13/02/2020 08:08
Thận trọng thoái vốn doanh nghiệp ngành nước
Mục tiêu và kế hoạch thoái vốn đối với các doanh nghiệp ngành nước đang được cân nhắc thận trọng sau những lùm xùm liên quan đến một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này thời gian qua.
Đánh giá về triển vọng ngành nước, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) trong một báo cáo so sánh gần đây cho rằng, ngành này có triển vọng tăng trưởng tốt với nhu cầu nước sạch ngày càng tăng cao.
Trong điều kiện thuận lợi này, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của ngành giai đoạn 2017-2020 lần lượt ở mức 43% đối với nước công nghiệp và 35% đối với nước sạch tiêu dùng.
Các số liệu trên khá trùng khớp với thực tế thuận lợi của nhiều doanh nghiệp ngành nước thời gian gần đây, nhất là với doanh nghiệp có thị phần lớn như CTCP Nước sạch Sông Đà (Viwasupco), CTCP Nước sạch Hà Ðông (Hadowa), CTCP Viwaco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom), CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM)…
Chẳng hạn, tại Viwasupco, sau khi thoái vốn nhà nước vào năm 2017, Công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2018 và 2019.
Tuy nhiên, Viwasupco cũng nhiều lần để xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Điều này một lần nữa đã đặt ra yêu cầu cần thận trọng cân nhắc giữa tính hiệu quả và việc đáp ứng các mục tiêu an sinh đặc thù của các doanh nghiệp ngành nước.
Hiện Viwasupco có 2 cổ đông lớn đang nắm giữ chi phối là Công ty TNHH MTV Năng Lượng Gelex với 60,45% cổ phần và CTCP Cơ điện lạnh (REE) là 35,95%.
Số liệu rà soát mới nhất về tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước theo Quyết định 1232 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 9/2019, trong tổng số 53 doanh nghiệp có tên tại danh mục thoái vốn, đã có 15 doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn theo quy định.
Trong số này bao gồm 3 doanh nghiệp sau khi hoàn thành thoái vốn Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần và 12 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 36% vốn điều lệ sau khi thoái bớt vốn.
Theo Quyết định 1232, đến hết năm 2020, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các địa phương phải thực hiện thoái vốn tại 38 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước, bao gồm 10 doanh nghiệp thuộc địa phương, 2 doanh nghiệp đã chuyển giao về SCIC với dự kiến sau khi thoái vốn, Nhà nước không tiếp tục nắm giữ cổ phần; 21 doanh nghiệp tiếp tục nắm giữ trên 51% vốn và 5 doanh nghiệp tiếp tục nắm giữ trên 36% vốn.
Đáng chú ý, trong số 24 doanh nghiệp do ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất không thực hiện thoái vốn, hoặc chỉ thoái một phần vốn, có 14 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước, chiếm hơn 50% số doanh nghiệp đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước sau năm 2020.
Theo lý giải của các địa phương, Nhà nước cần duy trì vốn tại các doanh nghiệp này để hỗ trợ trực tiếp địa phương trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện an sinh xã hội trong lĩnh vực cấp nước.
Trong khi đó chỉ có 2/6 doanh nghiệp đề xuất tăng tỷ lệ thoái vốn nhiều hơn so với quy định tại Quyết định 1232.
Tính đến nay, chỉ số ít doanh nghiệp cấp nước đã hoàn thành việc tăng tỷ lệ vốn phải thoái so với quy định, trong đó có CTCP Cấp nước Phú Yên và CTCP cấp thoát nước công trình đô thị tỉnh Hậu Giang với mức điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống dưới 51%.
Trên cơ sở này, tại phương án thoái vốn đến hết năm 2020 tại dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 1232 vừa được trình Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chưa thực hiện thoái vốn tại 38 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước để đảm bảo Nhà nước tiếp tục duy trì cổ phần tối thiểu trên 36% tại các doanh nghiệp này.
“Trường hợp được chấp thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng dự thảo thay thế không bao gồm 38 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước để trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương nghiên cứu, rà soát và kiến nghị Thủ tướng phương án sắp xếp, thoái vốn các doanh nghiệp này trong giai đoạn 2021-2025 để phù hợp với thực tiễn”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp