06/01/2020 13:53
Thập kỷ iPhone: 10 năm tung hoành của Apple
Thập kỷ iPhone: Cách điện thoại của Apple tạo ra và phá hủy các ngành công nghiệp và thay đổi thế giới
iPhone đã biến Apple từ một công ty máy tính lớn với một phần lợi nhuận đến từ việc sản xuất MP3 trở thành một tập đoàn khổng lồ trị giá 1 nghìn tỷ USD, phổ rộng khắp toàn cầu.
Mỗi sáng thức dậy, ta sẽ nhìn thấy iPhone đầu tiên khi tắt chuông báo thức, và mỗi tối trước khi đi ngủ, ta cũng thấy nó cuối cùng khi kiểm tra email hay chơi game.
Không biết từ lúc nào, iPhone đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống đối với rất nhiều người. Có thể nói, thập kỷ vừa rồi hoàn toàn có thể được coi là thập kỷ của iPhone, khi smartphone trở nên phổ biến, hình thành các công ty hàng tỷ đô, tái thiết rất nhiều ngành công nghiệp, cũng như thay đổi thế giới.
Thậm chí, có thể bạn đang đọc bài viết này trên một chiếc iPhone.
Thập kỷ iPhone: Apple tung hoành như 10 năm qua như thế nào? |
iPhone lần đầu được công bố vào năm 2007, lúc này vẫn còn chưa quá đặc biệt – chỉ là chiếc điện thoại không dây thông thường, với đối tượng khách hàng chính là những “fan” công nghệ. Tuy nhiên, tới quý đầu năm 2010, Apple đã bán tới 8,7 triệu chiếc iPhone, và ở quý đầu năm 2018, con số này đã đạt mức 47 triệu.
Trong thập kỷ vừa qua, Apple đã bán ít nhất là 1,4 tỷ chiếc iPhone, theo các thống kê bán hàng. Và con số này có thể sẽ đạt ngưỡng 1,6 tỷ chiếc khi tính doanh số năm nay. Theo Apple, hiện tại đang có 900 triệu iPhone vẫn đang trong sử dụng.
Tuy rằng doanh số iPhone của Apple vẫn còn kém hệ điều hành Android của Google, song theo các báo cáo pháp lý giữa Apple và Samsung, các thiết bị sử dụng Android đã lấy phần lớn cảm hứng từ iPhone.
iPhone là đòn bẩy lớn của Apple. Chỉ trong 10 năm qua, Apple đã đi từ một công ty máy tính lớn, có doanh thu thêm từ sản xuất MP3, trở thành một siêu tập đoàn phủ khắp thế giới, với 137.000 nhân viên toàn thời gian.
“Không thể bàn cãi, iPhone là sản phẩm tiêu dùng công nghệ có ảnh hướng lớn nhất thập kỷ vừa qua,” Gene Munster, nhà sáng lập Loup Ventures kiêm nhà phân tích lâu năm của Apple khẳng định.
Thay thế mọi thiết bị bạn cần
Sở dĩ iPhone trở nên vô cùng mật thiết với cuộc sống là do nó đã thay thế rất nhiều thiết bị khác.
Thay vì dùng một bộ liên lạc riêng trên lịch và ghi chú, ta có iPhone, thay vì dùng đồng hồ báo thức, ta có iPhone, thay vì dùng GPS trên ô tô, MP3 player, thay thậm chí là đèn pin – ta có iPhone.
“15 năm trước, ta dùng điện thoại không dây để gọi điện. Còn ở hiện tại, ta dùng nó cho tất cả mọi việc. Nó như một chiếc điều khiển đa năng cho cuộc sống”, nhà phân tích về công nghệ không dây, Jeff Kagan đã viết.
Và có lẽ, minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng thay đổi của iPhone nằm ở công nghệ camera. Theo dữ liệu đến từ Hiệp hội Camera và Thiết bị Hình ảnh, có tới 109 triệu chiếc camera mini được bán trong năm 2010. Tuy nhiên, tới năm 2018, con số này đã giảm xuống chỉ còn 9 triệu chiếc camera.
“Một số sản phẩm đã bị tích hợp, trong khi một số đã biến mất hoàn toàn khỏi thị trường. Và đây chính là một phần của một thị trường rộng mở và tự do,” Thomas Cooke, một Giáo sư tại trường Kinh Doanh McDonough, Đại học Georgetown phát biểu.
iPhone đã tạo ra nhất nhiều nền công nghiệp mới, song cũng đã loại bỏ rất nhiều nền công nghiệp cũ.
Cụ thể, các ứng dụng đặt xe như Lyft và Uber hiện đã đạt giá trị hơn 60 tỷ USD. Và các ứng dụng này lại chỉ tồn tại nhờ công nghệ GPS và kết nối không dây tốc độ cao, được phát triển sau sự ra đời của chiếc iPhone.
“Bạn có thể thấy từng công ty tỷ đô được sinh ra nhờ vào từng ứng dụng của chiếc điện thoại này. Nó ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của cuộc sống,” Munster nói.
“Máy ảnh và Instagram, định vị và những ứng dụng bản đồ như Waze, quảng cáo trên Google Maps, giao đồ ăn qua Brughub. Ngoài ra, nhờ có NFC, ta đã có mobile banking – tiền đề cho một cuộc cách mạng về công nghệ ngân hàng. Các nội dung bây giờ chủ yếu là video, và vì vậy, nếu không có iPhone, YouTube cũng không thể phát triển được như bây giờ,” ông tiếp lời.
iPhone cùng chợ ứng dụng App Store cũng trở thành một thị trường lớn, tạo cơ hội cho các nhà phát triển ứng dụng dễ dàng vươn ra thế giới. Vào hồi tháng 1, Apple đã công bố rằng các nhà phát triển trên nền tảng App Store đã kiếm được tới 120 tỷ USD, kể từ năm 2008, trong đó, hơn 30 tỷ là doanh thu của năm 2018.
Chuỗi cung ứng khổng lồ
Ý tưởng cốt lõi của chiếc iPhone không thay đổi quá nhiều xuyên suốt thập kỷ, song thiết bị này đã trở nên mạnh hơn rất nhiều.
Khởi đầu thập kỷ, chiếc iPhone mạnh nhất là iPhone 3G – iPhone đời thứ 2, với Samsung CPU 1 nhân, đạt tốc độ chỉ 412 MHz. Tuy nhiên, tới phiên bản iPhone mới nhất – chiếc iPhone 11 Pro, thì thiết bị này đã có một chip được Apple thiết kế riêng, đạt tốc độ 2,65 GHz, với 6 nhân. Theo nhiều cuộc kiểm nghiệm, những chiếc iPhone hiện đại đang hoạt động không thua kém gì laptop.
Giao diện của iPhone cũng đã được cải thiện rất nhiều. Vào năm 2010, chiếc iPhone đời mới nhất sở hữu một màn hình 3,5 inch với 153.000 pixel. Trong khi đó, màn hình của iPhone hiện tại có kích thước 6,5 inch với 2,6 triệu pixel.
Nhắc về điều này, Kagan nói: “Khi ta đã có iPhone 11, thì với ta, iPhone 1 hay iPhone 2 sẽ có cảm giác như Model T.”
Còn nhược điểm là, song song với việc cải tiến công nghệ, iPhone cũng đã trở nên đắt hơn. Cụ thể, một chiếc iPhone 3G từng được bán mới mức giá là 199 USD, có hỗ trợ nếu sử dụng hợp đồng 2 năm với AT&T. Trong khi đó, iPhone hiện tại thường có mức giá thấp nhất là 999 USD, còn hợp đồng mạng di động sẽ được bán riêng.
Apple, với khả năng tung ra những phiên bản mới cho thiết bị, với những cải tiến lớn về công nghệ và tính năng, đã giúp hình thành một chuỗi cung ứng lớn và phức tạp, trong đó bao gồm các cơ sở lắp ráp và sản xuất được đặt tại Trung Quốc. Vào năm 2017, Apple đã công bố rằng, những cơ sở này, được điều hành bởi đối tác sản xuất là Foxconn, đã giúp tạo ra 4,8 triệu việc làm cho Trung Quốc.
Đồng thời, các linh kiện được sử dụng cho iPhone cũng như những smartphone khác như camera nhỏ, pin đặc, màn hình cảm ứng chất lượng cao – đã nhanh chóng được sao lại và trở nên phổ biến, giúp hình thành một thế hệ kinh doanh mới về các phần cứng như drone, xe tay ga, và các thiết bị smart home.
Kỷ nguyên của Tim Cook
Ở đầu thập kỷ, Apple hoạt động dưới sự lãnh đạo của nhà sáng lập Steve Jobs. Còn kể từ tháng 8 năm 2011, 2 tháng sau khi Steve Jobs qua đời, Tim Cook đã trở thành CEO cho tới hiện nay.
Dưới thời của Cook, Apple đã bán ra hàng tỷ chiếc iPhone, với lợi nhuận lên tới hàng trăm tỷ USD. Thậm chí, đã có một thời điểm mà lợi nhuận theo quý của Apple phá kỷ lục lợi nhuận theo quý lớn nhất trong lịch sử công ty cổ phần.
Cũng trong hầu hết thập kỷ này, Apple được định giá là công ty giá trị nhất, cho tới gần đây khi bị vượt bởi đối thủ lâu đời Microsoft và Saudi Aramco.
Trong suốt nhiều năm, Apple đã thu nhận được rất nhiều nguồn vốn và các chứng khoán nhờ vào doanh số của iPhone. Tuy nhiên, cuộc cải cách thuế vào năm 2018, công ty này đã thay đổi chính sách cổ phần, chia nhiều cổ tức hơn cho cổ đông dưới dạng cổ phiếu hoàn lại và cổ phiếu thường.
Sự tồn tại của các cổ phiếu hoàn lại này đã giúp Apple tăng tới hơn 900% giá trị cổ phần. Cụ thể, một khoản đầu tư trị giá 1 triệu USD vào Apple vào 1/1/2020 sẽ có giá trị là 9,13 triệu USD tính tới phiên giao dịch mới nhất.
Đồng thời, Apple cũng đã đạt được nhiều dấu mốc lớn. Cụ thể, hãng đã gia nhập Dow Jones Industrial Average vào năm 2015, một dấu hiệu cho thấy khả năng sinh lời của công ty này. Ngoài ra, Apple nhận được một khoản đầu tư lớn từ Warren Buffett – một nhà tỷ phú vốn trước đây không hề hứng thú với công nghệ. Hiện tại, công ty Berkshire Hathaway của Buffett đang sở hữu tới 5% của Apple.
Tới năm 2018, Apple đã trở thành công ty cổ phần đầu tiên có giá trị vốn hóa vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD. Trong phát biểu của ông về thành tựu này, Cook đã nói: “Lợi nhuận của Apple là kết quả của sự sáng tạo, việc luôn đặt khách hàng và sản phẩm làm ưu tiên hàng đầu, và luôn gắn chặt với những giá trị cốt lõi.”
Apple cũng đã xây một trụ sở lớn tại Cupertino, California, vào năm 2017 – với giá trị 5 tỷ USD.
Đồng thời, hãng cũng đã cho ra đời 3 dòng sản phẩm mới với khả năng thương mại cao là iPad, Apple Watch, và AirPods. Tuy nhiên, chưa có sản phẩm nào đã thực sự thay đổi thế giới như iPhone.
Cái giá của sự thành công
Khởi đầu thập kỷ mới, Apple sẽ bước vào cuộc chơi với tư cách là một ông lớn với những sản phẩm đem lại lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, song song với đó cũng là những thử thách ngày một khó khăn hơn.
Cụ thể, mới đây Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã yêu cầu Apple, Amazon, Facebook, và Google phải giao các tài liệu trong bối cảnh chính phủ đang ngày một nghi ngờ các công ty Big Tech. Vào những tháng gần đây, Tim Cook đã liên tục phải trả lời những nghi vấn từ truyền thông quốc tế, rằng liệu Apple có đang thực hiện độc quyền, mà cụ thể là thông qua nền tảng ứng dụng App Store hay không.
Vào hồi tháng 10, Cook đã khẳng định: “Không có ai có lý lẽ mà lại gọi Apple là một kẻ độc quyền.”
Ngoài ra, các nhà hoạt động và hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cũng đang bày tỏ nỗi lo về ảnh hưởng lên môi trường của việc bán hàng loạt các thiết bị, được cải tiến liên tục trong vài năm. Vì vậy, Apple mới đây đã thực hiện những chương trình tái chế và bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiếu rác thải.
Còn một số người khác, như cựu Giám đốc thiết kế của Apple – ông Jony Ive, lại bày tỏ quan ngại rằng, iPhone có thể gây nghiện cho người dùng. Do vậy, Apple đã tung ra một tính năng mới là “Screen Time”, giúp hiển thị thời gian dùng thiết bị để người dùng nhận thức được khi nào thì họ nên dừng lại.
Kaiwei Tang, đồng sáng lập của Light – công ty đã cho ra đời một thiết bị thay thế iPhone trong việc hạn chế thời gian sử dụng đã phát biểu: “Bước ngoặt của chúng tôi là khi Apple giới thiệu tính năng Screen Time, và CEO Tim Cook cũng thừa nhận là ông đang dùng điện thoại quá nhiều.”
“Mọi người đang dần nhận ra những ảnh hưởng này. Đơn giản thôi, thử nghĩ mà xem, với 5 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng điện thoại, thì bạn có thể làm được những gì?” anh tiếp tục.
Tuy nhiên, có lẽ thử thách lớn nhất nằm ở việc, iPhone đã từng là một sản phẩm có một-không-hai của thời đại, và hiện tại sẽ không thể phát triển mạnh mẽ như thời điểm 10 năm trước, khi nó mới ra đời được nữa.
Doanh số bán iPhone đã bùng nổ vào năm 2015 với con số là 231 tỷ chiếc điện thoại được bán ra. Tuy nhiên, kể từ đó, doanh số đã không còn tăng trưởng nhiều. Tới năm 2019, Apple đã quyết định ngừng thông báo doanh số, mà thay vào đó các nhà đầu tư có thể dựa vào tổng doanh thu và một số số liệu khác.
Và thay vì iPhone, Apple đã hướng các nhà đầu tư tập trung vào những thiết bị đeo được, bao gồm Apple Watch và AirPods, cũng như các kế hoạch dịch vụ của Apple, như Apple TV và Apple Arcade. Tuy nhiên, vào năm 2019, doanh số của iPhone vẫn chiếm tới 54% tổng bán của Apple.
Vậy, liệu rằng thập kỷ tiếp theo Apple có còn tung hoành như 10 năm vừa qua được hay không? Câu trả lời còn phụ thuộc vào liệu rằng các dịch vụ trực tuyến và thiết bị đeo có thay đổi cuộc sống như cách iPhone đã từng.
Advertisement
Advertisement