08/05/2019 22:50
Tại sao Chủ tịch Eximbank Lê Minh Quốc "ngại" bị bỏ phiếu tín nhiệm?
Lý do thực sự của việc ông Quốc lại từ chối đề xuất của SMBC là gì? Nó có chỉ đơn thuần như cách Chủ tịch Eximbank đã trình bày: “Quý cổ đông không chỉ rõ tiêu chí cần thiết để cổ đông xem xét đánh giá từng thành viên HĐQT tín nhiệm hay không tín nhiệm”?!
Hơn 8h sáng Thứ Sáu ngày 26/4/2019, trong tầng hầm khách sạn Sheraton Saigon (số 80 Đông Du. Q.1), nhóm nhỏ người xúm lại góc thang bộ. Một ông cụ vừa vấp ngã và trượt dài theo nhịp thang. Cái dáng ngã sấp trên đoạn cầu thang vừa dốc vừa dài khiến nhiều người ái ngại, nhưng may phúc ông chỉ bị xây xước nhẹ.
Với nhặt chiếc "clear bag" mỏng, ông lắc đầu ngán ngẩm, nói như trách chính mình: “Đã bảo không đi rồi mà lại đi làm gì cho khổ thế này”. Thư mời dự họp lấp ló sau kẹp tài liệu cho thấy, ông đang đến dự ĐHĐCĐ của một ngân hàng được tổ chức ở khách sạn này: Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; Mã: EIB).
Quang cảnh ĐHĐCĐ Eximbank sáng 26/4/2019. |
Phiên đại hội hôm ấy của Eximbank quy tụ được tổng cộng 198 cổ đông và người đại diện theo ủy quyền đến dự. Ấy là con số được Ban tổ chức thống kê và viết vào trong biên bản. Còn số người thực sự bước vào hội trường có lẽ ít hơn. Họ lọt thỏm giữa một căn phòng họp Grand Ballroom mênh mông mà ban tổ chức đã thuê trên lầu 3.
“Làm ăn chả ra gì mà năm nào cũng làm khách sạn hạng sang. Tiền cứ tiêu thế này thì…”, một nữ cổ đông trung niên thủng thẳng bước vào, nhìn quanh hội trường, bà chậc lưỡi đầy ngao ngán.
Bà, người đàn ông trượt ngã dưới tầng hầm và nhiều cổ đông nhỏ lẻ cất công đến sự kiện này sẽ còn phải ngao ngán hơn nữa. Họ đã phí một buổi sáng.
Phiên đại hội không đủ điều kiện tiến hành. 198 cổ đông và người đại diện theo ủy quyền này chỉ chỉ đại diện cho hơn 708 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 57,62% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Túc số cần thiết phải đạt từ 65% trở lên – Điều lệ quy định vậy.
Cổ đông chiến lược thực sự muốn thay ông Lê Minh Quốc
Phiên đại hội bất thành gây thất vọng và làm mất thời gian của nhiều cổ đông nhỏ lẻ, nhưng với các cổ đông “hiểu chuyện”, chưa hẳn họ đã bất ngờ.
Trước đó ít hôm, khi chủ trì cuộc họp với các cổ đông “quan trọng” của Eximbank vào chiều muộn 23/04/2019, Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc từng được cho là “muốn lôi kéo các cổ đông nhằm trì hoãn ĐHĐCĐ thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 26/4/2019 từ 02 – 03 tháng, mà không nói rõ lý do” – theo Thư đề nghị của một cổ đông EIB vào ngày 25/4/2019.
Đó có thể chỉ là ý kiến chủ quan và một chiều từ một cổ đông không ưa ông Quốc. Thị trường vốn không lạ về mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông ủng hộ và không ủng hộ ông Quốc, suốt cả năm nay.
Nhưng vấn đề là ông Quốc lại đang không được lòng quá nhiều đồng sự và không ít nhóm cổ đông! 7/10 thành viên HĐQT Eximbank đã nhất trí bỏ phiếu miễn nhiệm ông Quốc khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank, cách đây ít tuần.
Cổ đông chiến lược SMBC đã thể hiện rõ sự bất tín nhiệm đối với Chủ tịch Eximbank Lê Minh Quốc. |
Việc 2 thành viên HĐQT người Nhật không tham dự phiên họp HĐQT lần ấy, mà ủy quyền cho một thành viên HĐQT người Việt Nam biểu quyết hộ, ban đầu khiến nhiều người đặt vấn đề về quyết tâm thực sự của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trong việc “loại” ông Lê Minh Quốc.
Nhưng khi ông Quốc níu giữ thành công chiếc ghế cao nhất ở HĐQT Eximbank – nhờ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án – thì dường như SMBC không còn muốn “tế nhị”.
Ngày 23/4/2019, hai thành viên “gốc” SMBC - là ông Yasuhito Saitoh và ông Yutaka Moriwaki - đã trực tiếp ký Thông báo triệu tập cuộc họp HĐQT Eximbank. Chương trình họp nêu tại thông báo này đề rõ cả nội dung: “Bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc”.
Nhóm triệu tập (gồm cả 3 thành viên người Việt) muốn tổ chức cuộc họp HĐQT vào hồi 8h00 sáng ngày 06/5/2019. Nhưng nó khó có thể tiến hành như dự kiến, bởi Điều lệ Eximbank quy định cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ ¾ tổng số thành viên trở lên dự họp. HĐQT Eximbank hiện có 10 cái tên và như đã biết, nhóm ủng hộ ông Quốc có ba người (gồm cả chính ông Quốc).
Song mọi chuyện có thể sẽ được giải quyết trong thời hạn 1 tuần sau đó – với lần triệu tập thứ hai. Khi này cuộc họp được tiến hành “nếu có hơn một nửa số thành viên HĐQT dự họp”. Mà như đã biết, từng có 7/10 thành viên HĐQT Eximbank sẵn sàng bỏ phiếu miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT.
SMBC đề xuất cho ĐHĐCĐ bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên HĐQT nhưng Chủ tịch Eximbank Lê Minh Quốc không đồng ý. |
Có một vấn đề nên được đặt ra, đó là có phải thực sự SMBC muốn thay thế ông Lê Minh Quốc, hay việc triệu tập cuộc họp HĐQT chủ yếu phụ thuộc vào ý chí chủ quan của 2 ông Saitoh và Moriwaki - những “tướng ngoài biên”.
Với đặc thù thế cuộc ở Eximbank, sẽ là không thừa nếu thận trọng đặt ra cả những tình huống “vận động ngầm”.
Dữ liệu VietTimes thu thập được cho thấy, trước ngày ông Saitoh và ông Moriwaki ký Thông báo triệu tập cuộc họp HĐQT Eximbank thì hội sở SMBC cũng đã có văn bản chính thức gửi tới Eximbank. Văn bản đề ngày 22/4/2019 và do đích thân Chủ tịch kiêm CEO SMBC – ông Makoto Takashima – ký.
Tại văn bản, SMBC đề xuất đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ năm 2019 của Eximbank 3 nội dung, tập trung vào vấn đề “thanh lọc” HĐQT. (đọc thêm: Eximbank: Cổ đông ngoại đặt vấn đề “thanh lọc” HĐQT)
Với tư duy bài bản và nhà nghề của một định chế tài chính hàng đầu thế giới, SMBC đề xuất cho ĐHĐCĐ bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm của cổ đông đối với từng thành viên HĐQT (với mức “Tín nhiệm” hoặc “Không tín nhiệm”); Bỏ phiếu miễn nhiệm các thành viên HĐQT không đạt phiếu bầu “Tín nhiệm” chiếm trên 51% số phiếu biểu quyết hợp lệ của cổ đông dự ĐHĐCĐ 2019.
Nhìn nhận một cách khách quan, đó hẳn là một ý tưởng không tồi. Nó quy chuẩn và hao hao như cách mà quốc hội và các đảng phái chính trị nhiều nước vận hành. Thành viên HĐQT suy cho cùng chính đại diện của các cổ đông!
Tuy nhiên, đề xuất trên của SMBC lại không được Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Minh Quốc – người giữ quyền triệu tập và chủ tọa các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, theo quy định tại Điều lệ - đồng ý.
Nếu cổ đông Eximbank được bỏ phiếu tín nhiệm…
“Quý cổ đông không chỉ rõ tiêu chí cần thiết để cổ đông xem xét đánh giá từng thành viên HĐQT tín nhiệm hay không tín nhiệm. Với trách nhiệm của người chủ trì, Tôi không thể đồng ý với quý Cổ đông. Do vậy, việc “Bỏ phiếu miễn nhiệm các thành viên HĐQT không đạt phiếu bầu “Tín nhiệm” chiếm trên 51% số phiếu biểu quyết hợp lệ của cổ đông dự ĐHĐCĐ 2019” sẽ không thể thực hiện” – ông Quốc viết trong văn bản phúc đáp SMBC vào ngày 25/4/2019. Lưu ý, văn bản phúc đáp này dù in logo Eximbank, có chữ ký của ông Quốc nhưng không được đóng dấu của ngân hàng.
Lý do thực sự của việc ông Quốc lại từ chối đề xuất của SMBC là gì? Nó có chỉ đơn thuần như ông Quốc đã trình bày: “Quý cổ đông không chỉ rõ tiêu chí cần thiết để cổ đông xem xét đánh giá từng thành viên HĐQT tín nhiệm hay không tín nhiệm” (?!).
Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cũng nên thử tính toán cơ hội của các thành viên HĐQT Exmbank khi ĐHĐCĐ bỏ phiếu tín nhiệm, trong đó có ông Quốc.
Giả sử ĐHĐCĐ thường niên của Eximbank đạt vừa đủ túc số để tiến hành ở ngay lần tổ chức đầu tiên, là các cổ đông đến dự đại diện cho 65% cổ phần có quyền biểu quyết.
Khi ấy, để đạt số phiếu bầu “Tín nhiệm” chiếm trên 51% số phiếu biểu quyết hợp lệ của cổ đông dự ĐHĐCĐ, thì mỗi thành viên HĐQT Eximbank phải nhận được sự ủng hộ của nhóm cổ đông nắm giữ 26,01% vốn điều lệ ngân hàng.
Eximbank chưa công bố thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần 2 của họ. Nhưng nếu cuộc họp HĐQT mà do 5 thành viên triệu tập vừa rồi có kết quả trước, không loại trừ khả năng sẽ có sự đổi vai trên ghế chủ tọa đại hội. |
Giữ vai trò của thành viên HĐQT độc lập nhưng lâu nay, trong cuộc chiến quyền lực ở Eximbank, ông Quốc vẫn được cho là “người” của nhóm Âu Lạc (cùng với ông Ngô Thanh Tùng). Nhóm này, theo tính toán, nắm giữ khoảng trên dưới 10% vốn điều lệ Eximbank. Như vậy, muốn chắc chân trong HĐQT Eximbank, ông Quốc (và cả ông Tùng) cần phải vận động được các nhóm cổ đông sở hữu khoảng 16% cổ phần EIB khác. Hẳn là một việc không dễ, nếu không muốn nói là rất khó.
SMBC đã thể hiện rõ sự bất tín nhiệm với ông Lê Minh Quốc; Nhóm Nam Á (hoặc nhóm kế thừa nhóm Nam Á – nếu việc chuyển nhượng như đồn đoán đã hoàn tất) dĩ nhiên càng không; Một số “tay chơi” mới được cho là đã bắn tiếng ủng hộ bà Lương Thị Cẩm Tú – đối thủ của ông Quốc; Nhóm VOF và Mirae Asset có thể ủng hộ ông Quốc nhưng tổng cộng họ cũng chỉ có thể nắm giữ khoảng 10%; Còn các cổ đông nhỏ lẻ - thử xem họ có hài lòng với tình trạng Eximbank mấy năm qua (?).
Rõ ràng, nếu phương án lấy phiếu tín nhiệm được chấp thuận, không chỉ chiếc ghế Chủ tịch mà ngay cả chỗ đứng của ông Lê Minh Quốc trong HĐQT cũng lung lay. Và không chỉ riêng ông Quốc…
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp