Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tăng vốn ảo, nỗi đau còn đến bao giờ?

Chứng khoán

07/01/2020 08:26

Nhìn lại thị trường chứng khoán năm 2019, hai câu chuyện gây ồn ào nhất chính là việc lãnh đạo KSA và MTM bị khởi tố vì những sai phạm trong việc tăng vốn và thao túng chứng khoán. Tăng vốn ảo gắn liền với thao túng chứng khoán vẫn là vấn đề nhức nhối trên thị trường vốn trong nước.

Nhiều doanh nghiệp trong vòng nghi vấn

Mặc dù để lại không ít nỗi đau, nhưng chính từ việc phanh phui những sai phạm tại CTCP Ðầu tư khoáng sản Bình Thuận (KSA) và CTCP Xuất nhập khẩu mỏ và khoáng sản miền Trung (MTM), nhà đầu tư cũng hiểu hơn về các chiêu trò tăng vốn ảo của doanh nghiệp.

Trong câu chuyện của KSA, tháng 9/2015, Công ty đã chào bán 56 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Với thị giá dưới 5.500 đồng/cổ phiếu, không bất ngờ khi chỉ có 1,22 triệu cổ phiếu phát hành thêm được mua. Số cổ phiếu “ế” đã được Hội đồng quản trị Công ty phân phối cho một số tổ chức, cá nhân để đợt chào bán thành công.

Cơ quan điều tra sau đó xác định, chỉ có bà Phạm Thị Hinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị KSA mua 1,2 triệu cổ phiếu.

Tăng vốn ảo, nỗi đau còn đến bao giờ?


Với lượng cổ phiếu cổ đông bỏ quyền, bà Hinh lập danh sách và làm thủ tục phân phối cho các công ty, cá nhân thân quen. Số tiền 560,5 tỷ đồng nộp tiền cũng do bà Hinh đứng ra vay ngân hàng hộ.

Sau đợt phát hành, số tiền thu về được chuyển cho các công ty theo phương án đầu tư, nhưng người đứng đầu các công ty cũng là người quen của lãnh đạo KSA. Hồ sơ mở tài khoản ngân hàng được ký sẵn và do bà Hinh trực tiếp mở.

Việc nộp, rút tiền, ủy nhiệm chi đều do các cá nhân, công ty ký sẵn, viết sẵn đưa cho ngân hàng. Sau đó, số tiền được rút ra để thanh toán cho khoản vay mua cổ phần tăng vốn.

Như vậy, kịch bản là công ty lên phương án đầu tư, kinh doanh và gọi vốn thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu với mức giá bán cao hơn thị giá, các cổ đông nhỏ lẻ tất nhiên sẽ chẳng dại gì xuống tiền và bỏ quyền.

Ðợt chào bán ban đầu thất bại “được dự báo trước” và lãnh đạo công ty tìm những “nhà đầu tư thiên thần” bỏ tiền mua lượng cổ phiếu ế, lượng mua vào ở mức dưới 5%/nhà đầu tư để không phải công bố thông tin khi bán…

Các cổ đông nhỏ lẻ tất nhiên không có lý do gì để phản đối, bởi đã tự nguyện bỏ quyền mua. Khi công ty tìm được người mua với giá cao hơn thị giá, cổ đông cũng không bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng pha loãng thị giá khi phát hành.

Tuy vậy, do những người mua lại cổ phiếu là “sân sau” của lãnh đạo doanh nghiệp, dòng tiền sau khi được nộp vào tài khoản phong tỏa để xác nhận tăng vốn thành công đã được rút ra để thanh toán lòng vòng trở lại bên xuất phát nên sau tăng vốn khủng, tiền thu về không có.

Nhóm nhà đầu tư thì sở hữu được lượng lớn cổ phiếu “giấy” với giá vốn gần như bằng 0 và bán ra với giá nào cũng có lợi.

Trong phương án này, dấu hiệu nghi ngờ xuất phát từ việc doanh nghiệp thiếu tiền, nhưng sau khi tăng vốn lại mạnh tay cấp vốn cho các đối tác, khách hàng, thậm chí cho vay cá nhân. Bởi dòng tiền không có thực nên để cân đối tài sản, nguồn vốn, buộc phải tạo ra các “tài sản ảo” để đối ứng.

Cũng bởi vốn tăng là ảo, nên dù xoay vòng phải thu, trả trước hoặc điều chuyển vào các khoản mục khác để làm đẹp báo cáo, nhưng dòng tiền hoạt động âm hoặc thặng dư không đáng kể, tiền tích lũy không có.

Ðến một thời điểm nhất định, các khoản mục này hoặc trích lập dự phòng gây lỗ đột biến hoặc từ từ đẩy vào giá vốn làm thua lỗ tăng dần theo thời gian.

Không khó để liệt kê hàng loạt doanh nghiệp có đặc điểm tăng vốn tương tự trong thời gian qua, nhưng nhà đầu tư nhỏ chỉ có thể dừng lại ở nghi vấn.

Bởi từ những thông tin ít ỏi được công bố theo quy định chẳng thể đủ chứng cứ kết luận, muốn đòi hỏi xem các tài liệu chi tiết, hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp thì không có quyền.

Trong chiêu thức tiếp theo, doanh nghiệp sẽ dồn dập tăng vốn gấp nhiều lần ngay trước khi trở thành công ty đại chúng và đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết hoặc UPCoM. Phương án này có nhiều lợi thế, bởi khi đó, việc tăng vốn khá dễ dàng về thủ tục và ít bị giám sát như sau khi lên sàn.

Như trong câu chuyện MTM, ban đầu, Công ty chỉ có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp khi đó đã chỉ đạo một số cá nhân khác làm giả hồ sơ tăng vốn, làm giả danh sách cổ đông với 103 người và chứng từ tăng vốn lên 310 tỷ đồng và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM.

Bởi thị giá liên tục giảm sau tăng vốn, có trường hợp đã bị cơ quan điều tra kết luận về hành vi thao túng giá chứng khoán, nhưng vì không xác định được số lợi nhuận bất chính thu được nên chỉ bị xử lý hành chính vài trăm triệu đồng.

Rõ ràng, nếu không bị phanh phui việc tăng vốn ảo và bị khởi tố như MTM, số tiền phạt này chẳng đáng gì so với số tiền rút ra từ việc bán giấy với giá vốn 0 đồng.

Mới đây, cổ phiếu SGO của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (SGO) vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 20/12/2019 do liên tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, bị nhắc nhở nhiều lần, nhưng không thực hiện.

Nhìn lại chặng đường 4 năm niêm yết nhiều tai tiếng từ vi phạm công bố thông tin đến có cá nhân bị UBCK xử phạt vì thao túng giá cổ phiếu, thị giá SGO hầu như chỉ giảm một chiều, từ 14.000 đồng/cổ phiếu khi lên sàn đến khi bị đình chỉ giao dịch vào tháng 8/2018 chỉ còn 800 đồng/cổ phiếu.

Trước khi trở thành công ty đại chúng và niêm yết vào năm 2015, SGO đã tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng thông qua 2 đợt chào bán riêng lẻ.

Ðợt 1 chào bán tăng vốn 99 tỷ đồng cho 5 cổ đông vào tháng 12/2014, và đợt 2 chào bán 100 tỷ đồng cho 5 cổ đông vào tháng 2/2015.

Sau các đợt tăng vốn, giá trị phải thu và đầu tư tài chính đã tăng vọt trên dưới 3 lần và tổng giá trị 2 khoản mục chiếm đến 83% tổng tài sản trong năm 2015; trong đó, có số dư phải thu lớn với bên liên quan. Rõ ràng, nhà đầu tư cũng có quyền nghi ngờ tính ảo của câu chuyện tăng vốn này.

Hay những nghi vấn tương tự như CTCP An Trường An (ATG) tăng vốn từ 13,2 tỷ đồng lên 152,2 tỷ đồng sau 2 đợt phát hành trong tháng 5 và tháng 9/2015 trước khi niêm yết tháng 8/2016.

CTCP Ðầu tư phát triển Sóc Sơn (DPS) tăng vốn từ 25,1 tỷ đồng lên 160,8 tỷ đồng trong tháng 12/2014 trước khi niêm yết tháng 5/2015... Diễn biến tình hình kinh doanh, thị giá của ATG, DPS sau niêm yết cũng không khác SGO là mấy.

Chặn tăng vốn ảo, chờ những giải pháp mới

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp đại chúng chào bán cổ phần tăng vốn phải nộp hồ sơ với phương án sử dụng vốn rõ ràng và chỉ được thực hiện khi UBCK phê duyệt.

Ðịnh kỳ 6 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán cho đến khi hoàn thành dự án, tổ chức phát hành phải công bố thông tin về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp chưa phải đại chúng, việc tăng vốn bằng chào bán cổ phiếu chỉ phải thực hiện đăng ký với Sở Kế hoạch và Ðầu tư nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

Mặc dù báo cáo tài chính và báo cáo sử dụng vốn của các doanh nghiệp đại chúng được đơn vị kiểm toán kiểm tra, rà soát, nhưng nhìn chung, việc giám sát của cơ quan quản lý cũng như của đơn vị kiểm toán mới dừng lại ở hồ sơ đúng và đủ theo quy định chung, khó đi sâu vào thực tế triển khai dự án.

Từ thương vụ tăng vốn ảo của KSA và MTM cho thấy, việc “hợp thức hóa” các hồ sơ này hoàn toàn có thể thực hiện với những chi phí dịch vụ nhỏ so với lợi ích bất chính thu được nếu thực hiện thành công. Nhất là khi thay vì phương án đầu tư nhà máy, các doanh nghiệp dùng vốn để đầu tư tài chính, mua cổ phần, bổ sung vốn lưu động…

Ðiều này cũng bởi các đối tác tài chính trung gian như ngân hàng, công ty kiểm toán cũng là các đơn vị cung cấp dịch vụ, đôi khi vì áp lực khách hàng, chỉ tiêu hay những lợi ích riêng của một vài cá nhân trong đó đã giúp các công ty tăng vốn ảo và hoàn thành chu trình xoay vòng vốn thành công.

Trong báo cáo tổng kết về thị trường chứng khoán năm 2019 và một số giải pháp cho năm 2020 mới đây, UBCK đã đưa việc “tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động huy động vốn và việc sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích” là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm chứng khoán trên thị trường trong năm 2020.

Việc giám sát của UBCK là yêu cầu tất yếu để hạn chế những câu chuyện tăng vốn ảo, thao túng giá, giúp thị trường minh bạch hơn, nhưng câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý sẽ tăng cường giám sát bằng cách nào khi mà số thương vụ bị nghi ngờ gian dối, làm ảo, làm giả để tăng vốn trước và sau khi lên sàn rất nhiều, nhưng trường hợp đưa ra được kết luận như MTM, KSA trong năm qua vẫn còn quá ít.

KHẮC LÂM
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement