22/07/2017 07:34
Thao túng cho công ty sân sau, sếp ngân hàng sẽ bị cấm hành nghề
Dùng ngân hàng thao túng cho công ty sân sau, lãnh đạo nhà băng sẽ vĩnh viễn không được hoạt động trong lĩnh vực là một trong những thông điệp được Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra.
Hội nghị triển khai Nghị quyết Xử lý nợ xấu của Quốc hội (Nghị quyết 42) diễn ra sáng 21/7ở Ngân hàng Nhà nước kéo dài đến giữa trưa, lâu hơn gần một giờ so với thời gian dự kiến.
Hai vấn đề được quan tâm tại hội nghị chính là xử lý nợ xấu và tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Dùng ngân hàng thao túng cho công ty sân sau sẽ bị xử lý nặng!
Với việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết việc triển khai sẽ hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực quản trị, tăng vốn tự có. Số lượng ngân hàng yếu kém sẽ được giảm nhằm duy trì một mức phù hợp, đảm bảo.
“Từng bước sẽ xử lý để xoá bỏ tình trạng sở hữu, đầu tư chéo, sở hữu thao túng trong các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước ban hành kế hoạch hành động, chỉ đạo ngân hàng tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 phù hợp với mục tiêu nêu tại đề án”, ông nói.
Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã đưa vào nhiều chế tài rất nghiêm khắc. Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chế tài để xử lý hành vi dùng ngân hàng làm công cụ thao túng cho công ty sân sau, cho lợi ích nhóm.
“Người vi phạm sẽ vĩnh viễn không được thực hiện quản trị, điều hành ngân hàng. Do đó, các lãnh đạo cần ý thức trước khi làm bất cứ điều gì”, ông khẳng định.
Vị thống đốc nói thêm sắp tới, khi luật được thông qua, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến tới lành mạnh hoá hoạt động ngân hàng và ngăn ngừa tuyệt đối tình trạng dùng ngân hàng để tài trợ cho các công ty sân sau. Ông nhấn mạnh đó là nhiệm vụ trọng tâm và việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện là để đảm bảo ngành ngân hàng hoạt động có kỷ cương, nguyên tắc.
Thống đốc cũng ra thời hạn cho các ngân hàng đến cuối tháng 8 cần phải xây dựng hoàn thiện tái cơ cấu, có khung trình lên Ngân hàng Nhà nước. Các chỉ tiêu đánh giá gồm có thực trạng tài chính, điều hành, cơ cấu cổ đông, vốn điều lệ, tình hình sở hữu...
Song song với việc xây dựng phương án, ngân hàng cần phải thành lập ban chỉ đạo cơ cấu lại và phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước nếu trong quá trình thực hiện có vướng mắc, phát sinh.
Ông Lê Minh Hưng tỏ ra khó chịu với việc các ngân hàng bỏ về trước khi hội nghị kết thúc và đánh giá đó là hành vi “chưa nghiêm túc”. Ông chỉ đạo cơ quan điều hành cần có văn bản để cảnh cáo các đơn vị.
“Điều đó thể hiện thái độ chưa nghiêm túc của các ngân hàng vì hội nghị tổ chức hôm nay là liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của chính các tổ chức tín dụng”, ông bày tỏ.
Cần thiết thì có camera quay cảnh ngân hàng thu tài sản đảm bảo
Với việc triển khai Nghị quyết 42, Thống đốc bày tỏ vì nghị quyết có nhiều điểm mới nên thời gian đầu thực hiện sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Do đó, ngay sau hội nghị triển khai, ông đề nghị các ngân hàng cần quán triệt toàn hệ thống và có kế hoạch cụ thể về vấn đề xử lý nợ xấu.
Các ngân hàng cần cho vay phù hợp với định hướng, ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Việc kiểm soát cho vay đối với lĩnh vực có nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn dài cần được thực hiện triệt để.
“Ngân hàng cũng cần tiết giảm chi phí, kiểm soát chất lượng tín dụng, có điều chỉnh linh hoạt, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, điều hành đồng bộ thanh khoản VND, ngoại tệ để đẩy việc tiếp cận vốn thuận lợi”, Thống đốc nêu định hướng cho các ngân hàng thương mại.
Ông nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét một cách linh hoạt, chỉ cho tăng trưởng tín dụng đối với những nhà băng có chất lượng tín dụng tốt và cơ cấu ưu tiên cho vay các lĩnh vực ưu tiên, cho vay sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thời gian tới, cơ quan thanh tra giám sát sẽ tăng cường thanh tra việc chấp hành các quy định về lãi suất. Do đó, ông Lê Minh Hưng yêu cầu các nhà băng phải tuyệt đối chấp hành, đặc biệt là lãi suất huy động VND, ngoại tệ.
“Nếu phát hiện có ngân hàng nào vi phạm, chế tài chắc chắn rất nghiêm khắc. Về cái này, chúng tôi nói trước, đề nghị ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn đảm bảo thanh khoản, nghiên cứu giảm lãi suất cho vay. Đây là trách nhiệm của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng”, ông nói.
Cơ quan thanh tra giám sát cũng được chỉ đạo cần tập trung hoàn thiện, ban hành các văn bản pháp lý, đồng thời triển khai khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (tháng 8).
Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay từng nhà băng cần có kế hoạch với chỉ tiêu xử lý từng năm, trình Ngân hàng Nhà nước để cơ quan này giám sát thực hiện.
“Trong quá trình triển khai Nghị quyết, các ngân hàng cũng lưu ý thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, không gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội, cần minh bạch, thậm chí mời báo chí, truyền thông tham gia, kể cả dùng camera quay lại cảnh xử lý tài sản đảm bảo”, Thống đốc nói.
Tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã có hàng loạt văn bản cảnh báo các ngân hàng về rủi ro, hạn chế, sai phạm phổ biến... để chủ động ngăn chặn. Những cảnh báo này được Ngân hàng Nhà nước tập hợp từ chính các vụ án, sai phạm phát hiện trong quá trình thanh tra.
“Tôi yêu cầu chủ tịch HĐQT, hội đồng thành viên và tổng giám đốc các nhà băng phải quán triệt chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, phải rà soát, có biện pháp chấn chỉnh, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, không tạo ra sơ hở để tiếp tục sai phạm”, ông Lê Minh Hưng tuyên bố.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin thêm việc thanh tra, giám sát sẽ được thực hiện tăng cường vào các tháng cuối năm 2017 cũng như trong thời gian tới. Nếu ngân hàng nào đã bị cảnh báo hành vi sai phạm mà vẫn bị cơ quan thanh tra phát hiện thì chế tài sẽ tăng nặng. Do đó, theo ông Lê Minh Hưng, các ngân hàng cần phải nghiên cứu kỹ định hướng và cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp