15/04/2022 14:04
Soái hạm Moscow bị chìm có ảnh hưởng đến quân đội Nga?
Soái hạm Moskva - niềm tự hào của Hạm đội Biển Đen - đã bị chìm sau một vụ hỏa hoạn vào ngày 14/4, theo các quan chức Bộ Quốc phòng Nga.
Con tàu này ra đời vào thời điểm Liên Xô còn tồn tại và nó đã từng phục vụ trong các cuộc xung đột ở Gruzia, Syria và nó cũng đã giúp thực hiện nghiên cứu khoa học trong các dự án hợp tác với Hoa Kỳ.
Con tàu ban đầu được đặt tên là "Slava" hay ''Glory'' trước khi được mang tên Moscow - Thủ đô của nước Nga.
Con tàu đã bị chìm như thế nào?
Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu Moskva đã bị hư hỏng nặng do hỏa hoạn và chìm trong một cơn bão khi nó đang được kéo về cảng.
Trước đó, Nga thông báo rằng, "một vụ nổ đạn" đã gây ra hỏa hoạn và buộc thủy thủ đoàn phải sơ tán.
Trong khi đó, một quan chức Ukraina tuyên bố, nước này đã tấn công tàu Moskva bằng tên lửa hành trình Neptune sau khi chuyển hướng thành công hệ thống radar của con tàu.
Mỹ cho biết có thể xác nhận các tuyên bố của Ukraina.
Soái hạm Moscow thường có khoảng 500 thủy thủ thường trực, được cho là đang ở Biển Đen, ngoài khơi cảng Odesa của Ukraina vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn.
Vụ chìm tàu có ảnh hưởng như thế nào đến quân đội Nga?
Tàu Moskva 12.500 tấn, được trang bị nhiều tên lửa chống hạm và đất đối không, và là con tàu duy nhất cùng lớp hiện diện ở Biển Đen.
Hai tàu tuần dương cùng lớp khác là Marshal Ustinov và Varyag - lần lượt được triển khai cùng các Hạm đội phương Bắc và hạm đội Thái Bình Dương.
Một hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies cung cấp cho thấy Moskva ở cảng Sevastopol ở Crimea vào ngày 7 tháng 4.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (IOW) cho biết, họ không thể xác minh rằng Ukraina đã đánh chìm tàu chiến, nhưng việc tàu Moskva bị mất - bất kể nguyên nhân gì- là một "chiến thắng tuyên truyền lớn cho Ukraina". Ngược lại, nó có khả năng làm suy yếu tinh thần của Nga, viện nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, về mặt quân sự, tổn thất này có thể không quá lớn. Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết, soái hạm Moskva có lẽ chủ yếu được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr vào các địa điểm bao gồm các trung tâm hậu cần và sân bay ở Ukraina.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết: ''Những cuộc tấn công này đã có hiệu quả nhưng số lượng hạn chế so với các cuộc không kích và tên lửa phóng từ mặt đất trong suốt cuộc chiến và việc đánh mất Moskva khó có thể là đòn quyết định''.
''Con tàu thực sự rất cũ. Trên thực tế, Nga đã có kế hoạch loại bỏ nó từ 5 năm nay'', nhà phân tích quân sự Nga Alexander Khramchikhin nói với hãng tin Reuters.
''Nó có nhiều giá trị biểu tượng hơn giá trị thực chiến, và nói chung, không liên quan gì đến hoạt động hiện tại. Nó sẽ không ảnh hưởng đến diễn biến của các cuộc chiến'', chuyên gia này nói thêm.
Soái hạm Moskva ra đời như thế nào?
Soái hạm Moskva nằm trong nhóm tàu mà Liên Xô thiết kế vào cuối những năm 1970 để chống lại các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ và cung cấp khả năng phòng không cho các tàu Liên Xô hoạt động ở các đại dương xa xôi.
Vào thời điểm đó, chúng được đặt biệt danh là ''những kẻ giết người trên tàu sân bay''.
Theo hãng tình báo Janes, con tàu chiến này được hạ thủy với tên gọi Slava từ một nhà máy đóng tàu ở Mykolaiv, Ukraina - khi đó là một phần của Liên Xô - vào tháng 7 năm 1979. Được đưa vào hoạt động vào cuối tháng 12 năm 1982, nó dài 186 mét (610 feet) và được thiết kế để chở thủy thủ đoàn 476 binh sĩ cùng với 62 sĩ quan.
Slava là soái hạm của hạm đội Liên Xô ở Biển Đen và được trang bị pháo trên boong, ngư lôi và súng cối, cũng như vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, nó cũng có một sàn đỗ trực thăng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp đón các nhà lãnh đạo thế giới trên tàu Moskva, bao gồm cả Thủ tướng Ý khi đó là Silvio Berlusconi trong chuyến thăm Sardinia của Putin vào năm 2003.
Tàu Moscow đã được sửa chữa lại vào những năm 1990, khi Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế Nga gặp khó khăn và Ukraina nổi lên như một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Được đổi tên thành Moskva, Tổng thống Vladimir Putin, người lên nắm quyền vào năm 1999, đã tiếp đón các nhà lãnh đạo thế giới lên tàu để tham quan, bao gồm cả Thủ tướng Ý khi đó là Silvio Berlusconi vào năm 2003.
Năm 2008, trong cuộc chiến của Nga ở Gruzia - cũng từng là một phần của Liên Xô - tàu Moskva đã tham gia vào các hoạt động ở Biển Đen. Chính phủ Gruzia cho biết con tàu cũng tham gia một cuộc tấn công vào nước này.
Tàu Moskva đã tham gia một thời gian ngắn trong cuộc phong tỏa hải quân Ukraina vào tháng 3 năm 2014 như một phần trong việc Nga sáp nhập Crimea.
Năm sau, tà Moscow cung cấp khả năng phòng không cho các lực lượng Nga hoạt động ở Syria.
Sau khi Nga xâm lược Ukraina, con tàu đã tham gia một cuộc tấn công vào Zmiinyi - hay Đảo Rắn . Trong đoạn âm thanh được lan truyền rộng rãi trên mạng, một binh sĩ Ukraina trả lời: "Tàu chiến Nga, hãy tự đi''.
Vụ việc đã trở thành biểu tượng thể hiện sự quyết tâm chiến đấu đến cùng của người Ukraina và quốc gia này vừa phát hành tem bưu chính kỷ niệm cuộc chạm trán.
(Nguồn tham khảo: ALJAZEERA)