19/06/2017 02:54
Siết tín dụng, doanh nghiệp địa ốc tìm vốn ngoại giá rẻ
Sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, việc vay vốn từ ngân hàng ngày càng khó thì nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chuyển hướng, vay hàng trăm triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài để phát triển dự án. Điều này giúp đôi bên cùng có lợi và mở ra hướng đi mới cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Hướng đi mới
Từ ngày 1/1/2017, Thông tư 06/2016 về siết tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của Ngân hàng Nhà nước đã nânghệ số rủi ro của các khoảnkinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% và tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng cũng giảm từ 60% xuống 50%.
Những quy định trênđã khiến dòng vốn cho bất động sản bị hẹp lại. Trong cái khó đãló cái khôn, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đã chủ động vay tiền từ các quỹ đầu tư, đối tác nước ngoài để phát triển dự án với lãi suất thấp hơn ngân hàng trong nước.
Đến quý III năm nay, Tập đoàn Nam Long sẽ mở bán dự án Mizuki Park ở huyện Bình Chánh với tổng vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng. Trong đó, Nam Long góp 4.000 tỉ đồng,hai đối tác Nhật Bản là Hankyu Realty đến từ Osaka và Nishi Nippon Railroad đến từ Fukuoka sẽ góp 4.000 tỉ đồng.
Ông Chu Chee Kwang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Long cho biết, Mizuki Park là điểm son đánh dấu sự hợp tác của Nam Long với hai đối tác Nhật Bản. Mizuki Park là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà công ty Nhật đầu tư cùng Nam Long sau ba dự án Fuji Residence, Kikyo Residence và Flora Anh Đào.Mizuki Park không chỉ đơn thuần được hai đối tác Nhật Bản hỗ trợ về vốn như những dự án trước mà còn được hỗ trợ về mặt quản lý dự án, thiết kế và phát triển sản phẩm.
Tọa lạc đại lộ Nguyễn Văn Linh với 10 làn xe, 26ha của Khu đô thị Mizuki Park gồm 4.676 căn hộ biệt lập Mizuki Park, khoảng 170 nhà phố Valora Mizuki, biệt thự Valora Island và khu villa với hàng loạt các tiện ích đa dạng như đường dạo bộ rộng 20m, tuyến xe đạp 2,5km dọc kênh nhân tạo và trục đường chính, 1,7ha hồ cảnh quan, hơn 75.000m2 cây xanh…
“Để chuẩn bị cho sự phát triển bền vững trong 10 năm tới, chúng tôi có 500ha đất tại những vị trí tốt. Công ty hiện có các cổ đông và đối tác chiến lược quốc tế như Nam Viet Ltd, IFC, Ibeworth với những hỗ trợ về quản lí tài chính và kinh nghiệm phát triển bất động sản áp dụng trong các dự án, liên doanh trong tương lai”, ông Chu Chee Kwang nói.
Trước đó, SonKim Land cũng vừa hoàn tất việc huy động vốn đầu tư từ thị trường quốc tế trị giá 100 triệu USD. Hai đối tác của SonKim Land trong việc huy động vốn lần này là EXS Capital và ACA Investments.
Khoản đầu tư này đã tạo điều kiện và nền tảng cho SonKim Land phát triển trongthời điểm đầy thách thức của thị trường bất động sản cũng như đem lại các khoản lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Kết quả của việc hợp tác thành công là minh chứng mạnh mẽ cho hiệu quả hoạt động của SonKim Land cũng như chiến lược đầu tư khác biệt của EXS Capital.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị SonKim Land cho biết, lần huy động vốn này là minh chứng thuyết phục về sự thành công của công ty tại thị trường bất động sản Việt Nam.Dòng vốn từ các quỹ đầu tư ngoại sẽ giúp SonKim Land hiện thực hóa chiến lược trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM và tránh phụ thuộc vào tín dụng từ ngân hàng.
Trong khi đó, An Gia Invesment cũng vay hàng trăm tỉ đồng từ Quỹ đầu tư Creed Group cuả Nhật Bản để phát triển dự án Saigon Panorama với bảy block. Trước đây, Saigon Panorama thuộc dự án Khu dân cư phức hợp Lacasa ở quận 7 của Tập đoàn Vạn Phát Hưng. Sau khi thâu tóm, An Gia đã đổi tên dự án để mở bán trong tháng 7 tới.
