14/08/2020 07:41
Siêu dự án 10 tỷ USD của Hoa Sen phá sản vì sức ép từ thép Trung Quốc
Asian Nikkei Review cho rằng: "Cây kim cuối cùng châm bể quả bóng dự án của Tập đoàn Hoa Sen là sức ép từ Trung Quốc”.
Cuối tháng 7 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen thông báo rút khỏi dự án Cảng tổng hợp quốc tế và Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná. Đây được xem là siêu dự án trị giá 10 tỷ USD, từng được ông Lê Phước Vũ kỳ vọng là bước ngoặt “đổi đời” cho tập đoàn này, khi công suất dự kiến lên đến 16 triệu tấn/năm.
Đại diện Hoa Sen giải thích: “Trong bối cảnh hiện nay, sự chuyển biến của tình hình khách quan đã không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi tập đoàn xúc tiến đầu tư các dự án”.
Phối cảnh siêu dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen. Đồ hoạ: Hoa Sen Group |
Tuy nhiên, theo Asian Nikkei Review, chính thị trường thép Đông Nam Á đang bão hòa đã làm nản lòng kế hoạch làm chủ nguồn nguyên liệu cơ bản trong ngành vật liệu xây dựng của Hoa Sen.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, Việt Nam đã sản xuất 20 triệu tấn thép thô vào năm 2019, tăng 30% và gấp 5 lần sản lượng của Thái Lan. Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về cả sản xuất và tiêu thụ thép. Ngay từ năm 2017, Thép Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan và Tập đoàn Hòa Phát của Việt Nam, hai nhà sản xuất thép lớn nhất và đầu tiên tại Việt Nam, đã xây dựng các lò cao sản xuất thép với quy mô lớn.
Thế nhưng Asian Nikkei Review nhận định: “Cây kim cuối cùng châm bể quả bóng dự án của Tập đoàn Hoa Sen là sức ép từ Trung Quốc”. Quốc gia này hiện sản xuất khoảng 60% lượng thép toàn cầu. Nhiều năm trước, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã chuyển sang các nước láng giềng Đông Nam Á, để cắt giảm tình trạng dư thừa công suất trong nước và tránh ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Nhiều nguồn tin của tạp chí này tiết lộ rằng, các công ty Trung Quốc đang có kế hoạch tăng công suất thép hàng năm ở Đông Nam Á thêm 40 triệu đến 50 triệu tấn. Bằng chứng là Alliance Steel của Trung Quốc đã khởi động khu liên hợp sản xuất thép lớn nhất Malaysia vào năm 2018.
Do hoạt động của Trung Quốc, giá thép cuộn cán nóng ở Đông Á đã giảm mạnh kể từ năm 2018. Việt Nam đặc biệt chịu ảnh hưởng từ diễn biến thị trường này, do phụ thuộc vào nhập khẩu thép cuộn cán nóng và không áp thuế đối với sản phẩm đó.
Sự phát triển áp đảo của ngành thép Trung Quốc làm tan mộng ông Lê Phước Vũ. Ảnh: Reuters |
Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu thép cuộn cán nóng để chế tạo máy móc, thiết bị và các loại sản phẩm khác. Khoảng 60% nhu cầu của Việt Nam được đáp ứng bằng hàng nhập khẩu, phần lớn đến từ Trung Quốc.
Yeoh Wee Jin, Tổng thư ký Viện Sắt và Thép Đông Nam Á, ước tính ngành thép trong khu vực đang dư thừa khoảng 20 triệu tấn. Nếu các nhà sản xuất thép, bao gồm cả các công ty Trung Quốc, đạt được sản lượng đúng kế hoạch của họ, khoảng cách giữa cung và cầu sẽ tăng lên tới 88,6 triệu tấn.
Ngoài ra, siêu dự án thép Cà Ná của Hoa Sen còn “chết yểu” vì các nhà sản xuất thép Việt Nam đang bị công chúng giám sát chặt chẽ về vấn đề ô nhiễm. Sức ép này dâng cao sau sự cố năm 2016, Formosa Hà Tĩnh đã gây ra vụ ô nhiễm lan rộng một vùng biển Bắc Trung Bộ.
Năm 2017, một năm sau khi siêu dự án của Hoa Sen nằm trên giấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng và đề nghị tỉnh Ninh Thuận tính toán kỹ hơn các vấn đề môi trường, nhu cầu thép trong nước cũng như tổng mức đầu tư dự án.
Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ đã cố gắng vận động các cổ đông ủng hộ siêu dự án thép này, nhấn mạnh lợi nhuận dồi dào đạt được và kêu gọi họ không lo sợ về sự cố tương tự như Formosa. Nhưng thị trường thép bất ngờ chao đảo khiến ông chủ Hoa Sen phải từ bỏ dự án.
Advertisement
Advertisement