28/06/2020 10:14
Sự kiện Kinh tế - Xã hội nổi bật tuần qua: Hóa đơn tiền điện tăng đột biến
Giá điện tăng đột biến, dịch bạch hầu quay lại, cháy rừng ở Nghệ An... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua.
Hóa đơn tiền điện tăng đột biến
Ngày 26/6, một người dân Hà Tĩnh choáng váng khi nhìn con số 13.5 triệu đồng trên hóa đơn tiền điện tháng 6, trong khi chỉ trả 71.000 VND tiền điện vào tháng 5.
Đơn vị cung cấp cho biết: Sau khi kiểm tra, nguyên nhân khiến tiền điện tăng bất thường là do rò rỉ đường điện, gây thất thoát điện của gia đình. Hiện tại chưa thể thu được tiền điện khách hàng này do hộ gia đình không phối hợp để giải quyết.
Tiền điện tăng cao khiến nhiều người dân than phiền. Ảnh minh họa |
Trước đó, trên cả nước xảy ra nhiều vụ hóa đơn tiền điện tăng đột biến dù mức độ tiêu thụ điện của các hộ gia đình không đổi, mặc dù tiền điện trong tháng đã có sự hỗ trợ giảm giá theo chỉ đạo của Bộ Công Thương do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thậm chí, có trường hợp người dân đi vắng nửa tháng, hoặc tạm ngưng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng hóa đơn điện vẫn tăng chóng mặt.
Phản hồi về vấn đề này, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đều cho rằng, tiền điện của các hộ dân thời gian qua tăng cao chủ yếu do thời tiết nắng nóng, phụ tải tăng cao… Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc ghi số điện của mỗi hộ dân mà EVN đang thực hiện còn nhiều điểm bất hợp lý, mập mờ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm rõ sự việc. Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cho biết đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng xác minh những trường hợp có tiền điện tăng cao, để trả lời, giải thích cho người dân một cách công khai.
Dịch bạch hầu quay trở lại
Trong tuần qua, dịch bạch hầu đã quay trở lại ở một số địa phương khiến người dân lo lắng.
Ngày 20/6, một bé gái 9 tuổi ở Đắk Nông tuổi đã tử vong, hơn 1000 người dân bắt buộc cách ly và điều trị dự phòng. Tại TP.HCM, ngày 17/6 Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận ca bệnh là một thanh niên 20 tuổi, kết quả xét nghiệm kết luận mắc bệnh bạch hầu. Ngay sau đó, 16 người phải cách ly nhằm ngăn ngừa sự phát tán dịch bệnh ra ngoài.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông đang thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Ảnh: VnExpress |
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu ở một số khu vực tại Tây Nguyên chỉ 48-52%, là nguyên nhân dịch xuất hiện. Đánh giá này của Cục Y tế Dự phòng sáng 26/6 trùng với nhận định của nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và dịch tễ, theo VnExpress.
Hiện nay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Châu Âu thúc giục Việt Nam mở lại đường bay vì đã 'sạch bóng' COVID-19
Trước thềm EVFTA có hiệu lực, châu Âu đang thúc giục Việt Nam nối lại các chuyến bay quốc tế, vì Việt Nam gần như “sạch bóng” COVID-19 và là điểm đến đầu tư mạnh mẽ cho những nhà đầu tư đang tìm kiếm chuỗi cung ứng đa dạng, theo Asian Nikkei Review.
Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, kêu gọi Hà Nội ủy quyền và cấp thị thực cho phép người nước ngoài vào nước này. Việt Nam hiện cho phép người nước ngoài rời khỏi Việt Nam và cho phép máy bay thương mại đáp chuyến để đón hành khách trở về châu Âu. Nhưng các chuyến bay tiêu chuẩn từ châu Âu đến Việt Nam dự kiến sẽ không được nối lại cho đến năm 2021.
Trang Asian Nikkei Review cho rằng, Việt Nam cũng nhận được sự kêu gọi “bắt tay” từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Australia về việc nối lại các chuyến bay, điều này sẽ mở đường cho việc mở rộng dần thương mại và du lịch.
Việt Nam trở thành điểm đến rất hứa hẹn sau giai đoạn cao điểm đại dịch COVID-19. Ảnh: AP |
Những nước này đều là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Chính phủ và các hãng hàng không Việt Nam đang tiến gần đến việc nối lại đường bay với Seoul, Quảng Châu, Đài Loan, Lào và Tokyo sau một loạt các cuộc đàm phán song phương. Các chuyến bay giữa Việt Nam và Singapore cũng dự kiến sẽ sớm hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thận trọng về việc mở lại đầy đủ các sân bay đến các thành phố nước ngoài. Việt Nam vẫn chuẩn bị sẵn sàng đối phó với một đợt dịch thứ hai có thể xảy ra.
27 phi công Pakistan làm việc ở Việt Nam bị dừng bay
Chiều 27/6, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không VN cho biết cơ quan này tiến hành động thái trên cách đây 2 ngày. Đây đều là phi công được cấp bằng lái tại Pakistan.
Để đánh giá bằng cấp của những phi công quốc tịch Pakistan, Cục Hàng không yêu cầu họ báo cáo về quá trình nhận bằng lái. Cục Hàng không VN cũng sẽ làm việc với nhà chức trách Pakistan để xác định các phi công có sử dụng bằng lái giả mạo hay không; trường hợp bằng lái hợp pháp sẽ được bay trở lại.
Ngoài ra, Cục Hàng không cũng rà soát số lượng phi công nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và kiểm tra việc chuyển đổi bằng lái.
Đánh giá ban đầu cho thấy không có phi công người nước ngoài nào (không phải quốc tịch Pakistan) lấy chứng chỉ ở Pakistan.
Cháy rừng diện rộng ở Nghệ An
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: VnExpress |
Vụ cháy xảy ra vào khoảng 16h ngày 26/6 tại khu rừng thuộc địa phận xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Phát hiện đám cháy, cơ quan chức năng huyện Yên Thành phối hợp với người dân địa phương đã cùng nhau dập lửa, theo Zing.
Đám cháy xuất phát từ khu rừng ở huyện Yên Thành rồi rộng sang huyện Diễn Châu, Nghi Lộc. Người dân cùng lực lượng chức năng đang dập lửa.
Thời tiết nắng nóng kèm gió Lào nên ngọn lửa đã nhanh chóng lan rộng sang khu vực rừng của xã Diễn Lợi (huyện Diễn Châu) và xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc).
Trắng đêm dập lửa, đến 5h ngày 27/6, lực lượng chức năng và người dân đã khống chế được đám cháy. Tuy nhiên, do còn tro than, sau đó đám cháy bùng phát trở lại và lan ra khu vực rừng rộng lớn.
Không thể đưa nước lên hiện trường, lực lượng chức năng dùng máy thổi lớp thực bì và phát đường băng cản lửa. Đám cháy sau đó vẫn tiếp tục bùng cháy và lan rộng. Nguyên nhân vụ cháy rừng đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp