29/08/2017 09:50
Tại sao trạm thu phí Thủ Thiêm suốt 5 năm vẫn thu 0 đồng?
Là công trình được đầu tư hoành tráng, nhưng trạm thu phí Hầm Thủ Thiêm chỉ thu được 0 đồng sau 5 năm xây dựng.
Chính thức khánh thành vào ngày 20/11/2011, hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) được coi là hầm lớn nhất Đông Nam Á. Cùng với đại lộ Đông Tây,hầm Thủ Thiêmđánh dấu bước ngoặt lớn trong lĩnh vực giao thông của TP.HCM.
Ngay sau khi công trình hoàn thành đã rút ngắn thời gian đi lại giữa hai đầu Đông - Tây của TP.HCM, đồng thời giải quyết phần nào tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô TP.HCM. Ngoài ra, công trình này còn góp phần kết nối giao thông giữa TP.HCM với các khu vực lân cận.
Được biết, cụm công trình Thủ Thiêm - đại lộ Đông Tây được đầu tư với tổng kinh phí lên đến 16.000 tỷ đồng tại thời điểm năm 2012. Sau đó, TP.HCM đã cho xây dựng trạm thu phí hầm Thủ Thiêm hướng về phía quận 2.
Vào tháng 9/2012, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức chothu phí thử nghiệm hầm Thủ Thiêm trong mộttháng. Ghi nhận bình quân mỗi ngày có gần 14.700 phương tiện 4 bánh và 76.700 xe máy lưu thông. Tuy nhiên, sau mộttháng thu phí thử nghiệm, trạm thu phí này đã dừng hoạt động.
Lý do được UBND TP.HCM đưa ra là vì thành phốnhận thấy tình hình kinh tế còn nhiều phức tạp, chưa có dấu hiệu phục hồi. Người dân và các doanh nghiệp trong thành phốđều đang gặp khó khăn. Nếu thành phố thực hiện việc thu phí sẽ có tác động không tốt đến tình hình xã hội, kinh tế của địa phương. Ngoài ra, UBND TP.HCM lúc đó cũng khẳng định khi nào đủ điều kiện sẽ chỉ đạo việc thu phí sau.
Tuy nhiên, đã trải qua 5 năm, nhưng trạm thu phí này chỉ thu 0 đồng tiền phí. Đến nay,trạm thu phí Thủ Thiêmluôn trong cảnh "vườn không nhà trống", không hoạt động nhưng cũng không tháo dỡ.
Trạm thu phí Thủ Thiêm hiện nay có 12 cabin được xây dựng hoành tráng, đầy đủ các thiết bị tiện nghi như máy tính, máy lạnh, điện tử,...
Ngoài ra, CSGT, nhân viên quản lý hầm luôn túc trực thường xuyên để làm đảm bảo tình hình an toàn giao thông và giữ gìn tài sản.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Giảng viên trường Đại học Bách khoa TP.HCM, hầm Thủ Thiêm tại TP.HCM là một phần trong dự án Đại lộ Đông Tây nối quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm có nguồn vốn đầu tư từ Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản, có vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam nên không thể theo hình thức BOT.
Vì BOT có nghĩa là "xây dựng - vận hành - chuyển giao", nên khi không theo hình thức BOT thì trạm thu phí không thể đưa vào hoạt động như những nơi khác.
"Giống như hầm Thủ Thiêm, cầu Cần Thơ cũng có nguồn vốn đầu tư từ Hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Nhật Bản nên không được thu phí, mặc dầu lúc đầu có xây dựng trạm thu phí", ông Tống nói thêm.
Giải thích về việc trạm thu phí Thủ Thiêm 5 năm thu 0 đồng, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: "Trạm thu phí Thủ Thiêm được xây dựng để thu phí phục vụ cho việc duy tu, bảo trì đường hầm này, chứ không phải thu phí để hoàn vốn cho dự án.
Tuy nhiên, đầu năm 2013, khi quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT xóa bỏ, dừng thu đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Nhà nước và trả nợ vay để tránh tình trạng phí chồng phí.
Trạm thu phí Thủ Thiêm được xây dựng dựa vào vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản nên là đối tượng nằm trong diện bị xóa bỏ. Việc duy tu, bảo trì đường hầm sẽ dùng phí từ Quỹ bảo trì đường bộ".
Advertisement
Advertisement