12/08/2020 13:20
Tập đoàn Điện lực Việt Nam bị nhà thầu khởi kiện đòi 335 tỷ đồng
DIC kiện EVN đòi 335 tỷ đồng
Ngày 9/7, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thông báo về việc hủy niêm yết cổ phiếu đối với Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC. Công ty thuộc Bộ Xây dựng đang niêm yết hơn 26,5 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị chứng khoán hủy niêm yết hơn 265 tỷ đồng.
Nguyên nhân được HoSE đưa ra là do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2019, đơn vị kiểm toán đưa ra lý do chưa nhận được thư xác nhận các khoản liên quan đến công nợ của DIC.
Giải trình về việc tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2019, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC Nguyễn Đức Hải thừa nhận việc các khoản công nợ phải thu của khách hàng chưa được xác nhận.
Đáng chú ý, trong các khoản công nợ lớn, DIC có nhắc đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), và cho biết các đơn vị công ty đang khởi kiện EVN với tổng số tiền yêu cầu hoàn trả lên đến 335 tỷ đồng.
Cụ thể, Tổng giám đốc DIC cho hay công ty đã làm đơn khởi kiện gửi lên TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để yêu cầu EVN hoàn trả số tiền hơn 208 tỷ đồng (bao gồm khoản công nợ gần 172 tỷ đồng).
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (Bình Thuận). Ảnh: EVN |
Khoản công nợ gần 172 tỷ đồng cũng được thể hiện trong báo cáo tài chính 2019 của DIC, doanh nghiệp hạch toán khoản nợ phải thu của EVN. Đây là khoản công nợ liên quan hợp đồng cung cấp than nhập khẩu phục vụ chạy thử Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (Bình Thuận).
DIC cùng Công ty PT.SUMBER GLOBAL ENERGY và Công ty CP Viên Lâm Hà Nội là nhà thầu liên danh (DIC-INTRACO-SGE-VLHN) cung cấp 922.450 tấn than cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Hợp đồng được ký kết vào năm 2017.
Ngoài ra, DIC cũng cho biết thêm đang hoàn thiện hồ sơ kiện đòi EVN thêm gần 127 tỷ đồng.
EVN nói gì về khoản nợ 335 tỷ?
Liên quan việc DIC khởi kiện yêu cầu EVN hoàn trả số tiền lên đến 335 tỷ đồng, EVN đã có văn bản gửi TAND Bà Rịa-Vũng Tàu, phản đối các yêu cầu của DIC.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng đây là yêu cầu phi lý, không phù hợp các quy định trong hợp đồng được ký giữa EVN và liên danh nhà thầu, không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể theo EVN, chất lượng than DIC cung cấp không đúng tiêu chuẩn theo hợp đồng đã ký giữa hai bên. Hợp đồng quy định: Trường hợp than không phù hợp, bên mua có quyền phạt bên bán 8% giá trị chuyến hàng, theo giá trị hóa đơn phát hành cho lần thanh toán đợt 1 của lô hàng tương ứng.
EVN cho biết thêm thực tế tổng hợp theo chứng thư giám định tại cảng dỡ Vĩnh Tân, có 26 chuyến vi phạm tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, tập đoàn đã thông báo nhà thầu và giữ lại hơn 70 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ phạt 8% theo quy định.
EVN cũng cho biết, đối với đề nghị của nhà thầu về việc áp dụng tỷ lệ phạt thấp hơn 8% đối với 13 chuyến hàng (trong tổng số 26 chuyến hàng) vi phạm tiêu chuẩn chất lượng than là không đúng với quy định của hợp đồng như đã nêu.
Cũng theo EVN, tập đoàn đang giữ lại chưa thanh toán cho nhà thầu 48,3 tỷ đồng. Số tiền này được tính toán để bù trừ với khoản phạt chất lượng do than không đạt tiêu chuẩn.
Do đó, nếu bù trừ với khoản phạt chất lượng than theo quy định của hợp đồng, tức hơn 70 tỷ đồng thì nhà thầu vẫn còn phải trả thêm cho EVN khoản tiền chênh lệch so với khoản tiền mà EVN đang giữ.
Ngoài ra, giải thích về yêu cầu EVN phải trả số tiền dôi nhật ngày tàu 35,5 tỷ đồng, phía EVN cho rằng số tiền này vẫn đang được các bên tính toán, thương thảo để thống nhất nên chưa có cơ sở để thanh toán cho nhà thầu.
Đối với đề nghị hỗ trợ cước vận chuyển phát sinh do chênh lệch về cước tại cảng dỡ với số tiền hơn 118 tỷ đồng, EVN cho rằng đề nghị này không có căn cứ theo các quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp