Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long lãi hơn 13.500 tỷ đồng trong năm đại dịch

Doanh nghiệp

25/01/2021 15:57

Bất chấp đại dịch COVID-19, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã lội ngược dòng kinh doanh ấn tượng với lãi sau thuế hơn 13.500 tỷ đồng, con số kỷ lục trong lịch sử kinh doanh.

Theo báo cáo tài chính quý cuối năm 2020 vừa công bố, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận 26.166 tỷ đồng doanh thu, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn trong quý này lên 4.660 tỷ đồng, gấp đôi lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục lịch sử trong một quý của Hòa Phát. Tính mỗi ngày kinh doanh, Hòa Phát thu lãi sau thuế gần 52 tỷ đồng. 

thep-hoa-phat.jpg
Thép Hòa Phát đã có một năm kinh doanh ngược dòng với những con số doanh thu và lợi nhuận kỷ lục chưa từng có. Ảnh: HPG

Lũy kế cả năm 2020, Hòa Phát đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 13.506 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử kinh doanh.

Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long cũng thừa nhận trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, Hòa Phát đã có một năm “ngược dòng” thành công rực rỡ, khi tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Lĩnh vực sản xuất thép đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng. Lần đầu tiên, Hòa Phát đạt mức 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019. Trong đó, sản lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm là 5,1 triệu tấn, thép cuộn cán nóng với gần 700.000 tấn. Riêng thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hòa Phát đã vươn lên chiếm 32,5% thị phần thép trong nước. Đặc biệt, phôi thép cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 1,7 triệu tấn, cao gấp hơn 12 lần so với năm 2019.

Ống thép Hòa Phát cũng  vững vàng ở vị trí số 1 cả nước với thị phần 31,7%. Doanh nghiệp thép của tỷ phú Trần Đình Long đang cung cấp cho thị trường trong  và ngoài nước trên 820.000 tấn các loại trong năm 2020.

thep.jpg
Hòa Phát vừng vàng chiếm hơn 32% thị phần thép trong nước. Nguồn: HPG

Tôn mạ màu cũng là sản phẩm tăng vượt bậc với mức tăng  150% sản lượng so với năm 2019, và đang đẩy mạnh xuất khẩu.

Cùng với mảng tôn thép cốt lõi, nông nghiệp cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc là đang đóng góp doanh thu lớn cho Hòa Phát dù mới 5 năm gia nhập thị trường. Năm 2020, nông nghiệp đóng góp tới 11,7% doanh thu và 12,4% lợi nhuận sau thuế cho Hòa Phát.

Cụ thể, thị phần bò Úc đã chiếm 50%, trứng gà sạch đạt sản lượng 700.000 trứng/ngày, chăn nuôi heo đang đóng góp gần 400.000 heo, gồm cả heo thịt và heo giống..

Đầu năm 2021, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ hoạt động đồng bộ cả 2 giai đoạn.  Hòa Phát đặt mục tiêu 2,7 triệu tấn thép cuộn cán nóng,  trên 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng.

2021 cũng sẽ là năm chứng kiến quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp tỷ phú Trần Đình Long khi nhiều mảng kinh doanh cốt lõi bị "khai tử", bao gồm mảng nội thất, vốn là mảng kinh doanh lâu năm của tập đoàn. 

Đầu tháng 12/2020,  Hòa Phát công bố quyết định cơ cấu lại mô hình tổ chức, với các Tổng công ty phụ trách từng lĩnh vực hoạt động của tập đoàn.

media-cungcau-vn_mo-hinh-to-chuc-moi-1025-1601.png
Từ 2021, Hòa Phát chỉ còn 4 mảng kinh doanh chính. Nguồn: HPG

Theo quyết định, có 4 Tổng công ty trực thuộc tập đoàn, bao gồm Tổng công ty Gang Thép, Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp, Tổng công ty Phát triển Bất động sản. 

Trong đó, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát đã thành lập từ năm 2016. Tổng công ty Phát triển Bất động sản với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, do Hòa Phát nắm 99,9% vốn, cũng đã được thành lập vào ngày 8/12/2020. Bất động sản Hòa Phát sẽ thực hiện quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản và các hoạt động phụ trợ.

Hai Tổng công ty Gang thép (quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép xây dựng) và Tổng Công ty Ống thép - Tôn mạ màu (quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh ống thép và tôn mạ màu) cũng thực hiện các thủ tục thành lập trong tháng 12/2020.

Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết việc tổ chức quản lý theo mô hình Tổng công ty sẽ giúp điều hành hoạt động thống nhất, xuyên xuốt trong từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Hòa Phát sẽ không còn xác định công nghiệp khác là trụ cột kinh doanh của mình từ năm 2021. 

Vào ngày 4/1 vừa qua,  Hòa Phát công bố chuyển nhượng toàn bộ vốn cùng lúc tại 10 công ty con. Lý do thoái vốn được đưa ra là tái cơ cấu tổ chức hoạt động. 

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) đánh giá Hòa Phát là nhóm 3 doanh nghiệp tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành, và hưởng lợi lớn nhất trong năm 2021, từ sự tăng giá thép cuộn cán nóng.

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát liên tục lập đỉnh từ giữa năm 2020 đưa giá trị tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tăng mạnh mẽ. Cập nhật mới nhất của Forbes đến ngày 25/1/2021, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã đạt 2,1 tỷ USD, xếp thứ 1.756 trong danh sách tỷ phú thế giới. 

Q.HUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement