20/01/2018 17:43
Tất cả các công ty trực thuộc Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn và niêm yết
Chỉ những doanh nghiệp nào thực hiện tốt tái cơ cấu thì cổ phần hóa mới thành công, giá trị vốn hóa khi chào bán ra thị trường đạt giá trị cao.
Bộ Xây dựng được Chính phủ giao đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại 16 doanh nghiệp. Trong đó có 12 Tổng công ty và 4 Tổng công ty TNHH MTV.
Các Tổng công ty là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại (DIC), Sông Hồng, Bạch Đằng, Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera), Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen), Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi), Lắp máy Việt Nam (Lilama), Xây dựng số 1 (CC1), Vật liệu Xây dựng số 1 (Fico), Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) và Cơ khí Xây dựng (Coma).
Các Tổng công ty TNHH MTV gồm có Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp (Idico), Sông Đà, Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) và Công nghiệp Xi măng (Vicem).
Tính đến thời điểm này, Bộ Xây dựng còn 4 doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện cổ phần hóa là các Tổng công ty Idico, Sông Đà, HUD và Vicem. Trong năm 2017, Bộ Xây dựng đã hoàn thành cổ phần hóa đối với Tổng công ty Idico và Tổng công ty Sông Đà, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa trong năm 2018 hai đơn vị còn lại là Tổng công ty HUD và Vicem. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang triển khai đồng loạt việc thoái vốn Nhà nước tại cả 12 Tổng công ty.
Bộ Xây dựng chủ trương thực hiện thoái vốn một cách linh hoạt, khuyến khích các Tổng công ty thực hiện thoái vốn, không hạn chế tỉ lệ theo mức tối thiểu quy định tại Quyết định 1232.
Bộ Xây dựng quyết hoàn thành việc thoái vốn ở các doanh nghiệp trực thuộc trước năm 2020. |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, cần phân biệt rõ tái cơ cấu và cổ phần hóa. Tái cơ cấu mục tiêu là để sau đó doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, hiệu quả, ổn định trong cả quãng thời gian sau đó. Còn cổ phần hóa là một trong những biện pháp trong đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
“Kinh nghiệm thực hiện thời gian qua của ngành xây dựng cho thấy, chỉ những doanh nghiệp nào thực hiện tốt tái cơ cấu thì cổ phần hóa mới thành công, giá trị vốn hóa khi chào bán ra thị trường đạt giá trị cao. Có như vậy, mới nâng cao được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động và tối đa hóa lợi ích của Nhà nước”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.
Xét chung về mục tiêu thoái vốn cho cả giai đoạn 2017-2020, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ đảm bảo hoàn thành mục tiêu Thủ tướng giao. Bộ Xây dựng cũng xác định 2018 sẽ là năm cao điểm, đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu. Hiện tại, tất cả các Tổng công ty thuộc danh mục thoái vốn đều đã xây dựng phương án, trình Bộ xem xét để thực hiện.
Quan điểm của Bộ Xây dựng khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Theo đó, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải nâng cao được năng lực quản lý, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Phát triển được những ngành nghề truyền thống, cốt lõi trong ngành theo hướng xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mũi nhọn có tính chuyên môn hóa, chuyên biệt hóa cao.
Đặc biệt, việc tối đa hóa lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động phải được đề cao. Có như vậy mới bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong, sau cổ phần hóa.
Quá trình thoái vốn phải bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật. Chống tham nhũng, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đặc biệt trong việc cổ phần hóa và thoái vốn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng yếu tố thời điểm cũng rất quan trọng. Thành công khi thoái vốn tại một số đơn vị thời gian qua như Idico, DIC thể hiện rất rõ điều này.
Điển hình như năm 2000, Idico thua lỗ, nguồn vốn đối chiếu chỉ khoảng 103 tỉ đồng, gần như mất hết. Thế nhưng, trong vòng 15 năm sau, Idico đã phát triển thành cả hệ thống sau khi thoái bớt phần đã thu lợi về cho Nhà nước. Chủ trương giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp này xuống còn 36% đã rất đúng hướng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Hiện tại, Nhà nước vẫn sở hữu 36% vốn tại Idico và doanh nghiệp này vẫn còn quản lý mấy trăm nhà đầu tư. Lợi ích của Nhà nước được tối đa sau khi cổ phần hóa và thoái vốn thành công tại Idico. Việc quyết định tỉ lệ để thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng thời gian tới cũng cần được cân nhắc kỹ.
Với câu chuyện cổ phần hóa của Viglacera thì lại khác. Ông Lưu Văn Lấu, thành viên Hội đồng quản trị Viglacera cho rằng, các nhà đầu tư của Viglacera quan tâm và nhìn vào xuất phát điểm cũng như tình hình sản xuất kinh doanh thực tế, tiềm năng của doanh nghiệp chứ không phải chờ khi đưa tỉ lệ vốn Nhà nước về 36% thì họ mới mặn mà đầu tư.
Khi Viglacera đưa tỉ lệ vốn Nhà nước từ 78% về 53% thì nguồn vốn còn lại đã có tới 34% vốn quỹ nước ngoài vào đầu tư. Điều này có hơi ngược so với các đơn vị khác. Tuy nhiên, các lĩnh vực hoạt động khác nhau nên mục tiêu quan tâm của các nhà đầu tư cũng không giống nhau.
Các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 của Bộ Xây dựng là hoàn tất các công việc còn lại của cổ phần hóa đối với Tổng công ty Idico và Sông Đà. Hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Vicem và HUD theo đúng kế hoạch đặt ra.
Bộ cũng chỉ đạo các Tổng công ty tiếp tục thực hiện sắp xếp, thoái vốn danh mục đầu tư tại công ty con, công ty liên kết… theo nội dung phương án được duyệt. Đảm bảo hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước. Công khai, minh bạch, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Các Tổng công ty được yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc đăng ký giao dịch và niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp sau cổ phần hóa trên sàn giao dịch chứng khoán theo quy định dưới sự giám sát của đơn vị chức năng.
Mục tiêu Bộ Xây dựng đặt ra là tất cả các Tổng công ty đều thực hiện giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom hoặc sàn chứng khoán.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp