21/09/2021 12:21
Sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của ESG
Đầu tư có trách nhiệm được hiểu là việc kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào chiến lược đầu tư và quá trình ra quyết định.
Các yếu tố ESG bao trùm lên rất nhiều khía cạnh mà tài chính truyền thống chưa phân tích. Đó có thể là cách doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, kỹ năng quản lý vấn đề nguồn nước, hay chính sách sức khỏe và an toàn để bảo vệ người lao động…
Hình thành nền tảng
Kể từ khi ESG lần đầu được nhắc tới vào năm 2005 tại nghiên cứu mang tên “Những người quan tâm sẽ giành chiến thắng” (Who Cares Wins), đến nay, hoạt động đầu tư ESG ước tính đã vượt qua con số 20 nghìn tỷ USD, tương đương ¼ toàn bộ giá trị tài sản được quản lý chuyên nghiệp trên thế giới.
Năm 2018, có hàng nghìn chuyên gia trên toàn cầu đang giữ chức danh “chiến lược gia ESG” và hoạt động đầu tư ESG trở thành chủ đề xuất hiện hàng ngày trên mọi mặt báo, cũng như các trang tin tức điện tử.
Quỹ ESG và các tài sản dưới sự quản lý của quỹ hướng tới ESG.
Thực tế, nhận thức của nhà đầu tư về ESG cũng được cải thiện rõ rệt, khi họ nhận ra rằng, thông tin ESG là rất quan trọng để có thể hiểu được về quản trị, chiến lược và chất lượng quản lý của doanh nghiệp.
Câu chuyện về đầu tư ESG bắt đầu vào tháng 1/2004, khi cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan chuyển thông điệp tới hơn 50 CEO của các tổ chức tài chính lớn, mời họ tham gia vào một sáng kiến với mục tiêu tìm cách kết hợp các yếu tố ESG vào thị trường vốn.
1 năm sau đó, báo cáo với tiêu đề “Who Cares Wins” của tác giả Ivo Knoepfel ra đời đã khẳng định, việc thêm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị vào thị trường vốn sẽ giúp hoạt động kinh doanh trở nên tốt hơn, đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững và an sinh xã hội.
Cùng với đó, báo cáo mang tên “Freshfield Report” được UNEP/Fi công bố chỉ rõ, các yếu tố ESG có liên quan mật thiết tới các giá trị tài chính, nhưng lại bị các thành viên thị trường tài chính bỏ qua. Cả 2 báo cáo này trở thành nền tảng để ra mắt Các nguyên tắc Đầu tư có trách nhiệm (PRI) tại Sàn giao dịch chứng khoán New York năm 2006 và Sáng kiến Sàn giao dịch chứng khoán bền vững (SSEI) năm sau đó.
Ngày nay, PRI, tổ chức hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã trở thành sáng kiến trên toàn cầu, với hơn 1.600 thành viên, hiện quản lý hơn 70 nghìn tỷ USD tài sản.
Vai trò của PRI là cải thiện sự hiện diện của ESG trong hoạt động đầu tư, giúp các yếu tố này gắn kết hơn với lãnh đạo các doanh nghiệp, giới đầu tư trên toàn cầu.
Trong khi đó, SSEI, với sự hỗ trợ của UNCTAD, đã tăng trưởng lớn mạnh trong nhiều năm qua, có sự góp mặt của rất nhiều sàn giao dịch chứng khoán. SSEI đóng vai trò đưa ra yêu cầu công bố thông tin ESG đối với doanh nghiệp niêm yết và cung cấp hướng dẫn cách thực hiện báo cáo ESG.
Con đường không bằng phẳng
Dù có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua, nhưng sự trỗi dậy của hoạt động đầu tư ESG không phải con đường bằng phẳng.
Ban đầu, các nhà đầu tư tổ chức từ chối đưa ý tưởng về ESG vào hoạt động đầu tư, cho rằng những người ủy thác đầu tư không giao phó cho họ trách nhiệm này và hoạt động của họ bị giới hạn bởi những giá trị tài chính khác. Thực tế, những tranh cãi này cho đến nay vẫn đang diễn ra.
Tuy nhiên, rất nhiều những chứng cứ cho thấy, vấn đề ESG bao hàm cả vấn đề tài chính và do đó, tại những thị trường hàng đầu bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), ESG đã được nâng cấp và trở thành một trong những nhiệm vụ mà người ủy thác tài sản giao cho tổ chức quản lý tài sản.
Một rào cản khác đối với thúc đẩy hoạt động đầu tư ESG là việc thiếu các dữ liệu và công cụ cần thiết để doanh nghiệp tiến hành đo đếm hiệu quả và hoàn thiện mục tiêu.
Tuy nhiên, kể từ năm 2000, khi Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI) ra đời cho tới nay, hoạt động công bố thông tin ESG đã ngày càng được nâng cao và cải thiện.
Hiện tại, 80% các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới sử dụng tiêu chuẩn của GRI. Gần đây, Sáng kiến báo cáo tổng hợp toàn cầu (IIRC) và Hội đồng Tiêu chuẩn kế toán bền vững (SASB) tại Mỹ đã giúp cải thiện hơn nữa việc tiến hành báo cáo về các yếu tố đặc thù này.
Nhìn chung, thị trường thông tin ESG đã trở nên chất lượng và hoàn thiện hơn, dù vẫn còn cần phải cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.
Chỉ số % trung bình nữ giới thuộc hội đồng quản trị doanh nghiệp tại các chỉ số chứng khoán chính.
Thực tế, việc áp dụng các công nghệ mới bao gồm máy học (learning machine) và dữ liệu lớn (big data) có thể mở ra khả năng nâng cấp hơn nữa hệ thống thông tin ESG và tạo ra cách thức dễ dàng hơn để áp dụng các dữ liệu ESG vào hoạt động tài chính thông thường.
Sự tăng trưởng của hoạt động đầu tư ESG ngày càng được củng cố va gia tăng nhanh chóng quanh thời điểm 2013 - 2014, khi nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng quản trị bền vững tố có liên quan tới kết quả hoạt động tốt được công bố.
Cụ thể, các nhà kinh tế như George Serafeim, Bob Eccles và Ioannis Ioannou đã chỉ ra tầm quan trọng của ESG đối với việc quản trị rủi ro, cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng tầm chiến lược của doanh nghiệp. Theo đó, cổ phiếu của các công ty có chiến lược phát triển bền vững có màn biểu diễn vượt trội hơn so với các doanh nghiệp ít quan tâm hơn tới yếu tố này.
Có thể nói, ý tưởng rằng nhà đầu tư kết hợp yếu tố ESG vào hoạt động đầu tư có được lợi nhuận tốt hơn đã trở thành động lực thúc đẩy giới đầu tư quan tâm tới vấn đề này và trở thành xu hướng lan rộng tại các nền kinh tế trên toàn cầu. Tại châu Âu, các quỹ lương hưu và doanh nghiệp bảo hiểm đã bắt đầu trao thưởng cho các ý tưởng kinh doanh mới có liên quan tới ESG.
Những kết quả ấn tượng
Giá trị tài sản ESG và các quỹ chú trọng hoạt động này đã không ngừng gia tăng kể từ năm 2015 cho tới nay, khẳng định nhu cầu đang gia tăng đối với chiến lược đầu tư này. Năm 2017, tốc độ gia tăng giá trị tài sản ESG đạt 37%, vượt qua mức tăng 23% của chỉ số MSCI Toàn cầu. Tương tự, số lượng các quỹ ESG thành lập năm 2017 cũng tăng gấp đôi năm 2014, với động lực chủ yếu từ sự leo dốc của số lượng các quỹ ETF.
ESG và màn biểu diễn của cổ phiếu.
Đáng chú ý, hoạt động đầu tư ESG tại châu Á có sự cải thiện đáng kể, trong đó dẫn đầu là Nhật Bản. Quỹ đầu tư lương hưu chính phủ Nhật Bản (GPIF), hiện quản lý số vốn khổng lồ 1,5 nghìn tỷ USD đang trở thành chìa khóa quan trọng thúc đẩy hoạt động đầu tư ESG trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh phải chiến đấu chống lại tình trạng ô nhiễm nặng nề tại các đô thị, Trung Quốc đã có những bước tiến mới trong việc ban hành quy định về công bố thông tin liên quan tới môi trường.
Động thái này được nhận định sẽ tạo thêm sức mạnh cảnh báo giới đầu tư cần tập trung nhiều hơn vào các rủi ro liên quan tới yếu tố ESG trên khắp châu Á. Hiện tại, hầu hết các công ty Trung Quốc đều cần công bố nhiều thông tin hơn về tác động của hoạt động sản xuất kinh doanh tới môi trường và các rủi ro tài chính liên quan.
Bên cạnh đó, một nét mới của hoạt động đầu tư ESG là sự ra đời và xu thế phát triển nhanh chóng của các quỹ đầu tư tập trung vào giới tính. Theo đó, các tổ chức quản lý tài sản lớn trên thế giới đang ra mắt các quỹ đầu tư có ưu tiên về giới tính đối với lãnh đạo doanh nghiệp và ủng hộ đa dạng giới. Đây là một ý tưởng mới được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt và mang lại lợi ích tích cực.
Năm 2017, có 6 quỹ tập trung vào giới được thành lập, với giá trị tài sản tăng 50% lên mức gần 720 triệu USD và động lực tăng trưởng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục lớn mạnh. Hiện tại, State Street’s Gender Diversity ETF, với 316 triệu USD tài sản là quỹ đầu tư tập trung vào giới tính lớn nhất thế giới.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp