29/03/2021 17:59
Tại sao chim không có răng?
Theo các nhà khoa học, trong lịch sử đã từng có một số loài chim sở hữu bộ răng của riêng mình. Tuy nhiên, sau một số đột biến gen thì cuối cùng răng đã không còn xuất hiện ở chim.
Mỏ của chim là một thứ rất hấp dẫn các nhà khoa học nghiên cứu. Nó có thể nhọn hoặc cùn, sáng màu hoặc tối màu, nhỏ hoặc to nhưng đều phục vụ mục đích cụ thể của chủ nhân sở hữu. Mỏ có thể là công cụ để chim xé nát thịt, đập vỡ hạt cứng, nhấm nháp mật hoa một cách tinh tế... Nói chung, với chiếc mỏ của mình, chim có thể làm được rất nhiều điều, ngoại trừ việc nhai thức ăn. Lý do đơn giản và vì mỏ của tất cả các loài chim hiện đại đều không có răng.
Có phải từ trước đến nay chim đều không có răng?
Tổ tiên chung của loài chim và khủng long được xác định là Archaeopteryx lithographica, có răng, sống cách chúng ta khoảng 150 triệu năm. Đến khoảng 93 - 65 triệu năm trước tức là cuối kỷ phấn trắng, các hóa thạch của loài chim thời kỳ đầu tiến hóa cho thấy chúng vẫn có răng.
Hóa thạch và hình 3D củaArchaeopteryx lithographica
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì về giai đoạn sau của kỷ phấn trắng, răng càng ít xuất hiện trên ở chim. Phần mỏ ở trước miệng của loài này ngày càng phát triển thì răng ngày càng biến mất.
Các nhà nghiên cứu cho biết răng bắt đầu biến mất ở loài chim từ khoảng 100 triệu năm trước và đến khoảng thời gian 65 triệu năm trước thì các loài chim có răng biến mất hẳn. Tuy nhiên, lý do tại sao và bằng cách nào mà loài động vật này không còn răng thì vẫn là bí ẩn cho đến hiện nay.
Vì sao chim bị rụng răng?
Một nhóm nghiên cứu do các nhà sinh học của Đại học California và Đại học Montclair State phát hiện ra rằng có 48 loài chim sở hữu các đột biến làm bất hoạt các gen liên quan đến men răng và ngà răng. Men răng là mô cứng bao phủ răng trong khi đó ngà răng là chất vôi hóa ở bên dưới.
Cấu trúc của răng
Khám phá này có nghĩa là tại một thời điểm nào đó trong quá trình tiến hóa, tổ tiên chung của loài chim hiện đại đã mất khả năng hình thành răng. Điều này đã tạo nên các loài chim không răng mà chúng ta thấy ngày nay.
Năm 2006, các nhà khoa học ở Đại học Manchester và Đại học Wisconsin đã có thể làm được một điều rất đặc biệt. Đó là việc 'đảo ngược thời gian' khi họ cho gà con mọc răng. Các nhà khoa học đã khắc phục các đột biến ngăn cản sự hình thành răng bằng cách điều chỉnh ghen của gà để răng thực sự mọc được trong miệng của nó. Điều này củng cố giả thuyết rằng việc rụng răng ở chim xảy ra do sự bất hoạt của một số gen nhất định trong quá trình tiến hóa lâu dài.
Một số giả thuyết cho rằng chim rụng răng và đến ngày nay hoàn toàn không có răng là một đột biến để thích nghi khiến chúng có thể nhẹ hơn khi bay. Tuy nhiên, lý thuyết này rất yếu về mặt khoa học bởi hầu hết các loài có vú biết bay (ví dụ như dơi) cũng có răng.
Sự tiến hóa của khủng long
Một giả thuyết về việc mất răng của chim cho rằng việc này liên quan đến thay đổi chế độ ăn uống. Vào cuối đại trung sinh, các loài chim nguyên thủy có răng biến mất để nhường chỗ cho chim có mỏ. Có thể mỏ là thứ tốt hơn để chim ăn thức ăn và dần dần nó chiếm ưu thế. Tuy nhiên, lý thuyết này được cho là khá vô lý nếu xem xét mức độ thích nghi của răng với các thói quen ăn uống khác nhau.
Một giả thuyết khá mới về việc chim mất răng trong thời tiền sử được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Bonn, Đức. Họ cho rằng việc mất răng làm giảm thời gian ấp trứng của chim và việc đó được chim ưa thích trong quá trình tiến hóa.
Vịt nở ra từ quả trứng
Không giống như một số sinh vật đẻ trứng như bò sát hay cá, chim đẻ ít trứng nhưng về mặt khối lượng lại khá to so với cơ thể. Thời gian cần thiết để một quả trứng nở cũng khá ngắn (11 - 85 ngày). Thời gian ấp trứng ngắn này làm tăng đáng kể cơ hội sống sót của chim con. Nó hạn chế khoảng thời gian trứng bị tổn thương vì môi trường, động vật ăn thịt. Tất cả điều này sẽ tạo ra nhiều chim non khỏe mạnh.
Một dẫn chứng để so sánh là trứng khủng long mất từ 3 - 6 tháng để nở. Thời gian quá lâu này được cho là do quá trình hình thành răng ở con non rất chậm và chiếm tới 60% thời gian ấp trứng. Về cơ bản, các phôi bên trong trứng phải đợi cho đến khi răng của chúng hình thành thì mới có thể nở.
Mô hình trứng khủng long
Theo thời gian, loài chim đã tiến hóa, những chiếc răng tốn nhiều thời gian cho việc hình thành trong trứng đã biến mất khiến phôi thai phát triển nhanh hơn. Việc rút ngắn thời gian ấp có nghĩa là khả năng mất trứng và các rủi ro khác sẽ giảm bớt.
Trứng rùa
Lý thuyết kể trên đến hiện nay được cho là có lý. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đồng ý rằng nó lại không giải thích được tình trạng không có răng ở rùa - loài vẫn có thời gian ấp trứng khá dài. Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết vì sao chim bị rụng răng và các nhà khoa học sẽ vẫn còn những phỏng đoán tiếp theo về vấn đề này trong thời gian sắp tới.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp