20/11/2017 05:53
Tạo cơ chế thông thoáng để hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán
Việt Nam đang không ngừng thực hiện các giải pháp vĩ mô, cải thiện cơ chế chính sách trong quản lý và điều hành thị trường để hút nguồn vốn ngoại trên thị trường chứng khoán.
Sức ảnh hưởng lớn
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, hiện nay trong số khoảng 1,8 triệu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có tới gần 21.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. 45 quỹ đầu tư thì đa số các quỹ đầu tư là quỹ ngoại.
Qua đó cũng thể hiện được niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế và chính trị Việt Nam, môi trường đầu tư nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Khối ngoại cũng đóng góp phần vốn rất quan trọng tạo ra lượng ngoại tệ, qua đó tăng dự trữ ngoại hối cho Việt Nam, cũng như tăng nguồn cung cho thị trường ngoại hối Việt Nam, góp phần ổn định tỷ giá.
Giảng viên Học viện Ngân hàng Nguyễn Phương Thảo, bắt đầu từ khoảng những năm 2006 trở đi, các quỹ đầu tư nước ngoài ngày càng có ảnh hưởng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể kể đến các quỹ lớn như Quỹ đầu tư VinaCapital, Indochina Capital, Dragon Capital, IDG Vietnam, PXP Vietnam, City Group, HSBC, JP Morgan, Deutsch AG….
Đặc thù của các quỹ này là khả năng tài chính lớn, trình độ, khả năng phân tích thị trường tốt, tâm lý vững vàng phán đoán trước những biến động của thị trường.
“Trong nhiều trường hợp khi nhà đầu tư Việt có tâm lý đám đông, bất ổn thì ngược lại các quỹ ngoại thường có sự ổn định, tính toán chính xác, chặt chẽ trong mỗi quyết định đầu tư. Do đó, hiện nay nhiều nhà đầu tư Việt đang có xu hướng đầu tư theo quyết định của các quỹ ngoại,” bà Nguyễn Phương Thảo nhận định.
Trong nhiều giai đoạn khi thị trường gặp khó khăn, thanh khoản sụt giảm thì dòng vốn từ các quỹ ngoại giúp cải thiện tình hình của thị trường. Có những lúc nhà đầu tư Việt Nam đổ xô ra bán thì nhà đầu tư nước ngoài lại mua vào.
Vào những thời điểm thị trường sụt giảm mạnh, khi không khí ảm đạm lộ rõ ở các nhà đầu tư trong nước thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn chiếm khoảng 20% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty Quản lý quỹ và Quỹ đầu tư Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Hải Nam cho biết, các quỹ đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong tạo tính thanh khoản cho thị trường, một tiêu chí rất quan trọng đối với một thị trường chứng khoán của quốc gia. Đồng thời tạo thêm nguồn lực giúp cân bằng trong cán cân thanh toán thông qua luồng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam đã có những phát triển nhất định trong những năm qua; trong đó có phần đóng góp quan trọng của thị trường chứng khoán với vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Các quỹ đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đã tiếp cận, đầu tư tích cực đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ các quỹ đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài về kinh nghiệm quản lý, quản trị công ty, sắp xếp lại các doanh nghiệp, từ đó có hướng kinh doanh mới và thậm chí có thể tạo ra những sản phẩm vươn ra thế giới và đóng góp tích cực vào nền kinh tế nước nhà.
Trong Quyết định số 252/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Việt Nam luôn coi trọng luồng vốn của nhà đầu tư tổ chức; trong đó luồng vốn của tổ chức nước ngoài được đánh giá rất cao.
"Và nhà đầu tư là một trong những trụ cột cho phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Nam nhấn mạnh.
Tạo cơ chế thông thoáng
Ông Nguyễn Hải Nam cho biết thêm, Chính phủ và các cơ quan hữu quan luôn quan tâm đến việc cải thiện cơ chế chính sách trong quản lý và điều hành thị trường chứng khoán. Nhiều chính sách, giải pháp để thu hút vốn ngoại đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang được thực hiện. Giải pháp quan trọng nhất phải kể đến là tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Sắp tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đóng góp sửa đổi Luật Chứng khoán, cũng như một số nghị định, thông tư. Trong đó sẽ tăng cường công bố và giám sát thông tin của những doanh nghiệp, đẩy mạnh công bố thông tin của các doanh nghiệp bằng tiếng Anh để cho các quỹ đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận với thị trường.
Đồng thời, ngành chứng khoán tiếp tục hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách, đảm bảo công bằng trên thị trường, bảo vệ lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài, của các quỹ đầu tư nước ngoài; trong đó sẽ giám sát chặt chẽ những hành vi như nội gián, thao túng trên thị trường.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng quan tâm đến đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán. Vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm một sản phẩm là chứng khoán phái sinh. Sắp tới đây sẽ có thêm sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, giúp đa dạng sản phẩm và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư được tốt hơn.
Thêm nữa, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 123/2015/TT- BTC, hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các nội dung trong thông tư đã giảm thiểu các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như một số tài liệu không nhất thiết phải dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, bãi bỏ một số quy định hợp pháp hóa lãnh sự, các nhà đầu tư nước ngoài được phép đăng ký giao dịch bằng phương pháp trực tuyến đã rút ngắn thời gian thủ tục hành chính xuống rất nhiều.
“Việc giảm thiểu và đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã giúp số lượng mã số giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên rất đáng kể,” ông Nam cho biết. Theo thống kê của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, số lượng mã số giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên khoảng 69% trong một năm qua.
Giải pháp tiếp theo là khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP về chứng khoán để hỗ trợ cho tăng sở hữu nước ngoài đối với những ngành nghề mà không nhất thiết nhà nước phải nắm giữ vốn cổ phần chi phối.
Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 115/2017/TT-BTC về cổ phần hóa căn cứ trên Quyết định 51/2014/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn, gắn quá trình cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Chẳng hạn như trong năm vừa qua số lượng doanh nghiệp niêm yết trên Upcom tăng lên rất nhiều với tổng số doanh nghiệp tăng lên là 653 công ty, ước tính đến thời điểm 31/10.
Khi có nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ cung ứng được nhiều hàng hóa tốt hơn cho thị trường chứng khoán và ngược lại thị trường chứng khoán tổ chức tốt, tạo được thanh khoản tốt sẽ thúc đẩy việc giao dịch trong mua bán cổ phần, giúp cho quá trình cổ phần hóa được thuận lợi hơn.
Ngoài ra, nhóm giải pháp thứ 5, trong lĩnh vực quản lý quỹ cũng đã có một số thông tư để làm căn cứ pháp lý cho các mô hình mới phát triển như quỹ ETF, quỹ khởi nghiệp sáng tạo, quỹ mở…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng rất tích cực trong mở rộng hợp tác quốc tế và tham gia vào các diễn đàn vốn trên thế giới. Trong đó đã ký kết khoảng 25/31 biên bản ghi nhớ song phương và đa phương với các thị trường tài chính phát triển trên thế giới như Anh, Pháp và có hợp tác rất tốt với Cơ quan quản lý các thị trường chứng khoán châu Âu.
Từ những ký kết biên bản ghi nhớ này, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài có cơ sở ra quyết định tham gia đầu tư vào thị trường tài chính cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp