15/05/2017 03:44
Tăng trưởng GDP trông chờ vào dầu thô, Samsung, Formosa
Tăng cường khai thác dầu thô, bám sát kế hoạch kinh doanh của Samsung và đưa vào vận hành Formosa là 3 giải pháp chính mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhằm đảm bảo tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017, trong bối cảnh GDP quý I chỉ tăng 5,1%.
Theo một báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017 trong bối cảnh GDP quý I chỉ tăng 5,1%, trước mắt, Bộ này trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tập trung vào một số giải pháp nhanh, đầu tiên phải kể đến giải pháp tăng khai thác dầu thô.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác trong nước, tối thiểu đạt 1 triệu tấn nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu.
Tiếp đến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành bám sát kế hoạch sản xuất trong năm 2017 của các nhà máy thuộc tập đoàn Samsung, theo đó, Samsung dự kiến tăng doanh thu xuất khẩu năm 2017 lên 50 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2016.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đây sẽ là sự đóng góp đáng kể cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu và tăng trưởng GDP nói chung.
Giải pháp thứ ba mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến là giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến xử lý vấn đề môi trường của dự án Formosa, nếu đủ điều kiện để hoạt động, có thể xem xét cho phép nhà máy đi vào vận hành.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu được vận hành lò cao số 1 trong tháng 5 sẽ cho công suất là 3,5 triệu tấn thép/năm, đóng góp khoảng 0,16 điểm % trong tăng trưởng GDP.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát tất cả các dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động, chủ động tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động, đóng góp chung cho tăng trưởng.
Đồng thời, rà soát các dự án tư nhân và FDI đã đăng ký đầu tư, tạo điều kiện về mặt thủ tục, đất đai, lao động... để doanh nghiệp nhanh chóng giải ngân, đưa vốn vào nền kinh tế.
Về vấn đề hàng tồn kho hiện đang ở mức cao so với cùng kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó phối hợp với các doanh nghiệp có các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn nhằm giải phóng hàng tồn kho.
Ngoài ra, việc nhanh chóng thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư coi là giải pháp đảm bảo tăng trưởng GDP cả năm.
Nhận định về diễn biến tăng trưởng GDP quý I/2017, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế quý I năm nay ở mức thấp, trong đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng là một nguyên nhân nhưng không quá lớn, bởi vốn đầu tư công Việt Nam hiện nay liên tục giảm vì ngân sách khó khăn.
TS. Nguyễn Đức Thành cũng chỉ ra rằng, giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là một số công ty lớn như Samsung.
“Nếu như một nguyên nhân chính của việc suy giảm tăng trưởng được cho là bắt nguồn từ tính thời vụ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Samsung thì điều này cho thấy một khuynh hướng ngày càng rõ nét về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một số ít tập đoàn đa quốc gia và ngành hàng chính”, TS. Nguyễn Đức Thành đánh giá.
Nhận định về vấn đề liệu rằng Chính phủ có nên cố gắng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 hay không, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, Chính phủ nên cố gắng theo hướng là tập trung cải thiện chất lượng, chứ không phải “dồn” số lượng cho đủ bằng các biện pháp như tăng cường khai thác dầu thô…
“Nếu thông qua cải thiện về chất lượng có thể chậm hơn nhưng sẽ bền vững. Đó là điều quan trọng”, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp