18/10/2017 01:11
Tại sao heo đeo vòng lại bị tiểu thương, thương lái phản đối dữ dội?
Không chỉ tiểu thương, thương lái mà ngay cả người tiêu dùng dường như cũng dửng dưng với chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhiều lần giải thích, sở dĩ tiểu thương và đặc biệt thương lái không hưởng ứng chương trình này là vì lâu nay họ quen với việc tự do buôn bán. Hơn nữa, nhiều người còn trục lợi từ việc buôn bán bằng mánh khóe như bơm nước, chích an thần… để kiểm lời. Nay việc quy định đeo vòng giống như đưa họ vào khuôn khổ, nên việc nhiều người phản ứng, không hợp tác cũng là điều dễ hiểu (?).
Một lý do nữa là việc đeo vòng truy xuất còn khiến thương lái và tiểu thương tốn thêm thời gian để đeo vòng, kích hoạt vòng, tem truy xuất… và cả tiền bạc khi chi phí cho mỗi chiếc vòng lên đến gần 10.000 đồng mỗi con heo.
Những giải thích trên có thể đúng nhưng với việc sau 9 tháng triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo mà theo ông Nguyễn Hà Trung, Giám đốc Hội Công nghệ cao TP.HCM (đơn vị kiểm soát phần mềm truy xuất), thì lượng người tiêu dùng truy cập vào hệ thống truy xuất không nhiều. Người tiêu dùng được xem là những người hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình này cũng tỏ ra không mặn mà.
Ông Trung biện minh, có thể người tiêu dùng đã tin vào việc kiểm soát nên không cần truy xuất (?). Liệu người tiêu dùng có thực sự như ông Trung nói? Nhất là mới đây, hơn 4.000 con heo tại lò mổ Xuyên Á bị phát hiện được chích thuốc an thần trước khi đi giết mổ, trong đó phần lớn là số heo vị phạm được đeo vòng truy xuất ở cả hai chân.
Sau vụ việc, ông Trung giải thích, con heo được đeo vòng không có nghĩa là an toàn. Việc kiểm soát heo an toàn hay không thuộc chức năng của cơ quan Thú y và Ban an toàn thực phẩm.
“Với việc số heo vi phạm có vòng truy xuất sẽ hỗ trợ đắc lực cơ quan điều tra khi muốn tìm hiểu số heo đó xuất phát từ đâu, của thương lái nào…”, ông Trung nói.
Thế nhưng nhiều thương lái chưa hề đăng ký chương trình này, và dù nhiều con heo đeo vòng nhưng khi truy xuất lại chẳng có bất cứ thông tin nào. Trong đó có cả những phần kiểm soát của cơ quan thú y cũng không có.
Người nuôi thì chẳng muốn mất thêm chi phí, thời gian đeo vòng nên thương lái này không mua sẽ gọi lái khác. Thương lái thì có nhiều tầng nấc mua đi bán lại, chẳng biết khâu nào trung thực, khâu nào không nên tìm cách tránh né truy xuất, hoặc đeo vòng cho heo nhưng không khai báo thông tin gì.
Rất nhiều thương lái khẳng định, heo đeo vòng chẳng an toàn hơn vì đeo xong vẫn có thể chở đi bơm nước như thường.
Đêm 16/10 vừa qua, ngay cả khi ông Nguyễn Ngọc Hòa trực tiếp xuống chợ đầu mối nông sản Bình Điền, Hóc Môn để chỉ đạo không cho heo không có vòng truy xuất được phép nhập chợ (kế hoạch đã được thông báo trước đó nhiều tháng) nhưng lượng heo không được truy xuất về chợ vẫn cao gấp 3 lần số heo được truy xuất. Kế hoạch làm “mạnh tay” đã phải thay đổi khi cơ quan chức năng chấp nhận cho heo không được truy xuất vào chợ.
Việc truy xuất là cần thiết, song truy xuất như thế nào, cách thực hiện ra sao… cơ quan chức năng đã không thăm dò kỹ từ chính những người tham gia chuỗi ngành hàng này. Khi áp dụng lại như áp đặt khiến nhiều đối tượng tham gia chương trình này không hợp tác.
Một số chuyên gia trong ngành thực phẩm thì cho rằng, cơ quan chức năng đang làm thay việc của các đơn vị kinh doanh. Thay vì ra quy định, đặt điều kiện sản phẩm ra thị trường phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc.... Đủ điều kiện thì cho kinh doanh, không đủ thì rút giấy phép… Cơ quan chức năng lại làm cái việc chẳng khác gì “ôm rơm nặng bụng”. Vừa tốn chi phí, tiền của vừa không đem lại hiệu quả.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp