11/06/2017 08:52
Tan tác các casino dọc biên giới Tây Nam
Dọc biên giới Tây Nam những ngày này, đến đâu cũng thấy cảnh điêu tàn, hoang vắng đến rợn người, bởi giờ đang là những ngày tàn của casino.
Không như dạo cách đây 5 - 10 năm về trước, casino ở biên giới Tây Nam mọc lên như nấm sau mưa và người qua về đánh bạc chen chúc như trẩy hội xuân.
“Cầu xóa nợ” không còn giăng lưới
“Mấy anh qua biên giới nghiên cứu nghị định 52 không, em chở đi?” - chúng tôi vừa rời xe ở trước mặt cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), chưa kịp đi dạo thì đã bị mấy xe ôm trờ tới “kẹp cổ” kiểu vồn vã trên mức cần thiết. Nhìn kỹ hóa ra là Tuấn - người quen từ nhiều năm trước. Bật cười thành tiếng bởi lần này đi biên giới gặp bạn cũ lại nghe được cụm tiếng lóng “nghiên cứu nghị định 52” rất mới và đầy văn hóa khi nói về 52 bài. Hỏi “bên đó giờ có gì vui?”, Tuấn bảo “thì vẫn bài bạc, gái gú… như mọi khi thôi, nhưng giờ vắng và buồn lắm, ngay cả “cầu xóa nợ” bữa nay người ta cũng không còn giăng lưới nữa rồi”.
“Cầu xóa nợ” mà Tuấn nói là cầu Gò Dầu nằm trên đường xuyên Á bắc ngang sông Vàm Cỏ Đông, cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng chục cây số. Gọi là “cầu xóa nợ” là bởi thời cực thịnh của những casino bên kia biên giới, lâu lâu lại có con bạc trắng tay từ cửa khẩu Mộc Bài chạy thẳng lên cầu Gò Dầu trầm mình xuống sông để xóa đời và xóa luôn những món nợ tiền, thường là tiền tỉ không trả nổi. Số người “xóa nợ” đến từ Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và cả ở địa phương sở tại, nhiều và bất thường đến mức, chính quyền địa phương phải nghĩ ra giải pháp… giăng lưới ở hai bên thành cầu để “bắt” người nhảy xuống!
“Nhưng đó đã là chuyện xưa” - Tuấn nói - bởi gần 5 năm nay em không nghe có con bạc nào nhảy cầu xóa nợ nữa vì hình như dân mình cũng chẳng ai còn tiền của để mà bài bạc như trước nữa, nên lưới giăng ở dưới cầu cũng được cất đi”.
Chúng tôi làm thủ tục đi qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài để nghiên cứu “Nghị định 52” và ấn tượng nhất là cảnh những cán bộ hải quan của cả Việt Nam và Campuchia thay nhau ngồi ngáp! Làm sao mà không ngáp cho được khi lâu lâu mới có một hai xe công làm thủ tục thông quan gọi là có giao thương.
Trở lại xã Bavet (tỉnh Soài Riêng, Campuchia) bên kia Mộc Bài, chúng tôi không tin vào mắt mình khi một “thành phố Bavet” sầm uất, tráng lệ năm nào nay là một vùng xơ xác. Các thể loại hàng quán phục vụ người Việt hai bên đường năm nào sôi động từ sáng đến đêm, giờ cái đóng cửa, cái chủ ngồi chống cằm đuổi ruồi.
14 casino cao sừng sững và 3 trường gà lớn nằm dọc hai bên đường lớn tạo nên cảnh “mặt trời không bao giờ tắt nắng ở Bavet” bây giờ có đến hơn một nửa thành nhà hoang, có nơi cỏ mọc cao quá đầu người. Số còn lại đang hoạt động cũng chỉ duy trì cho có bởi chưa kịp thu hồi vốn nên bỏ thì thương mà vương thì thua lỗ. Theo nguồn tin từ một trùm casino người Việt ở đây, trung bình mỗi casino đang hoạt động cầm chừng Bavet thua lỗ khoảng trên dưới 20 tỉ đồng!
Một chủ casino ở Bavet cho biết, hàng loạt casino “cáo chung” là điều tất yếu. Cũng theo người này, một casino cỡ trung bình, số nhân viên cũng từ 300 đến 400 người. Nếu tính riêng chuyện ăn uống, cộng với khách chơi thì mỗi ngày casino này phải chi phí cho trên 500 người ăn. Cộng với tiền công nhân viên thì mỗi tháng chi phí “phần cứng” mà một casino phải tốn ít nhất 200.000 USD.
Đó là chưa kể những khoản “phí mềm” khác. Trong khi đó, có người vốn lận lưng chưa tới 1 triệu USD cũng đứng ra mở casino. Vì vốn ít, các chủ casino này nôn nóng thu hồi vốn bằng cách lập tức móc túi người chơi với nhiều thủ đoạn gian lận, khiến cho nhiều con bạc nhanh chóng cháy túi. Các con bạc càng “chết” nhanh thì lượng khách chơi ở các casino này càng mau cạn, trong khi số khách này là “cần câu” khách mới. Khi đã mất đi “cần câu” thì đồng nghĩa với hết “cá”, và các casino này rơi vào cảnh vắng vẻ như hiện nay.
Chỉ còn “cái bang”
Chúng tôi dừng chân ở Le Macao - casino đầu tiên của vùng Bavet được xây dựng từ năm 1999. Bên trong, mấy phòng VIP (dành cho mấy con bạc tiền nhiều, cơm bưng nước rót cùng nhiều dịch vụ khác tận nơi) giờ đã đóng cửa vì lâu lắm chẳng còn ai VIP. Phòng chơi chung, giờ chỉ còn khoảng 20 bàn, trong đó có hết 10 bàn chỉ có một cô bé người Campuchia chơi… qua mạng với mấy con bạc đang nằm ngồi đâu đó ở Việt Nam. Cũng như bên ngoài kia, trong này mấy con bạc yên ắng và vật vờ, uể oải đến mức chúng tôi buồn ngủ dù vừa ngồi xuống đã được nhân viên ở đây mời thứ nước đen đen gọi là cà phê. Chợt nhớ những năm cao điểm, Le Macao có đến 700 nhân viên phục vụ, giờ, theo một quản lý ở đây, nhân viên chỉ còn trên dưới 200 người.
Điều lạ là thời thịnh cũng như bây giờ suy, các con bạc ở trong casino ở biên giới Tây Nam luôn chiếm đến gần 90% là nữ ở khắp các độ tuổi! Ngồi nhìn mấy chị, mấy mẹ, mấy bà vạ vật sát phạt ở Le Macao, lại nhớ hôm trước, cũng một casino bình dân bên kia cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), tỉ lệ con bạc nam nữ chênh lệch nhau tới mức gạch ở lối đi vào nhà vệ sinh nữ cứ gọi là vẹt mòn dấu chân, trong khi lối đi vào nhà vệ sinh nam lại không tìm thấy hình ảnh đó.
Tại một casino tầm trung đang hoạt động cầm chừng bên kia Mỹ Quý Tây, chúng tôi còn chứng kiến có rất nhiều phụ nữ người bản địa đang sát phạt trong đó nhưng bằng hai loại tiền USD và VND. Một chị còn kể bằng tiếng Campuchia với anh biên phòng dẫn đường cho chúng tôi rằng “hôm nay đã thua hết 2 cây vàng”. Đây là chuyện lạ bởi casino lâu nay có một nguyên tắc chỉ dành riêng để “hút máu” người Việt, còn người Campuchia không có cửa! “Chắc là ở đây vừa có luật mới để giúp các chủ casino tận thu” - người dẫn đường của chúng tôi nói nhỏ sau một hồi buôn chuyện với mấy con bạc bản xứ.
“Thật ra bây giờ ở các casino, dân chơi bạc thứ thiệt rất ít mà chiếm số đông là những cái bang” - người dẫn đường nói. “Cái bang” là những con bạc có mặt ở sòng bài nhưng không phải để ăn thua mà chủ yếu kiếm tiền “lưu linh” (hoa hồng casino thưởng cho người chơi trên số tiền phóng bạc) để sống qua ngày. Theo người dẫn đường, “cái bang” ra đời từ kẽ hở của chính sách “phát triển nguồn khách” bằng cách nuôi bộ phận cò mồi. Đưa được một người chơi vào cửa casino, một cò sẽ được hưởng từ 200.000 đến 350.000 đồng. Nhưng phần lớn các con bạc vào casino theo đường này thường không chơi bài, mà chủ yếu để lấy hoa hồng trên đầu người rồi chia nhau, hoặc lởn vởn quanh các bàn để làm “cái bang”, chờ kiếm “lưu linh”.
Khi chiêu này bị phát hiện, chủ casino cho camera ghi hình và điểm mặt từng “cái bang”, sau đó không trả tiền cho người không chơi bài. Thậm chí, khi một người vừa bước vào cửa sẽ lập tức bị camera theo dõi. Họ chơi bài gì, số tiền bao nhiêu… đều được báo lại với người quan sát. Hết đất sống, các “cái bang” chuyển sang nghề “xào chẻ” - tức hai người bỏ ra một ít vốn, sau đó tìm đến những bàn chơi có quy định mức ăn thua ngang nhau như tài xỉu hay long hổ để chơi.
Khi người này đặt tiền vào nhà con thì “đối tác” đặt tiền vào nhà cái, cứ thế đến cuối ngày ai thắng thì “chúng ta” cũng hòa vốn và còn được tiền hoa hồng! “Có chết thì chỉ có “bọn” casino nó chết chứ tụi này mỗi ngày trung bình kiếm được 2 - 3 trăm, lại còn được cơm ăn nước uống miễn phí, thu nhập cao lại khỏe hơn làm thợ hồ nhiều” - ông Khanh - nguyên là “xào chẻ” chuyên nghiệp ở thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu, Tây Ninh) - nói. Một thời gian dài, ông Khanh và vợ là một cặp “xào chẻ” kẻ tung người hứng kiếm tiền rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên mới đây, ông Khanh buộc phải quay lại nghề thợ hồ bởi giờ ngay cả “xào chẻ” cũng không còn đất sống như xưa…
Chỉ là tạm yên với “những trận can qua”, bởi casino không tự phát nhưng tự tàn mà không hề có bàn tay của sự quản lý. Nhưng dù sao cũng thở phào nhẹ nhõm khi nghe một cán bộ biên phòng ở Mộc Bài bảo “nhiều năm rồi, cảnh tan cửa nát nhà, vợ chồng ly tán, nhảy cầu trốn nợ, chặt tay cầm mạng chờ tiền chuộc… ở các vùng quê nghèo đã là chuyện kể của ngày cũ...”.
Advertisement