Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tăng trưởng GDP hàng năm có vẻ tốt nhưng tăng trưởng dài hạn lại có vấn đề

Doanh nghiệp

11/12/2017 05:15

GDP tăng trưởng không tồi nhưng cơ cấu ít thay đổi. Nền kinh tế chậm trưởng thành, doanh nghiệp Việt Nam chậm lớn và khó lớn

Giàu xổi

Theo Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tính đến hết tháng 10, một số ngành chủ chốt tăng trưởng thấp hoặc giảm. Cụ thể, điện thoại di động tăng 4,8%, giày dép da 1,6%, thuốc lá 0,3%, than đá giảm 0,4%, khí đốt thiên nhiên giảm 8%, ô tô giảm 8,3%, khí hóa lỏng giảm 10,2%, dầu thô giảm 11%...

Chỉ có lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ du lịch là cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, nông nghiệp tăng 2,78% so với 0,62% và dịch vụ du lịch tăng 7,25% so với 6,67% so với cùng kỳ năm 2017.

Một điểm sáng ở nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 được ông Thiên chỉ ra là vốn đầu tư tư nhân tăng vượt bậc. Cụ thể, năm 2016 vốn đăng ký tăng 48,1% so với năm 2015. Còn trong 8 tháng đầu năm, dòng vốn đăng ký mới tăng 43,5% so với năm 2016.

Tăng trưởng GDP ở các quý trong năm thường thấp đầu năm và cao vào cuối năm. Nguồn Viện Kinh tế Việt Nam.
Tăng trưởng GDP ở các quý trong năm thường thấp đầu năm và cao vào cuối năm. Nguồn Viện Kinh tế Việt Nam.

Thế nhưng, nhìn về vĩ mô ông Thiên ngao ngán: “Chi đầu tư phát triển chỉ đạt 50,6% dự toán năm. Giải ngân ODA tới ngày 31/7 chỉ đạt 42% kế hoạch. Giải ngân trái phiếu Chính phủ hết tháng 9 mới đạt 7% dự toán”.

Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng, tăng trưởng GDP hằng năm có vẻ tốt nhưng tăng trưởng dài hạn lại có vấn đề. GDP tăng trưởng không tồi nhưng cơ cấu ít thay đổi, nền kinh tế chậm trưởng thành, doanh nghiệp Việt Nam chậm lớn và khó lớn.

“Điều lạ lùng trong tăng trưởng kinh tế là thành tích tăng trưởng bao giờ cũng tốt. Đầu năm thấp, cuối năm cao, cơ bản hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên về dài hạn, tính theo 5 năm, 10 năm thì tốc độ tăng trưởng bình quân lại giảm 1%”, ông Thiên nói.

Cụ thể, GDP tăng trưởng cao (6,5%/năm) mà nền kinh tế vẫn chậm lớn, chi phí vốn quá cao. Nợ công tăng 5%/năm, tín dụng tăng 15-18%/năm trong khi lãi suất, chi phí logistics, chi phí giao dịch cao bậc nhất thế giới.

Nguyên nhân là do động lực tăng trưởng cũ đã cạn kiệt, chậm thay mới. Tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng 7-8 năm qua không đạt kết quả do chỉ lo tháo gỡ, chỉnh sửa, nâng cấp để tận khai mô hình cũ, chậm chuyển sang cơ chế thị trường bình thường.

Xét về thực trạng các động cơ tăng trưởng kinh tế, ông Trần Đình Thiên cho rằng trong bốn động cơ tăng trưởng của Việt Nam là kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và FDI thì chỉ có khu vực FDI ăn nên làm ra nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam, ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách và hạn chế được những tác động tiêu cực.

Nếu bỏ khu vực FDI sang một bên và chỉ phân tích ba khu vực còn lại thì bức tranh kinh tế sẽ ít tươi sáng hơn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do ta, không phải do tác động từ bên ngoài. Việc tồn tại hai khu vực, hai nền kinh tế trong một quốc gia vì độ kết nối, liên thông tương tác giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI kém.

“Vậy chúng ta kéo FDI vào đây làm gì vì từ đầu chúng ta nói đây là động lực tăng trưởng kinh tế nhưng hình như kéo FDI vào chỉ để lo cho mục tiêu tăng trưởng sản lượng nhiều hơn mục tiêu giúp doanh nghiệp nội địa phát triển”, ông Thiên nói.

Một vấn đề bất cập khác được ông Thiên chỉ rõ, đó là hiện nay dân số 93 triệu người phải nuôi tới 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức. Nếu tính toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách như hưu trí, người hưởng lương, trợ cấp từ Nhà nước… thì lên tới 11 triệu người, chiếm 11,5% dân số.

Doanh nghiệp bị gánh nặng bởi lãi vay ngân hàng. Trong khu vực, chỉ có Indonesia là lãi suất cao hơn Việt Nam.
Doanh nghiệp bị gánh nặng bởi lãi vay ngân hàng. Trong khu vực, chỉ có Indonesia là lãi suất cao hơn Việt Nam.

Hiện tại, có gần 3 triệu công chức, viên chức đang làm việc và hưởng lương ngân sách trong bộ máy Nhà nước. Tương đương tỉ lệ 30,5 công chức/1.000 dân. Con số này quá cao so với các nước trong khu vực như Indonesia (17,64), Philippines (13,02), Singapore (25,69).

Áp lực thay đổi

Theo ông Trần Đình Thiên, về tăng trưởng của năm 2017 cần nhìn nhận ở 2 khía cạnh số lượng và động thái. Trong đó, động thái gắn với sự dịch chuyển về chất lượng, động cơ tăng trưởng. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục, tinh thần khởi nghiệp lên cao.

Để tạo ra động lực tăng trưởng, ông Thiên đề xuất trong 3 năm tới không nên chạy theo GDP từng năm một, cần bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu trong đó GDP chỉ là chỉ tiêu định hướng. Cần tập trung các giải pháp dài hạn, thay cách làm hoàn toàn chứ không thể cải tiến cách cũ nữa. Phải căn cứ vào các cam kết hội nhập để định hình mục tiêu, căn cứ vào yêu cầu của các mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới.

Ông Thiên cho rằng, hiện nay là thời đại biến đổi nhanh nên các điều kiện, xu hướng, tình thế và công cụ phát triển mới, đòi hỏi những động lực mới. Do đó, ông đã khuyến nghị ba vấn đề để Chính phủ xem xét, có giải pháp cụ thể.

Thứ nhất và quan trọng nhất là tạo động lực mang tính thị trường cho nền kinh tế, theo đó phải công khai và minh bạch. Thứ hai là căn cứ vào hội nhập để định hình mục tiêu chứ không chỉ là căn cứ vấn đề của mình. Thứ ba, là thay đổi tư duy về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Ông Trần Đình Thiên phát biểu tại một hội thảo được tổ chức tại TP.HCM gần đây.
Ông Trần Đình Thiên phát biểu tại một hội thảo được tổ chức tại TP.HCM gần đây.

Ông Thiên đánh giá, thuật ngữ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã đáp ứng nhiệm vụ trong thời gian qua, đã tạo điều kiện rất tốt để tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhưng kéo dài tiếp tục có thể sẽ làm chậm mục tiêu chuyển đổi nguồn lực sang khu vực có hiệu quả hơn.

“Kể từ khi bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới nền kinh tế, Đảng đã xác định nền kinh tế nhiều thành phần, có nghĩa là thừa nhận kinh tế tư nhân, thay thế cho nền kinh tế chỉ dựa vào chế độ công hữu. Cũng từ đây, nền kinh tế đã có sự thay đổi với nhiều khởi sắc. Chính khu vực kinh tế tư nhân đã mang lại sự khác biệt thực sự, khác hẳn về chất cho nền kinh tế, tạo động lực mới và mạnh mẽ cho phát triển”, ông Thiên nói.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, dù đã nhận thức ra được vấn đề là phải cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, chuyển nguồn vốn nhà nước sang cho khu vực tư nhân nhưng thực tế vẫn có những giằng níu, sai lệch.

Nói là đồng ý cổ phần hóa, tái cơ cấu, chuyển phần vốn sang khu vực tư nhân để làm chủ nhưng chỉ đặt mục tiêu bán 5-10% vốn thì lại là sai. Nếu doanh nghiệp Nhà nước chỉ bán có vài phần trăm vốn thì không giải quyết được vấn đề gì. Cách tiếp cận này không triệt để, không rõ ràng về mặt sở hữu. Quản trị kinh doanh phải trên nền tảng sở hữu khác hẳn, đấy mới là tái cơ cấu đúng nghĩa.

Còn muốn lớn mạnh về kinh tế thì phải cạnh tranh sòng phẳng, trước hết là cạnh tranh tiếp cận nguồn lực nhưng nền kinh tế nước ta hiện nay lại rất thiếu. Các nguồn lực Quốc gia nói chung, ngân sách nói riêng không được phân bổ phù hợp.

Đã là nguồn lực quốc gia thì không thể dành riêng cho doanh nghiệp Nhà nước lại càng không thể dành theo lối ưu đãi, phân biệt đối xử. Do vậy, phải cải cách và đổi mới lần hai, thay triệt để cơ chế xin cho, bao cấp bằng cơ chế và động lực thị trường.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement