20/06/2018 14:24
Tây Ninh đầu tư gần 3.600 tỷ đồng xây dựng hàng loạt công trình thủy lợi
Đến năm 2025, bảo đảm cấp nước tưới từ các công trình thủy lợi cho 81.600ha cây trồng, đạt tỷ lệ 39,5% so với tổng diện tích 206.650ha cây trồng cần tưới.
UBND tỉnh Tây Ninh vừa thông qua dự án quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến 2035 với tổng mức đầu tư cho dự án này là 3.589 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 715 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh huyện, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp 2.874 tỷ đồng.
Với nguồn kinh phí này, giai đoạn 2016-2025 tỉnh có kế hoạch xây dựng mới 8 hệ thống kênh tưới, 9 trạm bơm, 5 đê bao và nạo vét, nâng cấp 26 kênh tiêu, suối, rạch không đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước. Trong đó, ưu tiên đầu tư 1 trạm bơm công suất lớn cho các huyện biên giới phía Bắc của tỉnh phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Giai đoạn 2016-2025, tỉnh Tây Ninh có kế hoạch xây dựng mới 8 hệ thống kênh tưới. |
Ngoài ra, tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 tỉnh bảo đảm cấp nước tưới ổn định từ các công trình thủy lợi cho khoảng 81.600 ha cây trồng, đạt tỷ lệ 39,5% so với tổng diện tích 206.650ha cây trồng cần tưới. Đồng thời tạo nguồn cấp nước công nghiệp, sinh hoạt với tổng công suất 244.850m3/ngày đêm cho các khu công nghiệp và khu dân cư đô thị.
Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trong đó, tỉnh đã quy hoạch 15 vùng, 5 điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng trên 9.500ha, kèm theo nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách đầu tư cho hệ thống tưới tiêu để thu hút đầu tư, làm mô hình điểm để dẫn dắt nông dân.
Mặt khác, mạng lưới kênh mương thuộc thống công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng-Phước Hòa tuy đã được thường xuyên nâng cấp, sửa chữa nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi mạnh cây trồng cho phù hợp với thị trường của người dân trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, tỉnh cần được tiếp tục rà soát, đầu tư làm mới và nạo vét các kênh tưới tiêu, kênh nội đồng phục vụ tưới tiêu khoa học, tiết kiệm, hiệu quả hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp