14/04/2021 09:05
Tại sao cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam hấp dẫn?
AFC Vietnam Fund đánh giá, nhà đầu tư nước ngoài luôn chú ý tới lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam và sẵn sàng chi trả thêm so với giá trị trường.
Hiện tại, chỉ khoảng 30% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng. Vì lẽ đó, giới chức Việt Nam đang xem việc hiện đại hóa lĩnh vực thanh toán là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách hỗ trợ thương mại điện tử, hỗ trợ các nhà băng giảm thiểu giao dịch tiền mặt với mục tiêu ít nhất 70% công dân có độ tuổi từ 15 trở lên có tài khoản ngân hàng trong tương lai gần.
Hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với 25,8%, tương đương vốn hóa 49,9 tỷ USD.
Nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất tại sàn HOSE |
Ngành ngân hàng tại Việt Nam càng trở nên nổi bật xét theo các chỉ tiêu tài chính so với các thị trường ASEAN khác như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Lợi nhuận tốt, ROE cao
So với các quốc gia kể trên, nhóm ngân hàng Việt Nam có ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) cao hơn so với đa số.
Cụ thể, ROE của nhóm ngân hàng Việt Nam ở mức hơn 18% so với chỉ 13% tại Indonesia, 10% tại Singapore, 9% tại Malaysia, 8% tại Thái Lan và 7% tại Philippines.
ROE của nhóm ngân hàng tại một số quốc gia |
ROE cao hơn thường đồng nghĩa với việc mang lại giá trị cao hơn và vì lẽ đó, AFC Vietnam Fund tin rằng, các ngân hàng xứng đáng chứng kiến giá cổ phiếu ở mức cao hơn.
Thực tế, trong quý I/2021, cổ phiếu của nhiều nhà băng đã tăng trưởng tích cực với mức leo dốc trung bình 30%. Tại các quốc gia Đông Nam Á, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng leo dốc, chẳng hạn mức 22% tại Thái Lan, 7% tại Indonesia, 6% tại Philippines…
Sự thay đổi giá cổ phiếu nhóm ngân hàng tại một số quốc gia trong 1 tháng (cột màu xanh), 3 tháng (cột màu đen) và từ đầu năm tới nay (cột màu đỏ) |
Nhà đầu tư nước ngoài luôn chú ý tới lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam và sẵn sàng chi trả thêm so với giá trị trường bởi đa phần các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam đã đạt tới trần sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng mạnh
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 ngay từ đầu và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 2,9% trong năm 2020. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế uy tín, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ ở quanh khoảng 7 – 8,5%.
Tăng trưởng GDP Việt Nam qua các năm và dự báo 2021 |
Các ngân hàng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế. Ví dụ, chính phủ Việt Nam yêu cầu các nhà băng hạ lãi suất khi đại dịch xuất hiện, công bố các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giảm số lượng doanh nghiệp phá sản.
Tất cả các biện pháp này có tác động tích cực tới tỷ lệ nợ xấu tại các nhà băng, nhất là so với các quốc gia trong khu vực.
NIM cải thiện
Trong 12 tháng qua, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại Việt Nam đã giảm từ mức khoảng 10%/năm xuống quanh mức 5%/năm. Với việc lãi suất đi xuống, thị trường tài chính và nền kinh tế thực nhận được trợ lực. Điều này cũng có tác động lớn tới các nhà băng, khi họ có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
Hệ số NIM (Net Interest Margin) là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng, cho biết hiện các ngân hàng đang thực sự hưởng chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng là bao nhiêu.
Hệ số NIM của các nhà băng Việt Nam qua các năm và dự báo tới 2023 |
Đa phần các nhà băng Việt Nam quyết định lãi suất cho vay dựa trên chi phí vốn, cộng với chi phí cố định và biên độ lợi nhuận vào khoảng ít nhất 2%.
Triển vọng dài hạn
Ngành ngân hàng Việt Nam có triển vọng tăng trưởng dài hạn rất tích cực, khi có tới khoảng 70% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng. Thêm vào đó, mới khoảng 4% dân số có thẻ tín dụng.
Với 87% dân số có độ tuổi dưới 54, nhóm khách hàng tiềm năng của lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam có quy mô lớn và rất hấp dẫn.
Lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang ở phía sau so với đa phần các quốc gia Đông Nam Á và cũng vì vậy mà dư địa tăng trưởng rất tích cực. Nhiều nhà băng Việt đã đầu tư mạnh vào các giải pháp ngân hàng điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng.
% dân số trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng tại một số quốc gia châu Á |
Định giá thấp
AFC Vietnam Fund cho rằng, các nhà băng Việt Nam đang bị định giá thấp so với các ngân hàng trong khu vực, nhất là khi so sánh với mức tăng trưởng tốt, lợi nhuận cao.
Theo Bloomberg, nhóm ngân hàng Việt Nam đang giao dịch với PE (hệ số giữa giá cổ phiếu trên lợi nhuận) chỉ 11x, so với 12x tại Thái Lan, 15x tại Singapore, Malaysia, Philippines và 31x tại Indonesia.
PE của nhóm ngân hàng tại một số quốc gia châu Á và tại chỉ số VN-Index |
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp