30/05/2023 16:06
Tháng 5, số doanh nghiệp thành lập mới giảm hơn 24%
Nếu tính cả 824,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 21,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2023 là 1.393,7 nghìn tỷ đồng, giảm 43%...
Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 5/2023 đã có hơn 12 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 103,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 74,6 nghìn lao động.
So với con số kỷ lục doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 4/2023 (15.967 doanh nghiệp), số doanh nghiệp thành lập mới tháng 5/2023 đã giảm 24,2% về số doanh nghiệp, giảm 32,9% về vốn đăng ký và giảm 37,4% về số lao động so với tháng 4/2023. Nếu so với cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp thành lập mới đã giảm 9,5% về số doanh nghiệp, giảm 17,5% về số vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động.
Điều này cho thấy tinh thần khởi sự kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vẫn đi xuống khi lo ngại những khó khăn và rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt có thể kéo dài.
Không những thế, trong tháng 5/2023, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 38,1% so với tháng 4/2021. Như vậy, với hơn 12 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5, số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2023 là 61,9 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 568,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 405,9 nghìn lao động, giảm 1,6% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu tính cả 824,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 21,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2023 là 1.393,7 nghìn tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có gần 33 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2023 lên gần 95 nghìn doanh nghiệp (giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước). Như vậy, bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 5 tháng đầu năm nay có 623 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm trước; 14,8 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 8,2%; 46,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 1,4%.
Về doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tháng 5/2023 có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022; có 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2% và tăng 12,7%; có 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 19% và giảm 8,7%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, có 55,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; 25,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1%; 7,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Theo các chuyên gia kinh tế, với các giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trước mắt, trong ngắn hạn cũng như trong trung và dài hạn của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, nghị quyết sẽ góp phần khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành hạ cũng là động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tín dụng giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng trong thời gian tới cùng với các chính sách tài khóa của Chính phủ.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro. Nhà điều hành cũng khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng kiến nghị, để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. Theo đó, cần nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điên tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Advertisement