13/12/2017 06:41
Sở soạn sách giáo khoa, trường có dám tự chọn?
Việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)” cho phép trường và giáo viên có quyền lựa chọn SGK cho công việc giảng dạy của mình.
Trường và giáo viên băn khoăn
Mới đây, Sở GDĐT TP.HCM thông tin, Sở sẽ triển khai thí điểm SGK riêng, việc biên soạn sách của Sở do các chuyên gia, trí thức cấp cao thực hiện. Tại buổi chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 6/12 vừa qua, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GDĐT cho biết, từ năm 2016, Bộ GDĐT đã có công văn cho phép Sở GDĐT phối hợp NXB Giáo dục thực hiện bộ SGK riêng. Hiện, mọi dữ liệu đã được chuẩn bị sẵn, chỉ chờ Bộ GDĐT phê duyệt chính thức. Theo dự kiến, năm 2019, Sở sẽ triển khai thí điểm, sau đó đánh giá lại rồi mới ban hành chính thức.
Việc thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK sẽ khó thực hiện nếu các trường phổ thông không được tự chủ (chụp tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thài Phìn Tủng, Đồng Văn, Hà Giang). |
Việc Sở GDĐT đứng ra làm SGK là theo chủ trương của Bộ GDĐT về việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK. Chủ trương này sẽ được luật hóa trong Luật Giáo dục sửa đổi và sớm ban hành sau khi lấy ý kiến từ dư luận.
TS Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) giải thích, từ trước đến nay, chúng ta chỉ thực hiện một chương trình một bộ SGK. Việc thay đổi này thể hiện sự dân chủ trong phát triển SGK và tư liệu dạy học cho tất cả cấp học. Điều đó sẽ phát huy được trí tuệ tập thể, tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc nhiều nguồn thông tin khác nhau.
Tuy nhiên, việc này lại khiến nhiều người lo ngại, liệu Sở làm sách thì các trường phổ thông dưới quyền Sở có dám tự lựa chọn SGK để giảng dạy theo chủ trương “mở” của Bộ GDĐT không?
Là giáo viên cấp 3 tại TP.Hồ Chí Minh, cô N.T.T nhiều năm nay đã coi SGK của Bộ GDĐT như một “pháp lệnh” trong giảng dạy. Cô T cho biết: “Trong hướng dẫn ôn tập bất kỳ kỳ kiểm tra, đánh giá, thi thử, thi THPT quốc gia..., Bộ GDĐT, Sở đều nhắc đi nhắc lại cụm từ “bám sát chương trình SGK”, giáo viên khi giảng dạy có thể sáng tạo, tham khảo nhiều sách nhưng ra đề kiểm tra, đề thi vẫn phải coi SGK làm “bùa hộ mệnh”. Sau này khi có nhiều bộ sách, nói là cho giáo viên, cho trường tự chọn nhưng trường phổ thông và giáo viên nằm dưới sự quản lý của Sở, Sở lại ra sách thì trường nào dám mua sách bên ngoài để dạy?” – cô T cho biết.
Tương tự, cô giáo T.H.H – Hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội cũng cho rằng: “Việc trường và giáo viên được tự lựa chọn SGK rất đáng hoan nghênh, nhưng thực tế nếu không có cơ chế tự chủ cho các trường thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng Sở bảo chọn sách này trường không dám không nghe và đương nhiên giáo viên càng không được lựa chọn”.
Cần giao quyền tự chủ cho trường phổ thông
Để gỡ “nút thắt” giúp trường phổ thông và giáo viên có thể được lựa chọn SGK phù hợp với việc giảng dạy của mình, các chuyên gia giáo dục cho rằng, cần phải giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông. Khi được tự chủ, việc cơ sở nào, ai viết SGK không thành vấn đề nữa.
Vì chưa yên tâm về chất lượng của chương trình và SGK mới, đầu tháng 11 vừa qua, theo đề nghị của Bộ GDĐT, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, cấp THCS từ năm học 2020-2021, cấp THPT từ 2021-2022 và hoàn tất áp dụng cho tất cả các khối lớp vào năm học 2023-2025, lùi 2 năm so với kế hoạch ban đầu. |
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, để thực hiện được chương trình và SGK mới, các trường nhất thiết phải được quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức, tài chính và nhân sự. Điều này, theo ông Tiến, chưa được Bộ GDĐT đề cập trong Luật Giáo dục sửa đổi.
“Tôi đề nghị mở rộng quyền tự chủ cho các trường phổ thông và việc đó phải được cụ thể hóa trong điều lệ nhà trường phổ thông sau này" - ông Tiến đề xuất và khẳng định có như vậy mới có thể thực hiện được chương trình phổ thông mới.
"Còn như hiện nay, trường phổ thông là những trường tuân thủ chi tiết từ trên xuống dưới mà không có chút tự chủ nào trong việc tuyển dụng giáo viên hay dạy học. Như vậy, tôi cho là rất khó thực hiện chương trình và SGK mới” – ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến cũng cho biết thêm, Bộ GDĐT cần có những quy định cụ thể hơn về việc trường phổ thông và giáo viên có thể tự lựa chọn SGK trong việc giảng dạy. Nếu không thì việc chỉ định dạy sách giáo khoa của đơn vị nào từ trên xuống sẽ dễ xảy ra và giáo viên dù muốn cũng không dám dạy theo sách của nơi khác nếu Sở mình có sách.
GS Nguyễn Lân Dũng – thành viên Hội đồng Giáo dục quốc gia thì cho rằng, ngoài việc cần giao quyền tự chủ cho trường, Bộ GDĐT không nên đưa ra quy định về việc ai được quyền viết SGK.
“Tôi phản đối quy định này. SGK chỉ nên có 2 tiêu chuẩn, một là không sai điều kiện Bộ GDĐT ban hành, hai là không được sai về nội dung chính trị và khoa học, nếu sai thì không được in. Điều đó có nghĩa là cần có tiêu chuẩn về hội đồng duyệt chứ không cần tiêu chuẩn về người viết, giáo viên cấp 1 cũng có thể viết sách giáo khoa nếu giỏi” – ông Dũng nói.
Advertisement
Advertisement