Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Siết' cấp phép chung cư: Cân bằng lợi ích giữa đôi bên

Thay vì cứ “siết” việc cấp giấy phép xây dựng chung cư một cách máy móc, chính quyền TP nên ngồi lại cùng doanh nghiệp để giải quyết bài toán hạ tầng.

Mới đây, thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, đơn vị này sẽ không giải quyết cấp phép xây dựng cho những công trình cao ốc tập trung đông người trên các trục đường, khu vực chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt.

Theo đó, các dự án chung cư phải được đối chiếu với các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao... Những dự án nào có vị trí phù hợp với quy hoạch mới được giao đất, chấp thuận chủ đầu tư và cấp phép xây dựng.

UBND TP.HCM cũng giao cho Sở Giao thông - Vận tải thuê đơn vị tư vấn đề xuất quy trình để xem xét theo quy mô, phạm vi dự án, tác động về giao thông, trách nhiệm của chủ đầu tư cần phải làm gì... Từ đó, chủ đầu tư sẽ phân kỳ thực hiện dự án cho phù hợp với hạ tầng giao thông...

Đây được xem như một biện pháp để hạn chế tình trạng các cao ốc, chung cư mọc lên tràn lan khắp các tuyến đường của TP, “băm nát” quy hoạch đô thị, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, việc “siết” cấp phép nói trên, về lý thuyết là đúng, nhưng cũng cần “mềm mỏng” để tạo sự cân bằng lợi ích giữa đôi bên.

"Siết" cấp giấy phép xây dựng chung cư là chủ trương đúng, nhưng cũng cần hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM cho rằng, với nhiệm vụ đảm bảo về an sinh xã hội, quy hoạch thì quyết định của UBND TP.HCM hoàn toàn hợp lý và là việc phải làm.

Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến cho doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng rất nhiều.

Theo vị này, quá trình tạo lập 1 dự án của doanh nghiệp hiện nay thường phải mất vài năm, từ khâu mua quỹ đất, đền bù, xin chấp thuận chủ trương đầu tư và xin cấp phép xây dựng… Chỉ cần 1 khâu nào bị “tắc”, thiệt hại của doanh nghiệp chắc chắn là rất lớn.

“Tôi nói ví dụ, doanh nghiệp bỏ ra 200 tỷ đồng để mua đất xây dựng căn hộ. Tất cả các thủ tục khác đều đã xong, chỉ còn chờ cấp phép xây dựng để bán mà bỗng dưng không được làm nữa thì thiệt hại sẽ lớn cỡ nào. Chắc chắnkhông nằm ở con số 200 tỷ đó đâu”, vị này nói.

Chính vì thế, vị này cho rằng, dù phải đặt vấn đề an sinh xã hội lên hàng đầu, nhưng TP cũng nên thực hiện quyết định nói trên một cách có lộ trình và “mềm mỏng” để hai bên có thể tìm được tiếng nói chung.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa cho rằng, hiện nay, tại một số khu vực trung tâm TP, mật độ dân số đang quá đông, ảnh hưởng rất lớn hệ thống cơ sở hạ tầng, gây quá tải trường học, bệnh viện và gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng…

Theo ông Quang, sở dĩ có tình trạng nói trên, là do trong quá trình tình toán quy hoạch trước đây, chúng ta chưa lường trước được hết sự phát triển của quá trình đô thị hóa.

“Chẳng hạn, trước đây, mình chỉ tính là dân sẽ đi xe máy hay xe đạp, thì giờ đã có rất nhiều người sở hữu xe hơi, xe máy thì mỗi nhà cũng 2, 3 chiếc. Điều này đã gây ra áp lực lớn cho hạ tầng khi các dự án bất động sản phát triển ngày cành mạnh, dân số tập trung nhiều về một khu vực”, ông Quang đánh giá.

Theo ông Quang, hiện nay, các dự án trong trung tâm TP đã được cấp phéprất nhiều. Nếu tiếp tục cấp phép nữa thì sẽ là vấn đề lớn. Do đó, việc “siết” cấp giấy phép xây dựng chung cư là điều đáng hoan nghênh và là chủ trương đúng của TP.

Để hạn chế tình trạng chung cư mọc lên một cách vô tội vạ, ông Quang cho rằng, khi cấp giấy phép xây dựng, cơ quan chức năng cần xem xét một cách cẩn trọng về cơ sở hạ tầng, xem khu vực đó đường sá, cấp thoát nước… có đáp ứng được hay không rồi mới bàn tiếp về vấn đề mật độ dân số. Chứ không thể làm theo hình thức cũ là hễ cứ khu vực trung tâm thì mật độ dân số phải cao rồi cấp phép tràn lan.

Bên cạnh đó, ông Quang cũng cho rằng, TP nên có chính sách dãn dân hợp lý, dịch chuyển trung tâm TP về 1 khu vực khác như khu đô thị Thủ Thiêm để giảm áp lực hạ tầng lên khu trung tâm hiện tại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, chúng ta không nên quá kỳ thị phát triển các dự án cao tầng bởi đây là xu thế tất yếu trong quá trình đô thị hóa nhằm đảm bảo bảo sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả.

Tuy nhiên, khi phát triển các dự án này, cần phải thực hiện theo đúng theo quy hoạch và đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông đô thị.

Tức là, khi cho phép xây dựng một dự án, phải đảm bảo dự án đó không làm quá tải hệ thống hạ tầng xã hội, tăng ùn tắc giao thông, làm cho việc ngập lụt tăng lên….

Ông Châu cho rằng, chủ trương của TP về việc dừng cấp phép xây dựng ở những khu vực có ùn tắc về giao thông là đúng, thế nhưng, nên có sự thảo luận giữa nhà nước và chủ đầu tư.

Cụ thể, theo ông Châu, không nên cấm tuyệt đối, mà hai bên có thể ngồi lại với nhau để cùng đưa ra phương án giải quyết những vấn đề về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội… nơi doanh nghiệp định triển khai dự án. Từ đó, đảm bảo lợi ích chung, hài hòa giữa cả nhà đầu tư và xã hội.

“Anh làm dự án cao tầng, ùn tắc giao thông khu vực đó rất lớn, thì anh phải tham gia với chính quyền để tháo gỡ ùn tắc này. Chẳng hạn, trước đây, công ty Phú Mỹ Hưng xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP yêu cầu họ phải làm đường Nguyễn Văn Linh để kết nối phía Bắc huyện Nhà Bè với phía Nam huyện Bình Chánh. Hay như công ty Đại Quang Minh làm 4 đường vành đai quanh khu đô thị Thủ Thiêm… Những hạ tầng này không nằm trong dự án của họ, nhưng có thể kết nối liên khu vực, vừa giúp giảm quá tải hạ tầng giao thông, vừa khiến cho giá trị bất động sản của họ tăng cao”, ông Châu nói.

MINH NGHĨA
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement