trong nước không “đạt chuẩn” để phục vụ ngành công nghiệp? Ông Hổ nói: “Nếu muối được sơ chế theo quy định thì vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu đây là thỏa thuận của nước ta với quốc tế thì mình phải thực hiện. Dẫu vậy, con số nhập 102.000 tấn muối không phải là nhỏ, bởi hầu hết các tỉnh sản xuất muối trong nước vẫn đang phải chống chọi từng ngày để tiêu thụ”.
“Trong tuần này, chúng tôi sẽ làm việc Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM và huyện Cần Giờ để có những thông tin cụ thể hơn về tình hình sản xuất, tiêu thụ muối của diêm dân. Đồng thời tìm hiểu những thỏa thuận giữa các bộ ngành về các biện pháp hỗ trợ diêm dân, tránh tình trạng muối đầy đồng mà chẳng thể tiêu thụ” – ông Hổ nói.
Thông tư về việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối và trứng gia cầm có hiệu lực từ ngày 17/4 đến hết ngày 31/12. Theo đó, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối được giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế. Thời điểm giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối thực hiện theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước.
Đối với mặt hàng trứng gia cầm, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu giao cho thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu. Năm 2017, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm tăng hơn 1.400 tá so với năm ngoái, trong khi đó hạn ngạch nhập khẩu muối vẫn giữ nguyên. So với năm 2016, hạn ngạch nhập khẩu trứng gia cầm đã tăng 1.431 tá trong khi hạn ngạch nhập khẩu muối không đổi.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp