Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sự im lặng trước ấu dâm sẽ là hành vi đồng lõa

Dân sinh

20/03/2017 06:52

Con gái của tôi đang độ tuổi đến trường. Hàng ngày, đọc báo, faceook với những đầy rẫy thông tin xâm hại tình dục trẻ em, khiến tôi không khỏi lo sợ…

Con số rùng mình

Tám năm trước, tôi gặp một người mẹ ở làm cán bộ công chức Nhà nước ở Trà Vinh kêu cứu vì đứa con của chị bị xâm hại tình dục tại trường mẫu giáo.

Khi đó những lá đơn chị tố cáo, kêu cứu khẩn thiết kèm theo những bằng chứng… đã rơi vào một sự im lặng. Những bài báo cũng không giải tỏa được nỗi đau đớn, dằn vặt của gia đình chị, khi nghi phạm vẫn ngoài vòng pháp luật.

Tấn công tình dục trẻ em là “phá hoại” cuộc đời đứa trẻ. Ảnh: minh họa

Trong suốt thời gian dài, cứ hàng đêm, đứa con gái bé bỏng của chị khóc thét trong giấc ngủ, chị lại giật mình… ngồi khóc. Giọt nước mắttrong từng lời kể của chị, vẫn ám ảnh tôi mãi cho đến tận bây giờ…. Và tôi vẫn tự dằn vặt mình về sự bất lực.

Mới đây, sự ám ảnh đó lại hiển hiện. Lần này là ở những giọt nước mắt chực trào trên gương mặt của người mẹ có con nghi bị xâm hại tại trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức. Không từ ngữ nào diễn ra nỗi đau của một người mẹ rơi vào tình cảnh như thế!

Theo một báo cáo chính thức của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an mới đây được công bố, bình quân mỗi năm có 1.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục tại Việt Nam. Như vậy, cứ tám giờ trôi qua có một trẻ em trên đất nước này là nạn nhân của ấu dâm. Nhưng có thể, con số thực tế, các vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở các vùng nông thôn hẻo lánh còn đáng khủng khiếp, rùng mình hơn nữa.

Chưa bao giờ, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em lại diễn ra đáng nhức nhối như hiện nay. Hàng loạt vụ tấn công tình dục nhắm vào những đứa trẻ ở Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu…. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đặc biệt quan tâm, có những chỉ đạo kịp thời, đề nghị khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm; hàng loạt các cơ quan liên quan cũng lên tiếng, chính thức vào cuộc.

Hãng tin ABC News vừa có bài viết lay động lòng người về trường hợp cô gái Sokha Chan, một người Mỹ, gốc Campuchia đã vượt qua nỗi sợ hãi của nạn ấu dâm như thế nào?.

Bảy tuổi, Sokha Chan bị “cướp mất” tuổi thơ bởi một lính thủy đánh bộ người Mỹ ngay trên đất nước của cô. Một cuộc đời tăm tối tiếp đến với Sokha, khi qua nhiều nhà chứa địa ngục và năm năm sau cô mới được giải cứu đưa sang Mỹ. Và hôm nay, cô trở lại đất nước, nơi từng diễn ra nỗi ám ảnh cùng cực của tuổi thơ để đối diện với quá khứ mà từ đó vượt qua nỗi sợ hãi đó.

Nhưng không phải nạn nhân nào của nạn tình dục trẻ em khi lớn lên cũng đủ dũng cảm như trường hợp cô gái Sokha như nói trên.

Những giọt nước mắt của những người mẹ công khai tố cáo chuyệ con bị xâm hại sẽ còn ám ảnh rất nhiều người.

Tôi từng gặp một cô gái 25 tuổi ở thị trấn nghèo của tỉnh Đắk Lắk, đi lang thang khắp cái chợ nhỏ với vẻ điên dại, nhặt nhạnh ở những đống rác bất kể thứ gì có thể ăn được, nằm ở xó hiên mỗi khi đêm xuống….

Những người tường tận câu chuyện về cô gái đó đã kể, cô sinh ra có lẽ tám năm đầu đời được làm… con người, cho đến khi bị gã hàng xóm xâm hại. Lúc đó, gia đình biết chuyện nhưng cái nghèo, vì chưa hiểu rõ luật pháp đành bất lực, buông xuôi… Và cô gái ấy điên dại, sống như… bóng ma, lẩn khuất ở phố thị nghèo đến tận bây giờ.

Im lặng là đồng lõa

Có thể nói, những người mẹ có con nghi bị xâm hại tình dục khi đã công khai tố cáo là một sự dũng cảm phi thường.

Thông thường đứng trước một chuyện liên quan đến cuộc đời đứa con mình, bậc làm cha mẹ sẽ rất đau khổ, khó khăn để chọn hướng giải quyết. Một là chọn giải pháp im lặng, bảo vệ tương lai cho con; hay hai là lên tiếng, tố cáo.

Người mẹ ở quận Thủ Đức có giải bày, “gia đình tôi hoàn toàn không mong muốn công khai chuyện này, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của con. Nhưng vì không muốn những đứa trẻ khác lại bị như con mình, nên sau nhiều ngày suy nghĩ, đấu tranh tâm lý, gia đình tôi quyết định công khai tố cáo”.

Người mẹ đó đã đem cuộc đời con mình để… chiến đấu vì công lý. Vậy tại sao nhiều người trong xã hội này lại có sự im lặng?

Xâm hại trẻ em là hành vi tội ác và để hạn chế vấn nạn này mỗi người làm cha, mẹ hãy là người giáo dục giới tính cho con em mình.

Nhưng một thực tế đáng nói hiện nay là cơ sở pháp luật để xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, gồm hiếp dâm và dâm ô, là chuyện không phải dễ dàng. Một người bạn là đội phó đội Cảnh sát hình sự chuyên phụ trách tố tụng của một đơn vị công an cấp quận tại TP.HCM có chia sẻ với người viết rằng, “thực trạng xử lý tội phạm tình dục trẻ em cực kỳ khó khăn. Với tội phạm hiếp dâm thì cơ sở giám định phải tiến hành trong thời gian dài, kỹ lưỡng dự trên bằng chứng vật chất, mới có thể xử lý đối tượng.

Nhưng còn dâm ô, hầu như không có bằng chứng vật chấtthì không thể xử lý”.

Anh cũng chia sẻ, điều tra các vụ tấn công tình dục nhắm vào trẻ em là áp lực khủng khiếp đối với lực lượng công an. Áp lực đến từ cái tâm của người đang làm cha, mẹ lẫn đến từ dư luận. Mà đáng quan ngại hơn là nhiều bậc làm cha mẹ thiếu hiểu biết pháp luật. Khi sự việc con mình vừa xâm hại, không giữ lại các bằng chứng vật chất cần thiết mà vội tắm rửa cho con, rồi mới trình báo công an, yêu cầu giám định; từ đó gây khó khăn cho công tác điều tra.

Ngay hôm nay, dư luận xã hội dậy sóng, bức xúc với những vụ ấu dâm cụ thể vừa xảy ra. Nhưng rồi mai đây lại có những vụ việc tương tự, đối với những đứa trẻ khác, ở nơi khác. Vậy phải làm sao?

Câu chuyện đưa giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy của trường học đã được đem ra bàn hàng chục năm nay. Vấn đề không khó nhưng không hiểu tại sao đến nay vẫn không thể thực hiện được?

Như vậy, giải pháp căn cơ để đối phó với vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, chỉ có thể là các bậc làm cha, làm mẹ. Họ phải trở thành người giáo dục giới tính cho chính con em của mình. Phải dạy cho con biết kỹ năng phòng chống xâm hại, đối phó hay kêu la khi bị người nào đó đụng chạm đến cơ thể, giới hạn tiếp xúc với từng người quen – lạ ở mức độ nào… Và phải tùy theo lứa tuổi mà cha mẹ huấn luyện cho con em nhữngkỹ năng cụ thể để ứng phó.

Khá kỳ lạ trong câu chuyện một nghệ sĩ vừa chấp hành án phạt tội ấu dâm tại nước ngoài, khi trở về được chào đón như vừa thực hiện chuyến lưu diễn dài ngày. Hành động có vẻ "hồn nhiên" này dường như là sự “thỏa hiệp” với tội ác ấu dâm. Nếu như thế, sẽ có ngày, nạn nhân ấu dâm, sẽ là con cháu hay người thân của bạn…

Sự im lặng trước ấu dâm, sẽ là đồng lõa… Nên mỗi người chúng ta hãy hành động, ít nhất là trở thành người giáo dục, huấn luyện, định hướngcho chính con em của mình.

ĐÀM TỬ DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement