Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thặng dư cán cân thương mại tăng do đâu?

Doanh nghiệp

20/02/2020 08:21

Riêng xuất khẩu hàng năm của hãng Samsung, và gần đây là xuất khẩu của Formosa, giá trị đã vượt qua kim ngạch xuất khẩu bình quân một quý của cả nước.

Nhờ Samsung và Formosa

Cán cân thương mại (tính theo giá FOB cho cả xuất khẩu và nhập khẩu) tiếp tục duy trì thặng dư từ năm 2016 cho đến 2019. Tính theo quý, mức độ thặng dư giữa các quý trong năm không đồng đều. Trong nhiều quý, tổng kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước có xu hướng tăng nhanh hơn so với tổng kim ngạch nhập khẩu.

Xuất khẩu Việt Nam đang chịu sự chi phối của Samsung.
Xuất khẩu Việt Nam đang chịu sự chi phối của Samsung.

Trong giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân năm của kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu lần lượt là 22,1% và 21,1%. Vì vậy, quy mô thặng dư của cán cân thương mại có xu hướng tăng dần.

Có bốn yếu tố hỗ trợ khá mạnh cho thặng dư của cán cân thương mại: (i) kinh tế thế giới phục hồi sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008; (ii) tỷ giá thực đa phương của Việt Nam ổn định do tỷ giá USD/VND được điều hành linh hoạt hơn trong khi lạm phát ở Việt Nam duy trì ở mức thấp; (iii) giá quốc tế của một số mặt hàng xuất khẩu có xu hướng tăng;

(iv) xuất khẩu của khu vực FDI tăng trưởng nhanh và mạnh những năm qua, nhất là các mặt hàng gia công xuất khẩu. Riêng xuất khẩu hàng năm của hãng Samsung, và gần đây là xuất khẩu của Formosa, có giá trị đã vượt qua kim ngạch xuất khẩu bình quân một quý của cả nước.

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá vượt mốc 500 tỷ USD, ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu. Tính theo giá FOB, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 505,86 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,60 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 242,27 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước.

Tính chung năm 2019, cán cân thương mại thặng dư 21,3 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi cán cân thương mại chuyển sang giai đoạn xuất siêu. Nếu kim ngạch xuất khẩu tính theo giá FOB và kim ngạch nhập khẩu tính theo giá CIF thì cán cân thương mại thặng dư khoảng 9,94 tỷ USD.

Thặng dư cán cân thương mại tăng do đâu?

Cán cân thương mại trong năm 2019 tiếp tục được hỗ trợ chủ yếu bởi xuất siêu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên mức độ nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước giảm nhẹ trong năm 2019. Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt khoảng 181,35 tỷ USD và chiếm khoảng 68,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực FDI đạt khoảng 139,05 tỷ USD và chiếm khoảng 57,4% tổng kim ngạch nhập khẩu với giá trị 242,27 tỷ USD). Như vậy, khu vực FDI xuất siêu khoảng 42,30 tỷ USD và khu vực kinh tế trong nước nhập siêu khoảng 21 tỷ USD. Phần xuất siêu của khu vực FDI đã bù đắp toàn bộ phần nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước và đóng góp khá lớn cho thặng dư của cán cân thương mại.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là xuất khẩu của khu vực FDI tăng trưởng chậm lại. Năm 2018, xuất khẩu của khu vực FDI tăng trưởng với tỷ lệ 12,9% so với năm 2017 và chiếm tỷ trọng 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu của khu vực này trong năm 2019 chỉ tăng trưởng với tỷ lệ 4,2% so với năm 2018 và tỷ trọng giảm xuống còn 68,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, kéo theo tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu của khu vực này giảm từ 11,6% xuống còn 2,5%.

Ngược lại, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều với tỷ lệ lần lượt là 15,9% năm 2018 và 17,7% năm 2019, dẫn đến tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 28,3% năm 2018 lên 31,2% năm 2019. Kết quả là cán cân thương mại hàng hoá trong trong năm 2019 tiếp tục thặng dư với quy mô lớn hơn so với năm 2018.

Xuất khẩu chỉ tăng nhẹ

Xuất khẩu của Việt Nam tăng khá chậm trong sáu tháng đầu năm 2019, nhưng sau đó tăng mạnh trở lại. Trong sáu tháng đầu năm 2019, xuất khẩu chỉ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Có ba nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu mang tính chu kỳ, kéo theo sự suy giảm thương mại chung trên thế giới.

Thặng dư cán cân thương mại tăng do đâu?
Thặng dư cán cân thương mại tăng do đâu?

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng là yếu tố tác động làm suy giảm hoạt động thương mại trên thế giới. Xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Indonesia và Singapore giảm mạnh.

Mức tăng trưởng xuất khẩu 7,1% so với cùng kỳ năm trước của Việt Nam là thấp hơn so với nhiều năm trong giai đoạn 2011-2019, nhưng vẫn ở mức khá tốt so với nhiều nước trong khu vực. Nguyên nhân thứ hai là xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào khu vực FDI, điển hình là xuất khẩu của các tập đoàn lớn như Samsung hay Formosa có giá trị đã vượt qua kim ngạch xuất khẩu bình quân một quý của cả nước.

Những năm trước, xuất khẩu mặt hàng điện thoại (trong đó có điện thoại của Samsung) thường tăng trưởng ở tỷ lệ hai con số. Năm 2019, xuất khẩu mặt hàng này chỉ tăng trưởng ở tỷ lệ khoảng 4%. Nguyên nhân thứ ba là xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam gặp khó khăn hơn so với các năm trước.

Đối với một số mặt hàng, xuất khẩu sụt giảm cả về lượng và giá trong khi đối với một số số mặt hàng khác thì giá xuất khẩu giảm. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Do vậy, khi kinh tế Trung Quốc suy giảm và yêu cầu về tiêu chuẩn nhập hàng nông sản vào thị trường này khắt khe hơn, kéo theo suy giảm xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Thặng dư cán cân thương mại tăng do đâu?

Trong 6 tháng cuối năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam được đẩy mạnh hơn và tăng trưởng với tỷ lệ 9,1% so với cùng kỳ năm 2018 do Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội từ hội nhập. Trong giai đoạn 2011-2019, Việt Nam đa dạng hoá thị trường xuất khẩu thông qua việc tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống, tìm kiếm và phát triển thêm các thị trường mới.

Hiện nay, hàng hoá của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2011, Việt Nam chỉ có 24 mặt hàng xuất khẩu với kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 3 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Đến năm 2019, Việt Nam có 32 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA thường đạt mức tăng trưởng vượt trội do tận dụng cơ hội tốt từ cắt giảm thuế quan. Điển hình các hiệp định như Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á Âu khi có hiệu lực đã hỗ trợ khá tốt cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường theo các hiệp định này.

Mới đây, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 hứa hẹn mở ra các cơ hội mới cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Ví dụ, Peru và Mexico là hai nước theo CPTPP mà Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ hiệp định thương mại tự do. Chỉ sau 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada và Mexico đã tăng lần lượt 36,6% và 11,2% so với cùng kỳ năm 2018.

TUYẾT HƯƠNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement