Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết lỗ vượt kế hoạch vì Bamboo Airways?

Chứng khoán

03/11/2020 07:02

Tập đoàn FLC lãi trong quý III/2020 nhưng không đến từ hoạt động kinh doanh. Riêng mảng hàng không, khách sạn, du lịch đã lỗ hơn 2.900 tỷ đồng trong 9 tháng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2020. Trong khi thị trường ngấm ngầm lường trước các chỉ số xấu của tập đoàn này, tương tự như quý trước đó, thì kết quả thu được trong quý III lại khá ấn tượng.

Lãi nhờ hoạt động tài chính

Tập đoàn FLC có doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ khoảng 3.423 tỷ đồng. Mức này khi so với quý II/2020 tăng tới gần gấp đôi nhưng khi so với quý III/2019 lại giảm 34%. Tuy phục hồi so với quý liền trước nhưng doanh thu ở quý này vẫn chưa thể lấy lại mốc trên 4.000 tỷ đồng mà FLC từng đạt hồi quý cuối năm 2019 và quý đầu năm 2020.

Giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tiếp tục ở mức cao hơn doanh thu, ở quý này ghi nhận khoảng 3.750 tỷ đồng. Tuy nhiên, tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết đã thu hẹp khoảng cách giữa giá vốn và doanh thu về mức 327 tỷ đồng, thay vì để giá vốn vượt doanh thu tới 742 tỷ đồng như quý trước đó. Trong đó, chi phí thuê nhân công, thuê tàu bay, nhiên liệu, chi phí thuê văn phòng, căn hộ… của mảng hàng không, khách sạn, du lịch giảm 27%.

Mảng dịch vụ của Tập đoàn FLC đã tiết giảm giá vốn 27%. Ảnh: FLC
Mảng dịch vụ của Tập đoàn FLC đã tiết giảm giá vốn 27%. Ảnh: FLC

Giá vốn vượt doanh thu một lần nữa đẩy lợi nhuận gộp của FLC về mức âm. Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng âm 9,5%. Con số này cải thiện rất đáng kể so với biên lợi nhuận gộp âm 43% ở quý trước đó.

Các chi phí thường xuyên trong quý vừa qua nhìn chung được tiết giảm so với cùng kỳ năm trước. Chi phí bán hàng giảm 15%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 16%. Riêng chi phí tài chính lại tăng gần 13% so với quý III/2019.

Dường như FLC sẽ ghi nhận tiếp khoản lỗ trong quý hoặc lãi nhỏ giọt, tuy nhiên, dãy 13 chữ số thuộc về doanh thu hoạt động tài chính đã xoay chuyển cục diện. FLC ghi nhận 1.317 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính trong quý, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ. Tuy vậy, trong phần thuyết minh và tờ giải trình, HĐQT tập đoàn này không nêu rõ đây là hoạt động gì.

Cuối cùng, Tập đoàn FLC có lợi nhuận sau thuế gần 577 tỷ đồng. Mức lãi này tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với quý II/2020 và tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý đầu tiên FLC không chịu lỗ trong năm nay.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp của tỷ phú Trịnh Văn Quyết có được 9.926 tỷ đồng doanh thu (giảm 13,5% so với cùng kỳ) và lỗ 2.213 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh cả năm, FLC đã hoàn thành được gần 80% chỉ tiêu về doanh thu nhưng lại tiếp tục lỗ vượt kế hoạch tới 13%.

Nợ vẫn gấp đôi vốn

So với đầu năm, tổng tài sản vào cuối tháng 9/2020 tăng hơn 35% lên mức 23.792 tỷ đồng. Tăng đáng kể trong số đó là các khoản phải thu, đầu tư tài chính ngắn hạn, hàng tồn kho,… Đến cuối kỳ, FLC có 2.631 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh. Hàng hoá bất động sản tồn kho lên tới 2.693 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với số đầu kỳ.

Nợ phải trả tiếp tục vượt vốn sở hữu của FLC tới 2,4 lần, tỷ lệ này tăng so với quý III/2019 (2,2 lần). Nguyên nhân là do trong khi vốn chủ sở hữu giảm thì tổng nợ phải trả của doanh nghiệp lại tăng.

Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn FLC đang là 10.897 tỷ đồng, giảm 6,4% so với đầu năm. Nợ phải trả thì tăng 29,3% lên mức 26.334 tỷ đồng. Hết 3/4 tổng nợ của FLC là nợ ngắn hạn.

Đến cuối tháng 9/2020, tổng vay và nợ thuê tài chính của FLC là 6.161 tỷ đồng. Trong đó, vay ngân hàng chiếm 84%, giá trị vào khoảng 5.184 tỷ đồng.

Nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, FLC đã vay 2.279 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Cùng mục đích sử dụng trên, tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết còn đang vay Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) thêm 1.046 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có các khoản vay lên đến 757 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Trong 3 tháng, Tập đoàn FLC đã trả xong khoản phải trả với bên liên quan là Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FHH) với giá trị 325 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng qua, FLC đã huy động được 976 tỷ đồng từ kênh trái phiếu với 3 lô phát hành. Trong đó, hết 684 tỷ đồng là trái phiếu đến hạn trả. Lãi suất cho các lô trái phiếu từ 9,2% đến 11,3%/năm đầu tiên.

Hàng không, khách sạn, du lịch lỗ hơn 2.900 tỷ đồng

Trong cơ cấu kinh doanh của Tập đoàn FCL, mảng bán hàng hoá và bất động sản tiếp tục giữ vai trò trụ cột. Mảng “xương sống” này đem về cho tập đoàn 6.278 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, đóng góp 63% tổng doanh thu. Giá vốn bán hàng không vượt quá doanh thu giúp mảng bán hàng hoá và bất động sản lãi thuần 344 tỷ đồng trong 9 tháng qua.

Riêng FLCHomes trong quý III/2020 có được doanh thu thuần 415 tỷ đồng tăng 73% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 15 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gộp hơn 9 tỷ đồng. Các chi phí thường xuyên nhìn chung giảm giúp cho lãi ròng đạt gần 60 tỷ đồng, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, FLCHomes đạt 1.583 tỷ đồng doanh thu (tăng 93% so với cùng kỳ), và 63,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng cao gấp 3,5 lần). So với kế hoạch cả năm, FLCHomes đã hoàn thành vượt 5,5% chỉ tiêu về doanh thu và thực hiện gần 80% chỉ tiêu về lợi nhuận.

FLC Grand Hotel Quy Nhơn sẽ đưa vào khánh thành vào cuối năm nay. Ảnh: FLC
FLC Grand Hotel Quy Nhơn sẽ đưa vào khánh thành vào cuối năm nay. Ảnh: FLC

Theo đại diện của Tập đoàn FLC, hai dự án quy mô lớn tại Bình Định đang được chuẩn bị khánh thành trước cuối năm nay, gồm một khách sạn lớn nhất Việt Nam và một tổ hợp thương mại, căn hộ, khách sạn 5 sao. Ngoài ra, Tập đoàn FLC cũng tiến hành động thổ công trình tòa tháp 72 tầng tại Hải Phòng và tổ hợp Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại Vĩnh Phúc.

Nhưng khi nhìn sang mảng cung cấp dịch vụ của Tập đoàn FLC, nhà đầu tư không khỏi nhìn thấy những màu u tối. Nhóm hàng không, khách sạn, du lịch đem về cho tập đoàn 3.648 tỷ đồng doanh thu nhưng lại “ngốn” tới 6.555 tỷ đồng giá vốn. Như vậy, mảng dịch vụ của FLC lỗ thuần 2.907 tỷ đồng.

Tuy vậy, hãng hàng không Bamboo Airways trong quý có nhiều biến chuyển. Hãng này tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ đúng giờ, đạt 95,6%, tăng so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là hãng hàng không Việt Nam duy nhất vượt công suất khai thác cùng kỳ năm 2019, với số liệu tăng trưởng chuyến bay đạt 18,8%.

Bamboo Airways mở được đường bay Côn Đảo trong quý III/2020. Ảnh: Bamboo Airways
Bamboo Airways mở được đường bay Côn Đảo trong quý III/2020. Ảnh: Bamboo Airways

Trong kỳ, đơn vị chủ quản, Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt, được tập đoàn mẹ, ông Trịnh Văn Quyết và các cổ đông tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 21/9, Tập đoàn FLC chiếm 51,24% vốn điều lệ, ông Trịnh Văn Quyết chiếm 40,03%.

Theo báo cáo tài chính quý III/2020, FLC vẫn giữ 3.586 tỷ đồng đầu tư dài hạn cho Bamboo Airways, giá trị thuần vào khoảng 2.737 tỷ đồng. Thay vì trích lập dự phòng đến 1.145 tỷ đồng, tập đoàn này rút còn gần 850 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2020.

Trước đó, khi trao đổi với Bloomberg, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways, cho biết, hãng đang lên kế hoạch đặt mua 60 động cơ GE và các dịch vụ liên quan trong năm 2020, với tổng trị giá 2 tỷ USD, phục vụ đội bay Boeing 787-9 Dreamliner mà hãng đang đặt hàng.

Ban Lãnh đạo Bamboo Airways dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam trong quý IV/2020, sau khi từng phải hoãn lại tiến độ do dịch COVID-19 trong quý II.

Trong khi đó, gần đây FLCHomes đã có động thái chuẩn bị đổi sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo tiết lộ của người đứng đầu FLC, tập đoàn mẹ và các cổ đông cá nhân nắm giữ 90% vốn FLCHomes, 10% là cán bộ nhân viên. Vị tỷ phú này cũng khẳng định: “Giá cổ phiếu FLC Homes có thể đạt ba chữ số, tức trên 100.000 đồng chứ không phải 35.000 đồng như dự kiến”.

Gần đây, Tập đoàn FLC và FLCHomes đã và đang đề xuất đầu tư vào tỉnh Quảng Trị 8 dự án trên tổng diện tích đất 484 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến là 8.855 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án về du lịch. 2 dự án Khu du lịch sinh thái Gio Linh 1 và Gio Linh 2 được giao cho FLCHomes làm chủ đầu tư với tổng diện tích 15,8 ha, tổng mức đầu tư 681,4 tỷ đồng.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement