15/10/2020 07:23
Soi sức khỏe tài chính 3 nhà băng chuẩn bị niêm yết trên HOSE
MSB, VIB, LienVietPostBank tức tốc lên sàn HOSE trong cuối năm với những lợi thế cạnh tranh riêng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Quý cuối cùng của năm 2020, hàng loạt các ngân hàng có quy mô vốn trung bình và nhỏ đua nhau nộp hồ sơ niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong đó, nhà đầu tư dành kỳ vọng vớn cho các ngân hàng niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) gồm MSB, VIB và LienVietPostBank.
MSB xử lý toàn bộ nợ xấu tại VAMC
Đầu tháng 10, HOSE đã nhận hồ sơ niêm yết của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) sau 3 quý nhà băng này rút hồ sơ niêm yết để chờ thời điểm thị trường thuận lợi hơn. Đại diện ngân hàng này cho biết, MSB quyết định lên sàn trở lại vì nhận thấy thị trường có phần thuận lợi hơn. Dự kiến, MSB đăng ký niêm yết 1.175 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ là 11.750 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt trên 1.666 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.328 tỷ đồng. Hai con số này đều rất ấn tượng khi lợi nhuận trước thuế đã vượt kế hoạch của cả năm 2020 (1.439 tỷ đồng), còn lãi ròng thì đạt hơn 27% thực tế của cả năm 2019. Tổng tài sản của MSB tính đến hết cuối tháng 9/2020 đã vượt mốc 166.000 tỷ đồng, hoàn thành gần 98% kế hoạch năm 2020 là khoảng 170.000 tỷ đồng.
Bảng báo cáo tình hình kinh doanh lần này của MSB được cho là đẹp nhất nhì ngành kinh doanh tiền khi trước đó, ngân hàng này hoạt động khá bết bát. Giai đoạn 2015 - 2017, MSB ghi nhận tình trạng chi phí dự phòng rủi ro cao đã “vét sạch” 91% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Liên tiếp trong năm 2016 và năm 2017, MSB phải sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng để trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Tuy nhiên, mới đây MSB báo cáo đã hoàn tất xử lý toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC. Chỉ trong vòng 3 tháng quý III/2020, MSB đã tất toán được hết 1.185 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Đây là một trong những cam kết của MSB đối với cổ đông trong Đại hội Cổ đông thường niên của Ngân hàng hồi tháng 5/2020
MSB đã xử lý tất cả 1.185 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC. Ảnh: Đầu Tư |
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Như Hải, chuyên viên phân tích MBS, cho rằng, tỷ suất lợi nhuận của nhà băng đã có sự cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, MSB còn một đoạn đường dài để đi trên định hướng thiên về SME để đuổi kịp ACB hay MBBank.
Để chuẩn bị tốt hơn cho việc lên sàn, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết, ngân hàng này sẽ tiếp tục hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế cao hơn như Basel III sau khi đạt Basel II. Điều này cũng giúp MSB quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững.
VIB tăng trưởng tốt nhờ mảng bán lẻ
Cũng trong tuần qua, HOSE đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), với 924.5 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 9,245 tỷ đồng. Đây là quyết định có được sau khi Hội đồng cổ đông VIB thông qua nghị quyết hủy đăng ký giao dịch trên Upcom, để niêm yết trên HOSE vào quý cuối năm.
VIB sẽ chuyển từ sàn UpCoM sang HOSE. Ảnh: VIB |
Theo báo cáo sơ bộ tình hình kinh doanh được VIB công bố, nhà băng này ghi nhận 1.668 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với liền trước và tăng 52% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 9 tháng năm 2020, tổng doanh thu của VIB đạt 7.854 tỷ đồng, tăng 34%; lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Về chỉ tiêu lợi nhuận, VIB đã hoàn thành đến gần 90% kế hoạch cả năm.
Doanh thu từ hoạt động dịch vụ của VIB đạt khoảng 1.637 tỷ đồng, chiếm 21% tổng doanh thu. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu duy trì ở mức 40%. Chi phí dự phòng tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lợi nhuận trên vốn (ROE) bình quân đạt 28,9%, thuộc nhóm cao nhất ngành.
Bên cạnh đó, tổng tài sản của ngân hàng này vào cuối tháng 9/2020 ghi nhận ở mức trên 213.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt trên 151.000 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, mức này được cho là cao gần gấp 3 lần so với trung bình ngành ngân hàng.
Những năm qua, VIB nổi lên như một ngân hàng chuyển đổi thành công từ cấu trúc thiên về khách hàng doanh nghiệp sang ngân hàng chuyên về bán lẻ. Giai đoạn 2017 - 2018, dư nợ bán lẻ tăng tới 83% trong năm 2017 và tăng 48% trong năm 2018. Trong đó các mảng như vay mua nhà và vay mua xe ghi nhận những con số tăng trưởng đột biến.
Cụ thể, dư nợ cho vay mua nhà tăng 96% trong năm 2017 và tăng 45% trong năm 2018, dư nợ cho vay mua xe tăng 161% trong năm 2017 và 59% vào năm 2018. VIB cũng chiếm thị phần lớn nhất (trên 24%) về cho vay mua ô tô tại Việt Nam từ năm 2017.
Đến năm 2019, số dư nợ cho vay của mảng bán lẻ vẫn tiếp tục tăng cao, ở mức 46%. Lãnh đạo nhà băng này xác định, mảng bán lẻ chính là nguyên nhân chính giúp khiến biên lợi nhuận của ngân hàng ở mức cao.
LienVietPostBank chuyển sàn để huy động vốn
Ngoài VIB và MSB, HOSE còn nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) từ cuối tháng 7/2020. Ngân hàng này đăng ký niêm yết hơn 976,94 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ trên 9.769 tỷ đồng.
Việc chuyển từ UpCom lên sàn HOSE được Ban Lãnh đạo xác định nhằm đưa cổ phiếu LPB trở thành thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho các mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, đồng thời đưa cổ phiếu ngân hàng vào danh mục đầu tư của các quỹ ETF trên thị trường chứng khoán.
LienVietPostBank muốn nhân rộng mạng lưới điểm giao dịch để chiếm lợi thế về mảng bán lẻ. Ảnh: LPB |
Tuy nhiên, so với các ngân hàng niêm yết, kinh hình kinh doanh của LienvietPostBank hụt hơi thấy rõ, cổ phiếu LPB trên sàn UpCom luôn có thị giá “bét bảng”.
Báo cáo tài chính gần nhất của nhà băng này là quý II/2020. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chỉ ghi nhận được 321 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm, LienVietPostBank đạt 806 tỷ đồng lãi ròng, dù hoàn thành 59% kế hoạch cả năm nhưng lại giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận của LienVietPostBank sụt giảm là do lãi tăng nhưng chi phí cho lãi quá lớn. Ngân hàng này phải chi quá nhiều cho dự phòng rủi ro tín dụng. Trong khi đó, chất lượng nợ lại đi xuống.
Cuối tháng 6/2020, tổng nợ xấu tại LienVietPostBank tăng 23% so với hồi đầu năm, lên tới 2.506 tỷ đồng, chiếm 1,64% tổng dư nợ tín dụng. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn lại lên tới 1.738 tỷ đồng, tăng 22% so với hồi đầu năm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này cũng tăng từ 1,44% lên 1,65%.
Năm nay, LienVietPostBank tăng vốn điều lệ từ 9.769 tỷ đồng lên 10.746 tỷ đồng, đồng thời nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà đầu tư nước ngoài từ 5% lên tối đa 9,99%. Ngân hàng này hiện đang dồn sức cho mục tiêu dẫn đầu khối ngân hàng TMCP về điểm giao dịch.
Đại diện LienVietPostBank xác định, mạng lưới giao dịch rộng lớn giúp ngân hàng tiếp cận được nhiều đối tượng, nhiều phân khúc khách hàng ở những vùng miền khác nhau trên cả nước, đặc biệt là bộ phận người dân sinh sống ở vùng nông thôn. Từ đó, mạng lưới này mang lại tiềm năng và lợi thế bán lẻ rất lớn cho LienVietPostBank, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, làn sóng chuyển sàn giúp đánh giá lại giá trị cổ phiếu của các ngân hàng. Việc chuyển sàn từ HNX hay UPCoM sang HOSE sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn, do yêu cầu niêm yết cao và được nhà đầu tư quan tâm hơn. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán VNDIRECT khuyến nghị, nhà đầu tư cần xem xét cổ phiếu của ngân hàng có nền tảng tốt, khả năng tăng trưởng và có mức định giá hợp lý. Không chỉ quan tâm tăng trưởng lợi nhuận ngắn hạn, nhà đầu tư cần chú trọng những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản, bởi nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng. Chưa kể các khoản nợ xấu tiềm ẩn cũng là mối lo khi ngân hàng được phép cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng đến hết tháng 9/2020 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank Kim Eng, cũng cho rằng, đây chưa phải lúc mua cổ phiếu ngân hàng cho mục đích đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư chỉ nên lướt sóng ngắn hạn, nhưng điều này chỉ dành cho các nhà đầu tư có kỹ năng. Ông nhận định, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục phân hóa mạnh. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp