19/07/2021 11:38
Thành lập VNX: Đề xuất HoSE quản lý cổ phiếu, HNX quản lý trái phiếu và phái sinh
Sở GDCK Việt Nam (tên quốc tế: Vietnam Stock Exchange, tên viết tắt: VNX) hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có trụ sở tại Hà Nội.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Quyết định thành lập Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam. Dự thảo Quyết định gồm 8 điều bám sát Quyết định số 32 ngày 7/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đồng bộ với quy định của Luật chứng khoán, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Dự kiến Quyết định thành lập Sở giao dịch chứng khoán sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Về mô hình hoạt động, Sở GDCK Việt Nam (tên quốc tế: Vietnam Stock Exchange, tên viết tắt: VNX) hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có trụ sở tại Hà Nội. Bộ Tài chính, thay vì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sẽ đại diện sở hữu nhà nước tại VNX.
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP HCM (HoSE) là các công ty con do VNX nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Về lộ trình thực hiện, việc thành lập VNX gồm 2 giai đoạn sau. Giai đoạn 1 (2019 - 2020), thành lập VNX, tiếp tục duy trì hoạt động các thị trường giao dịch chứng khoán như hiện nay; thống nhất tổ chức bộ máy hoạt động của VNX, sắp xếp lại bộ máy tổ chức của HNX và HoSE, hoàn chỉnh dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho toàn bộ thị trường.
Giai đoạn 2 (2020 - 2023), đưa hệ thống công nghệ thông tin thị trường đi vào hoạt động áp dụng cho HNX và HoSE, trên cơ sở đó thực hiện lộ trình phân khúc các khu vực thị trường; xây dựng phương án cổ phần hóa VNX sau năm 2023.
Chức năng của VNX dự kiến gồm xây dựng chiến lược, định hướng hoạt động, định hướng phát triển công nghệ thông tin; định hướng phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới, ban hành quy chế nghiệp vụ; chủ trì quản lý và giám sát các thành viên giao dịch; giám sát chung hoạt động thị trường chứng khoán; quản lý vốn, tài sản, tài chính; quản lý các công ty con theo quy định pháp luật và điều lệ tổ chức hoạt động.VNX sẽ phối hợp chặt chẽ với HNX và HoSE trong việc tổ chức triển khai.
Dự thảo đề xuất HNX tổ chức thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu trong khi HoSE tổ chức thị trường cổ phiếu.
Theo báo cáo tài chính được kiểm toán đến 31/12/2018, tổng mức vốn chủ sở hữu thực có của HNX và HoSE là 2.520 tỷ đồng. Tại dự thảo Quyết định, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quy định đến năm 2023 mức vốn điều lệ của VNX là 3.000 tỷ đồng, HoSE là 2.000 tỷ đồng, HNX là 1.000 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2023 các Sở GDCK sẽ tự bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận sau thuế hàng năm.
Với cấu trúc mới này, rất nhiều tài liệu pháp lý sẽ cần được cập nhật trước khi Quyết định có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2020. Chúng tôi xem Quyết định này sớm hơn dự kiến của Thủ tướng về VNX là tích cực, vì cải cách cơ cấu thị trường là rất quan trọng cho không chỉ sự phát triển của sự phát triển thị trường vốn, mà còn để tăng triển vọng nâng cấp thị trường mới nổi.
Dự thảo quy định cơ cấu tổ chức bộ máy của VNX bao gồm hội đồng quản trị, tổng giám đốc, ban kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn. Cơ cấu tổ chức bộ máy của HNX, HoSE bao gồm chủ tịch, giám đốc hoặc tổng giám đốc và kiểm soát viên.
Về cơ cấu phòng ban giúp việc, Bộ Tài chính sẽ quy định cụ thể cơ cấu phòng ban theo nguyên tắc sắp xếp lại để giảm đầu mối làm việc tại công ty con, có sự liên thông, phân cấp quản lý giữa công ty mẹ và công ty con.
Bộ phận Phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, nhiều văn bản pháp lý sẽ cần được cập nhật trước khi Quyết định có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. SSI Research cho rằng việc công bố dự thảo sớm hơn dự kiến của Thủ tướng là tích cực, vì việc tái cấu trúc là rất quan trọng cho không chỉ sự phát triển của thị trường vốn, mà còn để tăng triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp