15/02/2021 10:32
Sự thật xấu xí về Bitcoin
Những cỗ máy đào Bitcoin tiêu tốn rất nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng xấu với môi trường.
Hoạt động khai khoáng có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các công đoạn để khai thác tài nguyên, từ xúc một lượng lớn đất, di chuyển sỏi, đá ra khỏi nơi vốn có để lọc lấy khoáng chất hoặc kim loại đều có tác động tới hệ sinh thái, cùng với rủi ro làm ô nhiễm nguồn nước ngầm hay không khí.
Thời công nghệ dẫn tới một hình thức "đào" khác cũng gây hại cho môi trường không kém: khai thác Bitcoin. Thực tế "máy đào" là những chiếc máy tính được thiết kế đặc biệt để giải mã các giao dịch Bitcoin, ghi chúng vào sổ cái để hình thành chuỗi khối.
Tác động môi trường của Bitcoin
Tuy không trực tiếp tác động đến môi trường như các hình thức đào tài nguyên, việc tính toán Bitcoin cũng có thể để lại tác động môi trường bởi các cỗ máy đều ngốn rất nhiều năng lượng.
Theo Bitcoin Energy Consumption Index, việc xử lý một giao dịch Bitcoin cần lượng điện tương đương với một hộ gia đình trung bình tại Mỹ sử dụng trong 3 tuần. Con số này cũng tương đương với khoảng hơn 50.000 giờ xem YouTube.
Máy đào Bitcoin là những thiết bị chuyên dụng, ngốn rất nhiều điện để vận hành và tản nhiệt. Ảnh: MT. |
Trang web trên cũng thống kê và chỉ ra rằng mỗi năm các giao dịch Bitcoin sản sinh khoảng 37 triệu khối carbon, tức là tương đương với tổng lượng khí thải của cả nước New Zealand. Nếu tính tất cả loại tiền mã hóa thì con số này tương đương với lượng khí thải của Chile. Số liệu của Đại học Cambridge còn cao hơn thế.
Các giao dịch Bitcoin tốn rất nhiều tài nguyên, bởi nguyên lý của loại tiền mã hóa này là mỗi giao dịch được toàn bộ các node trong chuỗi khối xử lý. Trong quá trình này, các máy tính phải thực hiện những phép toán rất phức tạp nhằm giải mã và xác nhận giao dịch thành công.
Những người vận hành máy đào sẽ chờ đợi vào khoản Bitcoin được thưởng cho mỗi khối để bù lại chi phí trang bị máy đào và tiền điện. Sau khi hoàn thành tính toán, các giao dịch sẽ được lưu thành khối trong chuỗi khối.
Với mỗi khối hoàn thành, người tính toán giá trị đúng đầu tiên sẽ được thưởng một lượng Bitcoin nhất định. Do vậy, máy càng mạnh thì càng có khả năng đạt được phần thưởng cao hơn. Việc này khiến cho những người vận hành máy đào ngày càng muốn trang bị máy mạnh hơn.
Bên trong một "trang trại" đào Bitcoin. Ảnh: Xuân Tiến. |
Tuy nhiên, cứ khoảng 4 năm thì lượng Bitcoin này lại giảm một nửa. Ban đầu, cứ mỗi khối hoàn thành thì phần thưởng là 50 Bitcoin. Đến tháng 5/2020, lần halving thứ ba, chỉ còn 6,25 Bitcoin dành tặng cho mỗi khối. Như vậy, tốc độ tạo ra Bitcoin mới sẽ ngày càng chậm.
"Mọi máy đào trong mạng lưới đều cạnh tranh với nhau để trở thành cỗ máy đầu tiên tính được giá trị đúng, và lấy về phần thường", Alex de Vries, nhà khoa học dữ liệu tại De Nederlandsche Bank chia sẻ.
Với hàng triệu máy đào Bitcoin đang vận hành, có khoảng 150 nghìn tỷ phép tính được thực hiện mỗi giây. Năng lượng để duy trì cho chúng là con số khổng lồ.
Tìm đủ cách để bớt tiền điện
"Tôi không nghĩ những người đào Bitcoin quá quan tâm đến những tác động môi trường của việc họ đang làm", ông de Vries nhận định.
Tuy nhiên, những người khai thác Bitcoin đều hiểu rõ những cỗ máy này tốn điện như thế nào. Không chỉ là điện năng tiêu thụ, việc tản nhiệt cho những dàn máy cũng tốn rất nhiều năng lượng. Đó là lý do họ tìm tới những nơi có giá điện rẻ nhất để tiết kiệm chi phí.
Thành phố Plattsburgh ở bang New York, Mỹ là nơi có giá điện rẻ nhất thế giới vì ở gần đập thủy điện, cùng các chính sách trợ giá. Đó là lý do nhiều người đặt dàn máy đào ở thành phố chỉ có 20.000 dân này. Chỉ sau một thời gian, cư dân Plattsburgh đã phàn nàn vì lượng điện tiêu thụ vượt quá điện được cung cấp, khiến giá điện bắt đầu tăng.
Nhiều công ty vận hành máy đào Bitcoin tìm tới những vùng cực lạnh như Siberia (Nga) để giảm chi phí tản nhiệt. Ảnh: Bloomberg. |
Theo khảo sát của đại học Cambridge, chỉ có khoảng 39% lượng điện cho các cỗ máy đào là từ nguồn năng lượng tái tạo. Như vậy, phần lớn năng lượng sử dụng cho các cỗ máy ngốn điện này đều từ nguồn nhiệt điện.
Năm 2019, Trung Quốc từng công bố dự thảo cấm đào Bitcoin, cho rằng hành động này sẽ làm lãng phí tài nguyên. Đây là một trong những quốc gia cung cấp máy đào Bitcoin lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc còn cấm những đợt mở bán tiền mã hóa trong cùng năm.
Tuy nhiên, cấm hoàn toàn Bitcoin cũng khó giải quyết vấn đề. Do bản chất phân tán của đồng tiền mã hóa này, những thợ đào hoàn toàn có thể chuyển sang các quốc gia hoặc vùng có quy định lỏng lẻo hơn. Cho tới khi thế giới nghĩ ra cách để kiểm soát việc đào Bitcoin vô tội vạ, thì đây vẫn sẽ là một ngành tác động xấu đến môi trường.
Advertisement
Advertisement