03/04/2021 19:05
Sóng ngầm trên thị trường bất động sản Đà Nẵng
Những nhà đầu tư kiên trì "ôm đất" Đà Nẵng bất chấp thị trường đã suy giảm trong hơn một năm qua do dịch COVID-19 hiện đã bắt đầu có lãi, khi giá nhà đất có dấu hiệu tăng trở lại.
Khoảng giữa năm 2019, anh Tuấn - một nhà đầu tư đến từ Hà Nội bỏ ra gần 9 tỷ đồng để mua một căn shophouse tại khu Thiên Hà, dự án Đại đô thị biển The Empire, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Khi mua dự án này, anh đã nghiên cứu rất kỹ về vị trí, khả năng kinh doanh sinh lời và cảm thấy yên tâm.
Thế nhưng, điều anh Tuấn không thể lường trước được là ngay sau đó, dự án mà anh đầu tư đã gặp hàng loạt những yếu tố bất lợi. Từ cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 đã bùng phát trên quy mô toàn cầu. Ngành du lịch Đà Nẵng “đóng băng” trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kéo theo đó là thị trường bất động sản gần như tê liệt.
Tại thời điểm khó khăn nhất của thị trường, nhiều dự báo cho rằng bất động sản Đà Nẵng có thể sẽ rớt giá thê thảm, khiến các nhà đầu tư thua lỗ nặng nề.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2021, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi cả nước, hoạt động giao dịch dần trở lại bình thường, giá bất động sản Đà Nẵng tại một số dự án đã tăng trở lại.
Đơn cử, dự án shophouse khu Thiên Hà mà anh Tuấn đầu tư đã tăng giá lên 12 – 13 tỷ đồng/căn. Những nhà đầu tư như anh thắng lớn khi bỏ túi từ 2 – 3 tỷ đồng chỉ trong hai năm.
“Trải qua nhiều sóng gió của dự án và thị trường, thành quả ngày hôm nay quả thực là sự bất ngờ rất lớn”, anh Tuấn không giấu được niềm vui của mình.
Đáng chú ý, vị khách hàng đến từ Hà Nội này chỉ là một trong số rất nhiều những nhà đầu tư đang “hốt bạc” tại thị trường bất động sản Đà Nẵng thời gian vừa qua.
Khảo sát tại thị trường bất động sản Đà Nẵng cho thấy từ sau Tết, giá nhà đất tại nhiều khu vực đã có sự điều chỉnh tăng lên so với trước đó. Một số lô đất trên đường Hoàng Sa diện tích hơn 100m2 được rao bán với giá khoảng 10 tỷ đồng. Đất trên đường Trần Thánh Tông, quận Sơn Trà cũng có giá rao bán hơn 10,5 tỷ đồng cho lô đất khoảng 180m2.
Tại dự án Khu đô thị FPT City Đà Nẵng, một lô đất 100m2 đang giao dịch ở mức 2,8 - 3 tỷ đồng/lô. Mặc dù chưa lên ngang bằng mức giá tại thời điểm thị trường đạt đỉnh cuối năm 2018 là 3 - 4 tỷ đồng/lô, nhưng mức giá hiện nay đã tăng 20% so với thời điểm trước dịch (2,4 - 2,5 tỷ đồng).
Những nhà đầu tư vào thị trường từ đầu đến giữa năm 2019 đã có thể thu về khoản lợi nhuận không nhỏ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Landora Group, thị trường bất động sản Đà Nẵng tuy bị đóng băng giao dịch trong bối cảnh dịch bệnh, song tại nhiều dự án có chất lượng, giá bất động sản chỉ đợi sau khi dịch bệnh được kiểm soát là ngay lập tức phục hồi và tăng tốc mạnh mẽ.
Từ sau Tết, rất nhiều nhà đầu tư sành sỏi đã âm thầm quay lại Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội đầu tưm trong khi cả nước vẫn đang say sưa với cơn sốt đất ảo.
Ông Hà tiết lộ từ gần một tháng nay, mỗi ngày dự án Đại đô thị biển The Empire do Landora Group là đơn vị phát triển, tiếp đón hàng chục nhóm khách hàng đến đầu tư. Không ít các nhà đầu tư mạnh tay đã xuống tiền mua một lúc hàng chục tỷ đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng đã tăng mạnh trở lại.
"Đặc biệt, khi cơn sốt đất nền đang dần lắng xuống tại nhiều địa phương trên cả nước khiến các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, chậm chân mắc cạn, thì tại Đà Nẵng, bất động sản vẫn đang âm thầm tăng giá từng ngày", ông Hà chia sẻ.
Liệu có phải "sốt ảo"?
Không thể phủ nhận những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đối với thị trường bất động sản Đà Nẵng. Sau giai đoạn đạt đỉnh cuối năm 2018, từ đầu năm 2019, giá bất động sản địa phương này đã bắt đầu chu kỳ đi xuống. Trong bối cảnh đó, dịch bệnh từ đầu năm 2020 lại càng khiến giá bất động sản giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản, dưới tác động của đại dịch, giá bất động sản Đà Nẵng tại nhiều khu vực đã giảm từ 20 - 30% so với đỉnh điểm. Điều này là không khó hiểu với một thành phố vốn phát triển mạnh và phụ thuộc vào kinh tế du lịch trong bối cảnh hoạt động du lịch bị đình trệ.
Vậy, cơ sở nào để bất động sản Đà Nẵng sôi động trở lại và tăng giá trong thời gian gần đây, liệu có phải sốt ảo?
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Anh Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm tư vấn bất động sản Phát Lộc Land, cho rằng nguyên nhân tăng giá bất động sản trước hết là do tại Đà Nẵng thời gian gần đây đang xuất hiện rất nhiều thông tin về những quy hoạch, chính sách mới tác động tích cực đến thị trường.
Theo đó, đáng chú ý là việc TP. Đà Nẵng thông tin về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, là một trong những trung tâm kinh tế, xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thống nhất về chủ trương cho phép Đà Nẵng nghiên cứu, lập đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính của khu vực và chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Ngay sau đó, Tập đoàn Vingroup cũng đã công bố khởi động dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Làng Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) với quy mô dự kiến 35.000 tỷ đồng. Dự án được quy hoạch trên diện tích khoảng 1.000 ha, gồm một tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp 5 sao.
Theo ông Cường, dồn dập những thông tin về Đà Nẵng đã ảnh hưởng tích cực đến thị trường bất động sản và kỳ vọng của nhà đầu tư.
"Bản chất những thông tin này không phải mới. Quy hoạch chung thành phố đã có cách đây 5 - 10 năm, việc xây dựng cảng Liên Chiểu cũng đã rục rịch từ lâu, hay như dự án của Vingroup ở Làng Vân, họ cũng đã nghiên cứu từ 10 năm trước.
"Việc phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính của khu vực cũng chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chính là cơ hội chín muồi để thực hiện tất cả các kế hoạch còn dang dở nhằm đưa Đà Nẵng phát triển bứt phá trong thời gian tới," ông Cường nhận định.
Ông Cường nhìn nhận nguyên nhân thứ hai khiến bất động sản Đà Nẵng tăng giá là do chính quyền địa phương đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua; từ đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trở lại thị trường.
Thứ ba, Đà Nẵng sở hữu vị trí chiến lược để phát triển kinh tế, cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đầy đủ từ giao thông đường bộ đến sân bay, cảng biển.
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới đều đã tới Đà Nẵng, cũng không phải ngẫu nhiên Đà Nẵng trở thành một thương hiệu được yêu thích trong lòng dân bản địa, du khách trong ngoài nước và các nhà đầu tư.
Đà Nẵng là nơi mà nếu đi du lịch nội địa thì 86% mọi người nghĩ tới bởi nơi đây có đầy đủ núi, sông, biển, suối và có cả đường kết nối đi sang Đông Dương, đi ra các điểm du lịch phía Bắc trung bộ như Phong Nha - Quảng Bình hay Cố Đô Huế và Nam Trung bộ như Hội An Quảng Nam, Quy Nhơn...
Ở Đà Nẵng, mọi yếu tố từ chính trị, kinh tế hay du lịch, dịch vụ và tới đây là trung tâm tài chính đều được hội tụ đầy đủ. Đây là hướng phát triển rất tốt của thành phố trong tương lai và để làm được điều đó, bất động sản là yếu tố nền tảng, thành phố cần có những toà nhà văn phòng, cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng...
Đó là lý do vì sao trong đại dịch nhưng thị trường giá không xuống nhiều và ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, bất động sản lập tức tăng giá trở lại và sôi động các nhà đầu tư. Bất động sản Đà Nẵng trở nên nóng ở thời điểm hiện nay do nhà đầu tư nào cũng chớp thời cơ vào thị trường. Đà Nẵng được nhà đầu tư chọn là nơi đầu tư có tiềm năng sinh lời cao nhất và an toàn, ông Cường nhấn mạnh.
Khẩu vị mới của các nhà đầu tư
Đồng quan điểm, ông Hà cho rằng Đà Nẵng vẫn luôn có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư. Thời gian trong đại dịch, ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến các giao dịch bất động sản trên thị trường trầm lắng. Tuy nhiên, các thông tin rao bán dự án giảm giá chỉ diễn ra ở một bộ phận nhỏ các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, buộc phải bán cắt lỗ để thu hồi vốn.
Sở dĩ có thực trạng này, là do thành phố này có quá nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế. Ở đây có sự tổng hòa của tất cả các yếu tố từ thiên nhiên ưu đãi, chất lượng dịch vụ, con người thân thiện đến sự thuận lợi trong di chuyển để phát triển du lịch.
Trong thời gian tới, nơi đây còn được định hướng phát triển trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, trung tâm về khởi nghiệp, đối mới sáng tạo, logistics, công nghiệp công nghệ cao của cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Với định hướng này, dư địa tăng trưởng của Đà Nẵng còn rất lớn. Đây chính là lý do khiến các nhà đầu tư kỳ vọng và tự tin đổ tiền vào thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, theo ông Hà, dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát tại Việt Nam và trên phạm vi thế giới, hiện đã có vaccine phòng bệnh. Đồng thời, Chính phủ cũng đang nghiên cứu để từng bước mở cửa lại các đường bay quốc tế, thu hút khách du lịch. Khi du lịch bắt đầu phục hồi, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại và phát triển bền vững.
Một nguyên nhân khác là hiện nguồn tiền trong xã hội vẫn còn rất lớn. Thời gian vừa qua thị trường chứng khoán liên tục tăng cao, nhiều nhà đầu tư đã chuyển một phần lợi nhuận qua đầu tư bất động sản.
Nếu như các nhà đầu cơ lướt sóng, vốn mỏng, thiếu kinh nghiệm lao vào các cơn sốt đất nền thì nhà đầu tư sở hữu lượng vốn lớn, trường vốn và sành sỏi lại chỉ chọn những bất động sản có vị trí đắc địa, hạ tầng hoàn chỉnh, dịch vụ, tiện ích đồng bộ và có khả năng kinh doanh để tạo ra dòng tiền. Họ có nhu cầu mua bất động sản để đầu tư dài hạn, hoặc khai thác kinh doanh chứ không phải đầu tư lướt sóng trong ngắn hạn.
Nói cách khác, dòng tiền đang đổ về những dòng sản phẩm có giá trị thực, có khả năng tăng trưởng bền vững và an toàn.
Những dự án hút nhà đầu tư có điểm chung là có vị trí đắc địa, pháp lý đầy đủ và có khả năng tự kinh doanh vận hành khai thác kinh doanh. Khi ngành du lịch phục hồi, các dự án này sẽ trở thành điểm đến, thu hút du khách, nhờ đó giúp gia tăng giá trị bất động sản cho các nhà đầu tư, ông Hà nhấn mạnh.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp