Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tạo 'đề kháng' cho doanh nghiệp địa ốc

Quy hoạch

20/08/2021 07:13

Sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tới hạn sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh, vì thế khẩn thiết cần thêm những trợ lực để tạo “sức đề kháng” cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đang cố trụ và chờ…

Để miêu tả về tình trạng của các doanh nghiệp xây dựng - bất động sản vào lúc này, có lẽ cụm từ “tứ bề thọ địch” là chính xác nhất: Từ tiến độ thi công, triển khai dự án phải tạm ngừng, đầu ra cho sản phẩm bị đứt quãng, chật vật thay đổi mô hình quản trị để thích ứng làm việc từ xa đến nỗi lo gánh nặng chi phí đầu vào do giá nguyên vật liệu tăng, thế khó với các doanh nghiệp xây dựng - bất động sản còn nằm ở nút thắt thủ tục hành chính.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_1-2265(1).jpg
Doanh nghiệp bất động sản cần thêm nhiều trợ lực để ứng phó với khó khăn phía trước. Ảnh: Dũng Minh

Trong văn bản báo cáo khẩn thiết gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 9/8/2021, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP Invest, đồng thời là đại diện cho Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC) đã nhấn mạnh tình trạng khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp xây dựng - bất động sản, khi rất nhiều công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng phải dừng vì dịch bệnh.

“Chậm bàn giao, nghiệm thu hợp đồng kéo dài thêm 1 ngày là thêm 1 gánh nặng với đồng lương trả cho cán bộ, công nhân viên. Nhưng đó không phải nỗi lo duy nhất, bởi cảnh ‘rối như tơ vò’ còn đến từ việc chậm giải quyết những kiến nghị mà doanh nghiệp đưa ra”, ông Hiệp nói.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Funi Bamboo miền Bắc trầm hẳn giọng khi kể về việc phải ra quyết định cơ cấu lại nhân sự sau nhiều tháng doanh nghiệp “đóng băng” bởi giãn cách xã hội, trong đó không ít nhân viên là người từng gắn bó nhiều năm với Công ty.

“Cầm cự suốt cả năm 2020, những tưởng thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, nhưng đến đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư này thì đành phải nói với anh em để chia sẻ khó khăn cùng Công ty khi nguồn lực không còn đủ để gồng gánh lương, nợ thuế, lãi vay ngân hàng để ký quỹ cho chủ đầu tư”, ông Hà nghẹn ngào nói.

Giai đoạn khó khăn này là một cuộc chiến cam go với bất kỳ doanh nghiệp nào, thậm chí mức độ tổn thương còn nặng nề hơn đối với một số doanh nghiệp lớn. Kết quả kinh doanh bán niên 2021 của nhiều doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy sự tích cực với phần đông doanh nghiệp đạt mức doanh thu và lợi nhuận cao hơn cùng kỳ năm 2021, nhưng điều đó không có nghĩa bức tranh chung của ngành cũng sáng sủa, cũng không khỏa lấp hết khó khăn đang phải đối mặt

Trao đổi với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng - bất động sản về tình hình hoạt động kinh doanh thời gian qua, đại đa số cho biết, họ có cảm giác “tủi thân” khi dường như bị đứng ngoài cuộc trong các giải pháp hỗ trợ chung, trong đó một phần nguyên nhân xuất phát từ quan niệm bất động sản không phải ngành sản xuất - kinh doanh trọng yếu, trong khi đây là ngành tác động dây chuyền rất lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Thực tế, bất động sản - xây dựng là 2 ngành nghề chịu chi phối bởi rất nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường…, bên cạnh vô vàn những văn bản dưới luật khác. Tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp là cảnh chồng chéo, xung đột giữa các văn bản thường xuyên xảy ra.

Số liệu thống kê theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố cách đây không lâu cho thấy, hiện nay, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là thời hạn giải quyết hồ sơ lâu hơn so với quy định (với 38% doanh nghiệp gặp phải), trong đó càng tìm hiểu thì thấy pháp lý về xây dựng - bất động sản càng phức tạp, rối rắm, từ luật đến nghị định, thông tư…

Nói như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV rằng, có 2 liều “vắc-xin” mà doanh nghiệp cần nhất hiện nay, một là vắc-xin y tế và hai là quy trình thủ tục minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận. Theo ông Lộc, nỗ lực của Chính phủ sắp tới là phải làm sao để các thủ tục hành chính được thiết kế theo tinh thần mới, thông thoáng hơn, dễ dàng hơn để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Cần thêm nhiều trợ lực

Theo đánh giá của các thành viên thị trường, thị trường bất động sản Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển do nhu cầu về nhà ở thực cũng như đầu tư rất lớn, tuy nhiên, những quy định pháp lý “trói chân” khiến doanh nghiệp phải chật vật mỗi ngày. Do đó, cần sớm có giải pháp trong các chính sách hỗ trợ về lãi suất, thuế, phí, cũng như có phương án điều chỉnh phù hợp với sự biến động giá cả đầu vào thời gian qua.

“Trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, thị trường hồi phục sớm hay muộn phụ thuộc vào yếu tố ngoại cảnh, trong đó quan trọng hàng đầu là hiệu quả kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, thời gian kiểm soát càng dài thì thiệt hại của người dân, doanh nghiệp càng lớn”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land nói.

Theo bà Hương, chỉ khi vắc-xin được tiêm đại trà, doanh nghiệp mới có hy vọng mở cửa trở lại, các hoạt động kinh tế - xã hội mới có thể khôi phục như trước. Tuy nhiên, do sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp bất động sản đã vượt quá giới hạn, nên cấp thiết cần thêm nhiều trợ lực thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách, cũng như các gói hỗ trợ tài chính để có thể tiếp tục chống chọi với những gian nan ở phía trước khi dịch bệnh chưa qua đi.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản là vấn đề được đặt ra nhiều lần, nhưng việc thực thi vẫn còn quá chậm, cần sự thay đổi toàn diện và mạnh mẽ hơn. Trong văn bản kiến nghị mới ban hành tuần trước, HoREA đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, trong đó có đề xuất các ngân hàng thương mại cần xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay, không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.

“Doanh nghiệp sống được thì các ngân hàng mới khỏe được”, ông Châu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, liên quan tới chính sách thuế, tiền sử dụng đất, HoREA đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất, đặc biệt, không phạt doanh nghiệp, chủ đầu tư nếu quá hạn 90 ngày kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất, cũng như cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021; chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021… để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế và doanh nghiệp trước tác động của bệnh dịch.

Đáng chú ý, HoREA tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại để hướng dẫn UBND cấp tỉnh thống nhất thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trình Chính phủ phương án tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Cơ quan này cho biết, đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tất cả 178 thủ tục hành chính hiện nay và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153 thủ tục, chiếm 85% số lượng thủ tục hành chính của lĩnh vực tài nguyên và môi trường, giúp tiết kiệm hơn 131,6 tỷ đồng.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đây là đợt cải cách lớn nhất, mang tính hệ thống, phạm vi ảnh hưởng rộng và toàn diện nhất từ trước đến nay của ngành. Những cải cách này sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau dịch.

LINH VIỆT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement