24/02/2021 19:19
Tài sản của đại gia Minh 'nhựa' sẽ được chia thế nào nếu ly hôn khi vợ đang mất tích
Theo quy định, nếu vợ đại gia Minh “nhựa” đi khỏi nhà 2 năm mà vẫn không có tin tức gì thì người đàn ông này có quyền đề nghị tòa án tuyên bố mất tích và đề nghị ly hôn theo quy định pháp luật.
TAND quận 5 (TP HCM) vừa ra thông báo trên các phương tiện truyền thông tìm kiếm bà N.T.P.T (SN 1982), bị đơn trong vụ ly hôn của ông Phạm Trần Nhật Minh (SN 1983, thường gọi đại gia Minh "nhựa").
Theo đó, TAND quận 5 tiếp nhận hồ sơ vụ án ly hôn do TAND quận 2 (nay là TAND TP Thủ Đức) chuyển qua. Khởi kiện ly hôn, ông Minh cho rằng ông kết hôn với bà T từ năm 2002. Đến nay, đời sống hôn nhân mâu thuẫn trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được nên ông nộp đơn đề nghị giải quyết ly hôn cho các bên.
Qua tìm kiếm, ông Minh không xác định được nơi ở của bà T. Từ đó, ông Minh đã nộp đơn bổ sung vụ việc yêu cầu toà tuyên bố bà T mất tích theo luật để tiến hành ly hôn. Hiện TAND quận 5 đã ra thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú đối với bà T trong thời hạn 4 tháng.
Bức ảnh hiếm hoi của Minh Nhựa và vợ cả cách đây gần 10 năm (ảnh TL).
Bình luận về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, nếu vợ đại gia Minh "nhựa" đi khỏi nhà 02 năm mà vẫn không có tin tức gì thì người đàn ông này có quyền đề nghị tòa án tuyên bố mất tích và đề nghị ly hôn theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Điều 68 (Bộ luật Dân sự 2015) quy định: Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Điều luật này cũng quy định, thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, quý trọng, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ để xây dựng gia đình hạnh phúc. Việc vợ chồng cách xa nhau không quan tâm chăm sóc lẫn nhau, kinh tế riêng biệt, ốm đau bỏ mặc thì tình trạng hôn nhân như vậy là trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được.
Trong trường hợp hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài hoặc không còn sống chung, mục đích hôn nhân không đạt được thì một bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết đơn phương ly hôn mà không cần sự đồng ý của bên kia.
"Trong trường hợp này, nếu người vợ của đại gia Minh "nhựa" đã rời khỏi nhà hai năm mà không biết đi đâu thì người đàn ông này có thể gửi đơn đến tòa án cấp quận huyện nơi người vợ cư trú cuối cùng để đề nghị tuyên bố mất tích theo quy định tại Điều 68 (Bộ luật Dân sự 2015). Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị tuyên bố mất tích thì tòa án sẽ thụ lý và tiến hành thông báo tìm kiếm trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn bốn tháng.
Nếu kết thúc thời hạn thông báo mà không có tin tức gì thì tòa án sẽ mở phiên họp và ra quyết định tuyên bố người phụ nữ đó đã mất tích. Sau khi có quyết định tuyên bố mất tích thì đại gia Minh "nhựa" có thể đề nghị tòa án giải quyết cho ly hôn với người đã mất tích. Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết cho ly hôn", luật sư Cường phân tích.
Luật sư Cường cho rằng, trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý.
Cũng theo luật sư Cường, trường hợp tòa án chấp nhận quyết định tuyên bố mất tích thì tài sản chung của vợ chồng trong đó có phần của người vợ sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 69 (Bộ luật Dân sự 2015) về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích.
Cụ thể: "Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.
Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản".
Nếu sau khi bị tuyên bố mất tích mà người vợ trở về thì quyết định tuyên bố mất tích bị hủy bỏ, thủ tục sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 70 (Bộ luật Dân sự 2015).
Ngoài ra, trong quá trình thông báo tìm kiếm người vắng mặt khỏi nơi cư trú mà có thông tin về việc người phụ nữ đó đang ăn ở sinh sống ở đâu thì tòa án sẽ không chấp nhận tuyên bố mất tích và thông báo cho người đàn ông này biết về thông tin địa chỉ của người vợ. Trong tình huống này nếu người chồng vẫn muốn ly hôn thì phải gửi đơn đề nghị ly hôn đến tòa án nơi người phụ nữ đó đang ăn ở, sinh sống, làm việc để được giải quyết theo quy định pháp luật.
"Trong trường hợp người vợ xuất hiện và không đồng ý ly hôn thì tòa án chỉ đồng ý cho đại gia này ly hôn nếu như kết quả giải quyết vụ án cho thấy tình trạng hôn nhân đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được theo quy định tại Điều 56 (Luật Hôn nhân và Gia đình 2014), luật sư Cường chia sẻ.
Advertisement
Advertisement