15/09/2019 02:00
Sinh ra trong khu ổ chuột nhưng tỷ phú Masayoshi Son kiếm 1 triệu USD/tháng
Trong lịch sử, đã có một sinh viên kiếm được tới 1 triệu USD/tháng mà chỉ cần làm việc 5 phút mỗi ngày. Đó chính là Masayoshi Son.
Tuổi thơ dữ dội
Masayoshi Son sinh ra trong một khu ổ chuột tại làng Tusu thuộc hạt Saga, vùng Kyushu, Nhật Bản. Cả gia đình ông kiếm sống bằng nghề nuôi heo. Chính vì vậy, Son phải chịu không ít sự kỳ thị của bạn bè khi đến trường. Tuổi thơ của ông hằn lên sự nhọc nhằn, cơ cực khi ngay từ bé đã bị cuốn vào guồng quay mưu sinh.
"Hồi còn nhỏ, tôi ngồi trong một chiếc xe kéo. Nó hôi thối đến mức tôi buồn nôn. Chúng tôi đi thu lượm thức ăn thừa từ hàng xóm để cho lợn và gia cầm ăn. Mùi của nó rất kinh", Son nói như thể mọi chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
"Cho dù mùi của nó kinh khủng đến mấy, chúng tôi, bản thân tôi cũng vẫn làm việc thật sự chăm chỉ. Bà tôi là người kéo xe, để tôi ngồi bên trong. Giờ thì bà đã mất rồi".
Mặc dù vậy ông không để những khó khăn đó đánh gục và quyết tâm thoát nghèo bằng cách khởi nghiệp. Ông luôn đau đáu trong mình việc phải thành công để giúp bản thân và bố mẹ thoát khỏi cảnh nghèo hèn.
Năm 16 tuổi, ông đọc được cuốn sách “The Jewish way of doing business” (Sách lược kinh doanh của người Do Thái) của Den Fujita, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của McDonald’s Nhật Bản lúc bấy giờ.
Tỷ phú Masayoshi Son - Chủ tịch Softbank. |
Vì quá ấn tượng với cuốn sách, ông đã gọi điện trực tiếp đến văn phòng của Fujita. Thế nhưng mỗi lần Son gọi, luôn là một viên thư kí của Fujita ở đầu giây bên kia bắt máy. Những cuộc đối thoại hầu như đều giống hệt nhau.
– Alo, tôi là Masayoshi Son, tôi là một học sinh, cô có cảm phiền hỏi ngài Fujita rằng liệu ngài ấy có thể dành cho tôi vài phút được chứ?
– Ồ, tôi sẽ cố gắng thôi, nhưng mà ngài ấy sẽ không chịu gặp một cậu học sinh đâu.
– Cô đừng tự ý quyết định như vậy, hãy để ông ấy quyết định.
Sau khoảng hơn 60 cuộc gọi đường dài (chi phí gọi điện thoại đường dài khi đó rất đắt đỏ tại Nhật), phí điện thoại của Son bắt đầu đắt hơn cả vé máy bay. Vậy nên ông quyết định bay tới Tokyo để gặp Fujita. Sau khi gặp mặt viên thư kí tại cửa văn phòng, Son nói .
– Thưa cô, hãy tường thuật chính xác những gì tôi nói nhé: “Fujita, ông không cần phải nhìn vào mặt tôi đâu, ông không cần nói bất kì lời nào, cứ tiếp tục công việc của mình đi, tôi chỉ muốn nhìn ông trong 3 phút thôi. Tôi sẽ không làm phí của ông 1 giây nào cả, tôi không cố ý phá hoại cuộc đời ông”.
Cuối cùng Fujita cũng phải mời Son vào phòng làm việc của mình. Ông đã dành 1 phút để đưa ra những lời khuyên giúp thay đổi cuộc sống của Son mãi về sau. Son hỏi:
– Sau này tôi nên kinh doanh ở lĩnh vực nào?
– Máy tính, chính nó. Nếu tôi là cậu và còn trẻ như cậu, tôi sẽ kinh doanh lĩnh vực máy tính. Và nhớ cho rõ này chàng trai trẻ, đừng nhìn vào những gì đã xảy ra trong quá khứ, hãy hướng về các ngành kinh doanh của tương lai, đó là điều cậu nên tập trung vào.
Sau khi nhận được lời khuyên đầy chân thành đó, Son quyết tâm sang Mỹ du học. Ngày ông đi, mẹ ông đã khóc và nói rằng ông sẽ không bao giờ trở về. Qua đến Mỹ, Son không được tham gia vào đại học ngay mà phải học tại một trường cấp 3.
Masayoshi Son và bạn đại học. |
Ông nhận ra mình đã học hầu hết kiến thức trong sách giáo khoa nên dành ra hai tuần tiếp theo để thuyết phục hiệu trưởng cho mình làm bài thi tốt nghiệp. Cuối cùng, Son chỉ mất đúng ba tuần để học cấp 3 và vào thẳng trường Đại học California, Berkeley.
Lên đại học, Son muốn kiếm thêm tiền để phụ giúp gia đình nhưng cũng chỉ cho phép bản thân làm việc 5 phút mỗi ngày để có thể dồn toàn tâm vào việc học. Ông bắt đầu đi khắp nơi và hỏi bạn bè:
– Có công việc nào có thể giúp tôi kiếm 10.000 USD/tháng mà chỉ mất 5 phút/ngày không?
– Cậu điên à, công việc đó không có thực, cậu tính bán ma túy chắc?
Tuy không nhận được sự ủng hộ của ai nhưng Son lại rất nghiêm túc nghĩ về việc này. Ông ngồi lại và bắt đầu tìm cách để sử dụng thời gian của bản thân một cách hiệu quả nhất. Và ông nhận ra cách duy nhất để làm việc này là phát minh.
Kể từ đó, mỗi ngày ông đều vặn đồng hồ báo thức cho nó đếm ngược 5 phút. Trong thời gian đó, ông tự nói với chính mình là “Phát minh hãy đến đây nào”.
Vậy mà “câu thần chú” đó cũng được việc. Ông đã phát minh ra từ điển điện tử đầu tiên của nhân loại và bán nó cho tập đoàn Sharp với mức giá 1,7 triệu USD. Sau đó ông lại tiếp tục nhập các máy chơi game từ Nhật Bản rồi đặt trong ký túc xá ở các trường đại học và những quán ăn. Nhờ đó ông kiếm thêm 1,5 triệu USD nữa và tổng cộng ông đã thu về 3,2 triệu USD, tương đương với hơn 18 triệu USD nếu tính theo tỷ giá ở thời điểm hiện tại. Quan trọng hơn là ông làm tất cả điều đó chỉ trong vòng 18 tháng.
Hành trình xây dựng SoftBank
Son nhớ lại những ngày đầu của SoftBank: "Khi đó công ty chỉ có vỏn vẹn hai nhân viên làm việc part-time". Đến một ngày, Son đứng trước mặt họ rồi hét lên: "Các bạn phải nghe lời tôi, vì tôi là Chủ tịch của công ty này. Trong vòng 5 năm tới, công ty sẽ thu về 75 triệu USD doanh số bán hàng, có 1.000 nhà phân phối và đạt ngôi vị số một trong lĩnh vực bán phần mềm".
Thử đoán xem, hai nhân viên kia sẽ nghĩ gì khi vị chủ tịch "thao thao bất tuyệt" về những cột mốc vĩ đại, trong lúc công ty chỉ có một văn phòng nhỏ và không có tài sản nào đáng chú ý. "Họ nghĩ tôi bị điên, và cả hai người đều nghỉ việc ngay sau đó", Son kể lại.
Có những thời điểm mọi người nghĩ Masayoshi Son là kẻ "điên". |
Tất cả những tuyên bố tưởng chừng là hoang tưởng của Son đều đã thành sự thật. Trong giai đoạn từ 2009 – 2014, vốn hóa thị trường của Softbank đã tăng trưởng tới 557%, mức tăng trưởng cao thứ 4 trong lịch sử toàn thế giới.
"Khi mới trở về Nhật Bản, tôi chẳng có gì trong tay". Khởi đầu của Masayoshi Son khó khăn hơn ai hết. "Tôi chẳng có một đồng vốn nào, trong khi phải nuôi vợ và con. Mọi người hoài nghi về tôi, họ không hiểu tại sao một người được đào tạo tại Mỹ lại không có công ăn việc làm. Tôi dành tất cả thời gian để suy nghĩ, suy nghĩ và suy nghĩ. Đồng thời, tôi mua sách và đọc mọi tài liệu, chuẩn bị mọi thứ cho những gì mình sẽ làm trong 50 năm tới".
"Cuối cùng, tôi lập ra danh sách 40 lĩnh vực mình có thể theo đuổi. Trước khi đưa ra quyết định, tôi muốn đảm bảo hai tiêu chí. Thứ nhất, đó phải là công việc đủ sức tạo cho tôi niềm đam mê và cảm hứng ít nhất sau 50 năm nữa. Thứ hai, tôi sẽ không làm công việc nào quá dễ dàng, bởi các đối thủ có thể nhìn thấy tiềm năng và bắt chước rất nhanh".
Ông ghi tất cả chúng ra giấy, tính toán mọi thứ để đánh giá, tìm ra đâu là lĩnh vực mình nên lựa chọn. Ông nhận thấy phần mềm máy tính là một ngành nổi trội hơn cả. Đây chính là khởi nguồn của quyết định thành lập SoftBank.
Đó là Masayoshi Son ở tuổi 19. Còn hiện tại, ông thậm chí tuyên bố mình đã lập kế hoạch phát triển SoftBank cho quãng thời gian... 300 năm tới. "Tôi muốn xây dựng một doanh nghiệp có thể tồn tại đến muôn đời", Son nói về triết lý phát triển doanh nghiệp của mình.
Những phi vụ đầu tư kỷ lục
Nhiều người sẽ nghĩ Son là một kẻ cầu toàn khi lên kế hoạch cho quãng thời quá xa. Nhưng không, trong lĩnh vực đầu tư, Son lại nổi tiếng là một kẻ có máu liều lĩnh. Ông bỏ hàng trăm triệu USD đầu tư những công ty chưa có tiếng tăm gì.
"Nếu phải nói về thứ mà tôi tự cho rằng mình hơn người khác, thì đó chính là khả năng nhìn trước tương lai của doanh nghiệp. Đúng như vậy, nếu ví doanh nghiệp như một cái cây, thì tôi có thể chỉ ra cái cây nào sẽ cho ra trái ngọt, ngay khi nó mới chỉ là một hạt mầm bé nhỏ".
Nói về nguy cơ khi đầu tư mạo hiểm, Son thẳng thắn trả lời: "Tôi sẵn sàng liều lĩnh và chấp nhận mọi rủi ro xảy ra".
Khi Yahoo mới thành lập vào giai đoạn 1995, Son đã ngay lập tức tiếp cận lãnh đạo Yahoo, và chào mời mua gần 40% cổ phần công ty với giá 105 triệu USD. Đề nghị này đã làm chính sáng lập gia Yahoo – ông David Yang phải ngỡ ngàng.
“Ai cũng nghĩ ông ấy bị điên. Vì chỉ có điên mới bỏ ra 100 triệu USD mua cổ phần một công ty còn trứng nước. Nhưng đơn giản là vì ông ấy đã nhìn được trước viễn cảnh của 15 năm sau”. Ông Son đã đúng. Sau gần 2 thập kỷ những người chủ vô danh năm nào của Yahoo nay đã trở thànhtỷ phú, khoản đầu tư của ông đã tăng lãi hàng chục lần.
Masayoshi Son và Jack Ma khi ông đầu tư vào Alibaba. |
Nói đến các phi vụ đầu tư thành công của SoftBank, không thể không kể tới trường hợp của Alibaba. Vào năm 2000, sau 6 phút gặp gỡ và làm quen với Jack Ma Son bỏ ra 20 triệu USD đặt cược vào Alibaba – lúc đó chỉ là một cổng điện tử nhỏ kết nối các nhà sản xuất Trung Quốc với người mua ở nước ngoài.
"Đôi mắt ánh lên sự quyết tâm, cùng với bản năng kinh doanh của Jack Ma đã thuyết phục được tôi", Son lý giải vì sao mình quyết định dành đầu tư vào Alibaba.
Năm 2014, khi Uber đang thống trị thị trường taxi công nghệ, tỷ phú Masayoshi Son liều lĩnh đặt niềm tin vào Grab khi quyết định trao 250 triệu USD cho Anthony Tan - CEO Grab. Mức độ thành công của thương vụ này ra sao thì ai cũng đã rõ.
Người ta kể nhiều câu chuyện về Son khi ông đầu tư vào kẻ khác, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi Son đóng vai người đi kêu gọi vốn. Khi Hoàng tử Ả Rập bay tới Tokyo để tìm kiếm đối tác làm ăn, Son chớp lấy cơ hội và tạo nên một cuộc gọi vốn không tưởng: "Tôi chỉ mất 45 phút để được đầu tư 45 triệu USD, hay nói cách khác, cứ 1 phút trôi qua, tôi kêu gọi được 1 triệu USD". Son kể lại trong sự ngỡ ngàng của cả khán phòng. "Tôi nói với ông ta: Hãy đưa cho tôi 100 triệu USD, tôi sẽ trả lại ông 1 tỷ USD".
Tuy không được may mắn khi sinh ra và lớn lên trong sự kì thị chủng tộc nhưng “tỷ phú liều ăn nhiều” Masayoshi Son đã không bỏ cuộc và luôn luôn cố gắng hết mình để thành công. Điều này đã biến ông trở thành hình mẫu lí tưởng cũng như nguồn cảm hứng cho rất nhiều thế hệ trẻ em Nhật Bản có gốc gác Triều Tiên.
Vào tháng 8/2012, tỷ phú Son sở hữu khối tài sản ròng trị giá 9,79 tỷ USD. Bảy năm sau, ông có 21,1 tỷ USD.
Mới đây, Softbank và quỹ Vison Fund được dẫn dắt bởi tỷ phú Masayoshi Son hiện đang kiểm soát ARM - hãng thiết kế vi xử lý có trụ sở ở nước Anh vừa tuyên bố "nghỉ chơi" với Huawei khi chính phủ Mỹ đưa hãng công nghệ Trung Quốc này vào danh sách đen. "Cái hất tay" của ARM được đánh giá là một đòn đánh mang tính quyết định dành cho ông lớn số 1 thị trường smartphone Trung Quốc.
Ngày 5/6, Tập đoàn SoftBank tiếp tục cho biết đã hoàn tất thương vụ được công bố vào năm 2016, chuyển nhượng 73 triệu chứng chỉ tín thác của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) mà công ty này đang nắm giữ.
Advertisement
Advertisement