Để có tiền thâu tóm dự án, Quỹ đầu tư Creed Group cam kết rót 200 triệu USD vào An Gia Investment, đưa doanh nghiệp này trở thành công ty có hàng nghìn tỉ đồng tiền mặt. Đổi lại, An Gia sẽ trả cho Creed Group lãi suất 5% một năm.
Ông Lương Sĩ Khoa, Phó Chủ tịch An Gia Invesment cho rằng, lãi suất đó khá cạnh tranh so với vay tiền từ ngân hàng trong nước hiện nay. Việc tận dụng được nguồn vốn rẻ giúp doanh nghiệp an tâm chuẩn bị dự án.
Ngoài vay tiền mặt, nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán lại huy động vốn ngoại giá rẻ bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu, mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Rất nhiều doanh nghiệp ngành địa ốc và xây dựng đã thực hiện thành công theo cách này như Khang Điền, Thủ Đức House, Hòa Bình, Novaland...
Mảnh đất màu mỡ
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực bất động sản Việt Nam do nhìn thấy triển vọng của thị trường. Hơn nữa, Việt Nam cũng là điểm đầu tư rất an toàn và sinh lợi tốt.
Trong khi đó, Thông tư 06 sửa đổi đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành đangsiết tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải hợp tác với các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài để tìm nguồn vốn có lãi suất rẻ và dồi dào hơn để làm dự án.
“Đây là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản. Doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài và người mua nhà sẽ được hưởng lợi. Sắp tới, xu hướng hợp tác giữa các công ty trong nước với các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ bùng nổ hơn”, ông Châu nói.
Ông Masakazu Yamaguchi, Giám đốc Quỹ đầu tư Creed Group tại Việt Nam cho biết, lãi suất ngân hàng ở Nhật Bản chưa tới 1%/năm. Do đó, mang tiền ra nước ngoài đầu tư sẽ có lợi nhuận nhiều hơn.
“Việt Nam là thị trường ưu tiên của Creed Group. Hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và chúng tôi vẫn muốn đầu tư thêm vào đây”, ông Masakazu Yamaguchi nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, các công ty bất động sản vay tiền từ quỹ đầu tư nước ngoài là điều tốt và là xu hướng. Không chỉ có được dòng tiền giá rẻ, các doanh nghiệp Việt sẽ học hỏi được thêm cách quản lý, kiểm soát nội bộ, xử lý tình huống trong kinh doanh…
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay tiền từ các đối tác nước ngoài. Khi quyết định đầu tư vào công ty nào đó ở Việt Nam, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ chú trọng đến lợi nhuận mà thương vụ đầu tư đó mang lại, phân khúc sản phẩm, có đất sạch, uy tín doanh nghiệp và hoạt động minh bạch…
“Gửi tiền tiết kiệm ở nước ngoài, lãi suất chưa tới 1% còn cho doanh nghiệp Việt Nam vay từ 5-6% một năm. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt cũng đỡ gánh nặng lãi suất khi không phải vay tiền ngân hàng với lãi suất từ 10-12% một năm. Tôi biết, nhiều công ty bất động sản đã trích luôn lãi suất gửi lại cho đối tác ngay khi vừa nhận tiền. Làm như vậy, doanh nghiệp Việt vẫn có lợi vì tránh được rủi ro khi tiếp cận dòng vốn ngắn hạn, lãi suất thả nổi khi vay ngân hàng”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khuyến cáo, việc vay tiền từ các quỹ đầu tư nước ngoài chỉ nên thực hiện theo từng dự án chứ không bán cổ phần của công ty để tránh những rủi ro về sau. Hợp tác ở từng dự án, sau khi bàn giao nhà thì tất toán lợi nhuận. Còn bán cổ phần công ty để lấy vốn phát triển dự án sẽ dễ bị các quỹ đầu tư thâu tóm. Doanh nghiệp Việt từ vị thế đối tác sẽ trở thành kẻ làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp