19/05/2021 11:03
Sự thật thừa điện vẫn không thể giảm giá
Chuyện thừa điện vài tháng nay được nói đến nhiều. Đó là thực tế. Nhưng nói đầy đủ phải là thừa điện ở một số thời điểm trong ngày và thừa điện mặt trời với mức giá cao. Cho nên việc giảm giá điện là điều không dễ.
Thừa điện giá cao ở một số thời điểm
Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy: Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến nhu cầu sử dụng điện giảm. Sản lượng điện thực tế năm 2020 là 247 tỷ kWh, tăng trưởng phụ tải ở mức 3%.
Đó là con số rất thấp. Các năm trước đây, khi không xảy ra dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng phụ tải thông thường ở mức 9-10%.
Trong khi đó, năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ của điện tái tạo. Cả năm 2020, sản lượng điện năng lượng tái tạo khai thác được là 12 tỷ kWh, cho dù kế hoạch ban đầu chỉ là trên 10 tỷ kWh.
Ảnh: Lương Bằng. |
Sang năm 2021, Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng điện. Việc cung ứng điện từ nay đến hết năm 2021 phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và chính sách của Chính phủ. Song, nguồn năng lượng tái tạo vẫn được huy động ở mức cao. Cụ thể, theo ước tính của A0, năm 2021 có thể khai thác 32 tỷ kWh điện tái tạo, gấp nhiều lần năm 2020.
Với tình hình dịch bệnh đang diễn ra nghiêm trọng ở một số tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay, du lịch vẫn “đóng băng”, nhu cầu sử dụng điện khó có thể hồi phục nhanh. Hồi tháng 3, EVN từng dự báo nguy cơ thừa nguồn toàn hệ thống có thể trở nên trầm trọng hơn.
Vấn đề tiết giảm phát năng lượng tái tạo cũng như các nguồn các nguồn khác là tình trạng khách quan không mong muốn. Nguyên nhân chính là nhu cầu sử dụng điện tăng thấp do chưa đồng bộ đầu tư các công trình lưới, kinh tế chững lại và ảnh hưởng sâu rộng bởi dịch bệnh.
Nói về việc giảm phát các dự án năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho rằng do Covid-19 nên nhu cầu dùng điện cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ giảm, dẫn tới xảy ra việc thừa điện ở một số thời điểm và đây chỉ là nhất thời. “Cho nên phải thông cảm EVN hơn là trách móc họ”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ông cũng không quên lưu ý, khi nhu cầu dùng điện tăng trở lại thì việc quá tải đường dây cũng có thể xảy ra, dẫn đến việc cắt giảm công suất.
Điện mặt trời, điện gió tăng nhanh trong thời gian ngắn. |
Hiện nay, mức giảm công suất phát vẫn trong khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu tiếp tục giảm trong thời gian dài doanh thu sẽ không đảm bảo được dòng tiền trả lãi ngân hàng hoặc các doanh nghiệp phải cơ cấu lại thời gian trả nợ, thay vì trả 7 năm thì kéo dài lên 11 năm.
Mua giá cao, khó giảm giá
Trước vấn đề “thừa điện”, một số ý kiến cho rằng tại sao cung tăng cầu giảm lại không thể giảm giá điện? Như trên đã nói, việc thừa điện “chỉ xảy ra ở một số thời điểm”, nhất là buổi trưa, các ngày cuối tuần, nghỉ lễ tết. Đó là thời điểm lượng điện mặt trời phát hết công suất, trong khi nhu cầu dùng điện xuống thấp.
Để có thể tải được lượng điện mặt trời sản xuất ra, EVN phải giảm huy động các nguồn điện truyền thống như điện than, khí, thủy điện; đặc biệt lượng điện than giảm đáng kể. Ngay cả các thủy điện nhỏ cũng phải nhường giờ phát cao điểm để đảm bảo cho việc tiêu thụ điện mặt trời của các nhà máy.
Song, việc phát hết điện mặt trời là điều không tưởng bởi có thể gây rủi ro cho hệ thống điện. Ngoài ra, việc vận hành hệ thống điện vẫn phải đảm bảo yếu tố thị trường điện, bao tiêu cho các nhà máy điện BOT, các hợp đồng ký Nam Côn Sơn, Tây Nam bộ,... Ngoài ra, thủy điện lớn phải đảm bảo cấp nước hạ du, tưới tiêu.
Cũng vì ưu tiên phát năng lượng tái tạo, cho nên các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo và phạm vi mực nước giới hạn, ảnh hưởng an ninh cấp điện cuối mùa khô. Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện phải tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy (sự cố Phú Mỹ 2.2, Bà Rịa,... ).
Thống kê của A0 cho thấy, năm 2019 có 4.500MW điện mặt trời vào vận hành thì số lần khởi động tổ máy nhiệt điện do thừa nguồn năng lượng tái tạo là 74 lần; năm 2020 tăng lên 192 lần; còn 4 tháng đầu năm 2021 là 334 lần. Điều này khiến nhiều nhà máy điện BOT “kêu rất nhiều”.
Đáng lưu ý, điện mặt trời lại có giá cao hơn nhiều thủy điện, nhiệt điện (điện mặt trời có giá từ 1.644-2.100 đồng/kWh chưa kể phí truyền tải), trong khi giá thủy điện, nhiệt điện trung bình thấp hơn nhiều.
Sản lượng điện năng lượng tái tạo dự kiếm chiếm 12,2% sản lượng điện toàn hệ thống. |
Tại cuộc họp mới đây tại EVN, có đại biểu đặt ra câu hỏi: Sản lượng điện mặt trời và điện gió tăng cao như vậy ảnh hưởng thế nào đến tài chính của EVN?
Có thể lý giải được rằng, việc mua điện mặt trời, điện gió cao hơn giá bán lẻ điện bình quân tất yếu ảnh hưởng đến tài chính của EVN, làm lợi nhuận giảm đi. Lợi nhuận giảm đi khiến cơ hội giảm giá càng khó khăn bởi việc duy trì được giá điện như hiện nay đã là một thách thức.
Đặc biệt là khi năm 2020, EVN đã dành ra khoảng 12.300 tỷ đồng trong hai đợt giảm giá điện với tổng thời gian giảm lên tới 6 tháng (đợt 1 hơn 9.300 tỷ đồng giảm trực tiếp cho khách hàng trong kỳ hóa đơn từ tháng 4 đến tháng 6; đợt 2 số tiền giảm lên trên 3.000 tỷ đồng).
Trong trung hạn, Việt Nam vẫn có nhu cầu lớn về điện, nguy cơ thiếu điện vẫn có thể xảy ra nếu không đầu tư thêm nguồn điện.
Theo EVN, trong giai đoạn 2021-2025, phụ tải tăng trưởng khoảng 8,9%/năm, tương đương nhu cầu cung cấp điện tăng khoảng 23,6-30,5 tỷ kWh/năm.
Sản lượng các nguồn mới bổ sung chỉ đạt 6,1-16,7 tỷ kWh/năm, thấp hơn rất nhiều sovới nhu cầu. Nguyên nhân do nhiều nguồn nhiệt điện có rủi ro trễ tiến độ và tiến độ năng lượng tái tạo sau khi kết thúc cơ chế FIT 2 vào tháng 10/2021. Sản lượng năng lượng tái tạo đóng góp hàng năm lên tới 32-50 tỷ kWh/năm, chiếm tỷ trọng về sản lượng từ 12-14% nhu cầu toàn hệ thống điện.
Theo tính toán, năm 2022-2023, EVN phải huy động các nguồn dầu trong giai đoạn 2021-2023 để đáp ứng về mặt công suất hệ thống điện vào cao điểm chiều khi các nguồn điện mặt trời đã giảm công suất, nguồn điện khác chưa kịp tăng để đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Chủ đề liên quan
Advertisement