21/06/2023 15:18
Tăng trưởng tín dụng rất chậm, nửa năm chỉ tăng 3,36%
Theo NHNN, tính đến 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Ông Đào Minh Tú nhận xét, tín dụng vẫn còn tăng chậm. "Ở góc độ NHNN cũng rất muốn tăng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn cấp tín dụng, mà tăng phải đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Chúng tôi xác định, việc tăng tín dụng là nhiệm vụ quan trọng phải triển khai quyết liệt trong thời gian tới. Mức 3,36% thấp, nhưng cũng do tính khách quan của nền kinh tế nhu cầu vốn thấp".
Phó Thống đốc cho biết, tháng 2 NHNN đã giao room tín dụng cho các NHTM cả nước là 11%, theo định hướng cả năm 14-15%. Đến nay mức 14-15% vẫn là mục tiêu cả năm. Dù vậy đến 15/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36%. Có thể thấy hạn mức không thiếu, huy động vốn cũng không phải thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng. Tuy nhiên khả năng hấp thụ vốn yếu, bởi nhiều nguyên nhân, có từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới, theo Markettimes.
Doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, tồn hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hóa tăng. Sức mua cũng suy yếu dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp.
Liên quan vấn đề cung ứng tiền, thanh khoản cho nền kinh tế, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay khi sự việc SCB nổ ra, đã có những dao động trong các NHTM về việc phải duy trì thanh khoản an toàn. Nhưng trong thời gian rất ngắn, NHNN đã có điều chỉnh để ổn định trạng thái, thanh khoản các NHTM tiếp tục được đảm bảo, thậm chí nâng cao hơn, theo Zing.
"Khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế là không thiếu. Các dự án, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vốn, đảm bảo hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ chắc chắn là không thiếu vốn", ông Tú nhấn mạnh.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm. Đồng thời, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).
Theo lãnh đạo NHNN, việc điều hành chính sách tăng trưởng tín dụng đã, đang và sẽ là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng và sẽ được triển khai quyết liệt.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp