31/05/2022 08:17
Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng báo động tại TP.HCM
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong vòng một tuần, thành phố ghi nhận thêm 1.070 ca bệnh tay chân miệng, tăng 81,7% so với tuần trước đó và nâng tổng số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay lên 3.699 ca.
Theo HCDC trong tuần 21 (từ ngày 20/5 đến ngày 26/5) toàn thành phố ghi nhận thêm 10 ổ dịch tay chân miệng mới phát sinh tại các quận: Bình Tân, 3, 7, 12 và huyện Bình Chánh, nâng tổng số ổ dịch tích lũy từ đầu năm đến nay là 40. Tất cả những ổ dịch này đều đã được xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, số ca mắc bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận, huyện như: Quận 8, Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè… Theo đó, trong tuần qua, Thành phố ghi nhận thêm 1.070 trẻ mắc tay chân miệng, tăng 481 trẻ so với trung bình 4 tuần trước đó; số ca bệnh tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và ngoại trú.
Theo HCDC, trong 5 tháng đầu năm 2022, Thành phố ghi nhận 3.699 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi.
Không chỉ TP.HCM mà các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh phía khu vực phía nam đều ghi nhận số ca nhiễm tay chân miệng tăng cao.
Bộ Y tế dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên; việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch,.... gia tăng trở lại sau khi đã kiểm soát dịch COVID-19 và hiện chưa có vaccine phòng bệnh.
Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM: bệnh tay chân miệng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, các dấu hiệu nghi ngờ ban đầu của bệnh là sốt 1-2 bữa sau đó hết sốt, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở miệng.
Khi thấy các dấu hiệu này, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám BS nhi gần nhà để được xác định. Đa số trẻ tự khỏi trong 7-10 ngày, cần nghỉ học 10 ngày. Cứ tắm rửa bình thường, mụn nước sẽ tự khô, không bôi xanh methylene lên vì không có tác dụng, lại khiến BS khó quan sát khi khám vì màu xanh tím của thuốc bám rất dai.
Tuy trên 90% là bệnh nhẹ nhưng các trường hợp bệnh nặng thì diễn tiến rất nhanh nên nếu điều trị tại nhà thì phải theo dõi sát trẻ.
Theo ngành y tế, bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa nên trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Việc huấn luyện cho trẻ, người chăm sóc trẻ về vệ sinh cá nhân, nhất là việc rửa tay thường xuyên với xà phòng là rất quan trọng.
Theo đó, để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát, ngành y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp: Rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Cha mẹ có con bị tay chân miệng nên cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám như: Sốt nhẹ hoặc vừa; mệt mỏi; đau họng; chảy nước bọt nhiều; tổn thương và đau rát ở răng hoặc chân răng; phát ban dạng phỏng nước 2-10mm màu xám, hình bầu dục ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, sờ cộm, không đau, không ngứa; vết loét ở niêm mạc má, lợi và lưỡi.
Theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, cần đưa trẻ đến nhập viện ngay khi trẻ sốt cao trên 39oC nhưng không thể hạ bằng paracetamol; quấy khóc; giật mình nhiều lần; ói; tay chân run rẩy; co giật; tim đập nhanh.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp