30/01/2020 08:51
Tâm lý sợ trách nhiệm khiến vốn đầu tư không giải ngân được
Chi đầu tư phát triển năm 2019 chỉ đạt 53,9% dự toán, chiếm tỷ trọng thấp nhất trong 2 năm trở lại đây, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Ngân sách bội thu
Cân đối ngân sách Nhà nước tiếp tục bội thu trong năm 2019 và đạt mức cao kỷ lục do tất cả các cấu phần thu đều tích cực và chi đầu tư phát triển giải ngân chậm.
Tính đến ngày 15/12/2019, cân đối ngân sách Nhà nước bội thu 97,9 nghìn tỷ đồng, ghi nhận mức bội thu cao nhất trong 5 năm gần đây tại cùng thời điểm tăng mạnh so với với diễn biến bội chi của các năm trước (2015: -94,5 nghìn tỷ đồng; 2016: -192,2 nghìn tỷ đồng; 2017: -155,5 nghìn tỷ đồng; 2018: 0,4 nghìn tỷ đồng).
Thu ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15/12/2019 ước đạt 1.414,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 100,2% dự toán năm, vượt so với dự toán với sự cải thiện của tất cả các cấu phần. Trong đó, thu nội địa vẫn là nguồn thu chiếm tỷ trọng chủ yếu (81%), trong khi thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và dầu thô đều vượt dự toán, đóng góp với tỷ lệ lần lượt là 14,9% và 3,8%.
Trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, thu nội địa ước đạt 1.146,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 100,2% dự toán năm, mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Tăng trưởng kinh tế khả quan trong năm 2018 và đầu năm 2019 giúp thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt mức dự toán cao hơn so với cùng kỳ, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước được cải thiện rõ rệt, đạt 142,5 nghìn tỷ đồng, bằng 85,4% dự toán.
Thu từ doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) cũng tăng, đạt 178,3 nghìn tỷ đồng, bằng 89,5% dự toán. Thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 204,7 nghìn tỷ đồng, bằng 90,5% dự toán. Thu thuế thu nhập cá nhân đạt 97,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Thu thuế bảo vệ môi trường là 50,8 nghìn tỷ đồng, bằng 73,6% dự toán. Thu tiền sử dụng đất tăng mạnh, đạt 115,3 nghìn tỷ đồng, bằng 128,1% dự toán.
Thu từ dầu thô vượt dự toán do giá thanh toán cao hơn so với dự toán. Cụ thể là tính đến ngày 15/12/2019, thu từ dầu thô đạt 53,29 nghìn tỷ đồng, tương đương 119,5% dự toán năm (cùng kỳ 2018: 84%; 2017: 29,5%). Giá dầu thô Việt Nam thanh toán trong kỳ bình quân khoảng 67,1 USD/thùng, tăng 2,1 USD/thùng so với giá dự toán.
Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 210,18 nghìn tỷ đồng, tương đương 111,1% dự toán năm, ghi nhận đạt mức dự toán cao nhất từ trước tới nay. Kết quả này chủ yếu nhờ kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách Nhà nước lớn tăng mạnh như nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (tăng 40,4%), sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 20,2 %). Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (tăng 11%). Cụ thể trong 11 tháng đầu năm 2019, số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng 135,23 nghìn chiếc, tăng 100,4% so với cùng kỳ.
Chi thấp
Chi ngân sách Nhà nước đạt thấp so với dự toán do chi thường xuyên được kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh chi đầu tư phát triển chậm giải ngân. Chi ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15/12/2019 ước đạt 1.316,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 80,6% dự toán năm.
Trong cơ cấu chi ngân sách Nhà nước, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với tỷ lệ lên đến 70,5%, đạt giá trị 927,9 nghìn tỷ đồng, bằng 89% dự toán. Chi đầu tư phát triển là 246,7 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán năm và là mức giải ngân chi đầu tư phát triển thấp nhất trong 2 năm. Chi trả nợ lãi đạt 93,4 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán năm.
Chi đầu tư phát triển năm 2019 chỉ đạt 53,9% dự toán, chiếm tỷ trọng thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do các vấn đề pháp lý, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, sự thay đổi trong kế hoạch bố trí vốn đầu tư trung hạn theo giai đoạn 5 năm, tâm lý sợ trách nhiệm trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh chấn chỉnh bộ máy quản lý.
Tỷ lệ chi đầu tư phát triển thấp có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và gia tăng áp lực trả nợ trong những năm tiếp theo.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp