29/11/2017 03:08
Tại sao bảo mẫu, bà nội, bà ngoại… bỗng nhiên thành 'quỷ dữ'?
Khi đặt câu hỏi tại sao những bảo mẫu hành hạ trẻ em hay bà nội, bà ngoại lại ra tay tàn ác như vậy trên trang cá nhân tôi nhận được rất nhiều câu trả lời...
Cho đến giờ này, chưa ai lý giải được cặn kẽ lý do gì khiến bà giúp việc tên Nhàn ở Phủ Lý Hà Nam thản nhiên đánh đập và tung bé như một kẻ tâm thần như vậy? Cũng chưa hiểu nguyên nhân nào dẫn đến việc cha ruột ở Kiên Giang dí sắt nóng dã man vào con gái mình như thế?
Càng phi lý hơn nữa vì nghe lời thầy bói bà nội ra tay giết cháu nội ở Thanh Hóa hay vụ bà ngoại đâm chết cháu ở Tiền Giang. Xã hội sôi sục, dư luận bức xúc và phẫn nộ dồn cả vào thủ phạm. Nhưng tôi vẫn thấy kẻ ác lớn hơn vẫn đang nhởn nhơ ngoài xã hội.
Từ lâu lắm rồi, những vụ thảm sát rùng rợn mà người ta chưa nghĩ con người có thể làm thế, nhiều hành xử tàn nhẫn vô luân, bất đạo và chẳng còn tính người đã tràn lan trên facebook cùng các phương tiện truyền thông. Ban đầu chỉ một vụ đánh đập trẻ em, kẻ thủ ác gần như không còn chốn nương thân và khỏi ngước mặt nhìn đời. Nhưng giờ đây thì cái ác vốn đã quá vô nhân lại được thổi phồng lên và lặp đi lặp lại.
Tôi tin điều đó không ít thì nhiều sẽ ảnh hưởng đến hành vi của nhiều người. Cộng với bao dồn nén của cuộc sống vất vả, đó như một mồi lửa làm bùng lên, thiêu cháy đi chút nhân tính còn sót lại của họ. Đành rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, bộc phát và không phải là số đông nhưng liệu ai dám chắc không còn bà Nhàn, bảo mẫu Mầm Xanh hay người cha tàn ác, người bà bất nhẫn kia nếu cái ác cứ lan nhanh và rộng theo hướng xấu như hiện nay?
Tôi nhớ câu nói bất hủ của Hoàng đế Napoleon: "Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt". Thời nay câu nói ấy càng đúng khi mà điều ác hiện hữu và lan truyền chóng mặt với mục đích giải trí, câu view, kiếm like… hơn là giúp ngăn chặn chúng . Nhưng không ít vị đã tặc lưỡi chán chường cho qua vì nhiều quá, ngồn ngộn từng ngày rồi bất lực không thèm lên tiếng.
Bên cạnh những hô hào đòi trừng trị kẻ ác là những bài viết mô tả tỉ mỉ hành vi dã man đầy máu, chi tiết không sót cái gì của kẻ sát nhân. Vụ hành hình tử tù hay thảm sát nào đó, tôi tin nếu live stream được, có lẽ họ cũng làm. Khi cái ác tràn ngập, bình thường hóa như bao mảng giải trí khác thì đâu lạ gì nhiều kẻ coi chuyện ra tay với đồng loại chẳng có gì ghê gớm. Ngày qua ngày, tích tụ tập lại và “đúc kết” thành những bảo mẫu như ác quỷ hay bà giúp việc tung cháu bé như đứa tâm thần.
Tôi xin trích những dòng sau của một người bạn để suy gẫm “Tâm tính của cái ác thật dễ dàng lan ra, được truyền tai nhau, rỉ rả trong những cuộc chơi và trò buôn chuyện ngoài xóm, đầu làng. Trong những cuộc bàn tán, thảo luận trên internet, có những nhóm đem hình ảnh kẻ giết người ra, tán dương như một thần tượng bất chấp tất cả để khẳng định mình, thể hiện điều mình muốn nói, tỏ ra mạnh mẽ và không sợ gì hết! Có thời Lê Văn Luyện trở thành "thần tượng" hấp dẫn và thời thượng của nhiều người trẻ trung và lạ lùng.”
Một môi trường trong sạch cực kì khó sản sinh ra những thứ bẩn thỉu và ngược lại. Giờ đây nếu chỉ chăm chăm vào lên án mấy bảo mẫu hay bà giúp việc, bà nội bà ngoại đó thì cũng chỉ giải quyết được cái ngọn của vấn nạn bạo hành trẻ em. Điều quan trọng, cốt lõi và căn cơ nhất là tạo môi trường tốt để cái ác không sản sinh, lan truyền và tiêm nhiễm vào nhiều người.
Chúng ta rất ngại làm rơi một chút rác trên đường phố sạch sẽ thì cứ hình dung xã hội cũng vậy, làm gì có chốn dung thân cho cái ác hoành hành nếu nó không được “ tuyên truyền” thái quá như hiện nay.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp