03/03/2022 11:57
Số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong 2 tháng tăng 46,2%
Những giải pháp, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng doanh nghiệp. 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao.
Theo Tổng cục Thống kê, những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ đó, trong 2 tháng đầu năm, đã có 22,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Từ đó, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2022 lên 42,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 2 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm trước; 8,9 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,3%... Bình quân một tháng có 22,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù, các chỉ số doanh nghiệp trong tháng 2/2022 trầm lắng so với tháng trước, nhưng một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhiều doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi “khởi sự” sang đầu năm.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong tháng 2/2022, cả nước có 7.284 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 85,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 72,6 nghìn lao động.
Như vậy, so với tháng trước, tháng 2/2022 đã giảm 44% về số doanh nghiệp, giảm 55,7% về vốn đăng ký và giảm 5,8% về số lao động. Nhưng so với cùng kỳ năm trước, chỉ giảm 9,4% về số doanh nghiệp, giảm 52,6% về số vốn đăng ký nhưng tăng 27,4% về số lao động.
Với số doanh nghiệp và số vốn đăng ký như trên, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,7 tỷ đồng, giảm 20,9% so với tháng trước và giảm 47,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 20,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 277,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 149,7 nghìn lao động, tăng 11,9% về số doanh nghiệp, giảm 17,1% về vốn đăng ký và giảm 13,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2022 cũng giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 173,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 2.332 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2022 là 451,2 nghìn tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ năm trước.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành tiếp tục triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Đồng thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý, thiết kế sản phẩm cho vay đặc thù, phù hợp với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp theo từng nhóm ngành nghề.
Cùng với việc hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn, thành phố còn đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, bình ổn giá; đồng thời, nắm bắt thông tin để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, nhất là thủ tục tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận, cập nhật chính sách mới của Chính phủ.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, kênh thương mại trực tuyến do các tổ chức nước ngoài triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay.
Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh và tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa, hỗ trợ đưa sản phẩm ra nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước và khu vực...
Về cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhiều địa phương trên cả nước đang rà soát chính sách phù hợp để thu hút nhanh, hiệu quả doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài đầu tư có trọng tâm, chọn lọc; ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặt khác, tăng cường chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI, tập đoàn tư nhân lớn dẫn dắt trong chuỗi giá trị…
Advertisement
Advertisement