08/10/2017 07:29
Sau vụ bơm thuốc vào 3.750 heo: TP.HCM 'vật lộn' quản miếng thịt
Cuối cùng thì người dân cũng tạm hài lòng với cách giải quyết đề nghị tiêu huỷ toàn bộ số heo bị phát hiện tiêm thuốc gây mê an thần Combistress của ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.
Không phải đến bây giờ câu chuyện heo cho ăn thuốc tăng trọng, bơm nước, chích thuốc an thần… mới được xới lên như những ngày qua, mà nó đã xảy ra từ rất lâu rồi. Chưa bao giờ người tiêu dùng mất lòng tin vào tính an toàn của miếng thịt đến như vậy. Không lẽ cơ quan chức năng đã hết cách quản lý?
Lập biên bản việc sử dụng thuốc an thần tiêm vào heo để cho chúng ngủ li bì trên xe. Còn các nhà chuyên môn thì khẳng định, chích Combistress vào con heo, chẳng khác nào đưa thuốc độc vào miếng thịt.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc công ty TNHH dịch vụ An Hạ, khẳng định tình trạng thương lái chích thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ diễn ra nhiều năm nay rồi. Bà Thắm nhớ có đến ba lần bà nêu vấn đề này với cơ quan thú y TP.HCM, đồng thời yêu cầu được gắn camera ở lò mổ Xuyên Á theo dõi, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “ậm ừ” rồi để đó. Tại lò Xuyên Á, nơi có hơn 20 thương lái thuê giết mổ số lượng 4.000 – 5.000 con heo mỗi đêm, có 17 cán bộ thú y túc trực ngay tại cổng giám sát, nhưng bà Thắm khẳng định chừng đó là chưa đủ, vì có khi con heo đã được chích thuốc trên đường vận chuyển. “Rất nhiều lần tui bức xúc lên tiếng nhưng không nhận được sự hợp tác”, bà Thắm tâm sự.
Combistress là loại thuốc mê, được chỉ định sử dụng cho các loại thú nói chung nhằm mục đích gây mê trong quá trình phẫu thuật, giảm stress sinh sản... Chẳng hạn như khi người ta cưa sừng hươu, nai, trâu, bò thì phải sử dụng Combistress gây mê cho con vật khỏi đau, khỏi giãy giụa. Hay những loài vật hung dữ, thể trọng to lớn… lúc sinh sản thường xảy ra tình trạng đè lên con, người ta cũng dùng Combistress cho chúng ngủ một thời gian… Combistress tuyệt đối không được chỉ định sử dụng chích vào con heo trước khi giết mổ, vì khi thuốc còn tồn dư trong thịt, người ăn phải dễ dẫn đến nguy cơ gây mục xương, ung thư tuỷ, giảm hồng cầu.
Rõ ràng, quy trình giám sát giết mổ hiện nay đang có lỗ hổng “chết người”; cán bộ thú y có khi là “lười biếng” không kiểm tra chặt chẽ tình trạng sức khoẻ từng con heo trước khi đưa vào giết mổ, không loại trừ còn tiếp tay cho thương lái làm bậy.
Không hiểu bằng cách nào thương lái Việt Nam học được bí quyết chích Combistress vào heo để giúp miếng thịt có màu sắc đẹp, dẻo đùi, dẻo nạc, vì chẳng có nơi nào trên thế giới áp dụng cách làm này. Theo giới thương lái, trường hợp con heo bị cho ăn thuốc tăng trọng dẫn đến thể trạng quá cỡ, khi vận chuyển, chúng thường giãy giụa cũng dễ dẫn đến gãy chân, gãy đùi, thịt bị thâm, thậm chíbị chết nên phải sử dụng Combistressđể cho chúng ngủ li bì trên xe. Còn các nhà chuyên môn thì khẳng định, chích Combistress vào con heo, chẳng khác nào đưa thuốc độc vào miếng thịt.
Một thương lái tên T., ở Đồng Nai, hàng đêm vẫn đưa vài trăm con heo từ vùng Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai) về một lò mổ ở quận 12, TP.HCM, khẳng định không riêng gì lò Xuyên Á, ở hầu hết các lò giết mổ khác cũng có tình trạng thương lái chích thuốc hoặc bơm nước vào con heo. Ngay cả một số công ty kinh doanh thực phẩm lớn ở thành phố, có lò mổ riêng, nhưng một khi họ phải mua heo hơi qua thương lái cũng không thể kiểm soát hết được tình trạng heo bị bơm nước, chích thuốc.
Thường, chủ lò mổ chỉ xây ra cái lò rồi cho thương lái đến thuê. Họ không giám sát được đêm hôm người thuê làm việc gì trong đó. Còn thương lái, họ mua heo từ khắp nơi, nhưng tuyệt đối không có cơ quan chức năng nào giám sát họ. Ông T. giải thích: một thương lái có thể mua heo từ các vùng ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… rồi chở về khu nuôi nhốt nào đó. Đến 8, 9 giờ tối, họ bắt đầu bơm nước cho tăng trọng lượng, chích thuốc an thần, sau đó chở đến lò mổ thuê sẵn để làm thịt rồi chở thẳng ra thị trường mà không có ai phát hiện. Cũng có khi họ bơm, chích ngay tại lò mổ.
Trong khi đó, cơ chế giám sát tại các lò mổ dù vẫn có lực lượng thú y, nhưng quy trình chỉ dừng lại ở việc kiểm tra lâm sàng. Nghĩa là kiểm tra theo kiểu thầy bói xem voi. “Ở mỗi cổng lò mổ, cán bộ thú y ngồi trong phòng làm việc, thương lái đem giấy tờ lô hàng vào cho họ xem qua loa, ký cái rụp rồi đóng dấu, thu tiền kiểm dịch 7.000 đồng/con heo. Sau đó là xe heo được qua cổng…!”, ông T. giải thích ngắn gọn quy trình.
“Trong lò Xuyên Á cũng có nhiều thương lái tốt, nhưng họ gặp nhiều người xung quanh làm ăn gian dối, riết rồi người tốt cũng thành xấu, vì nếu không làm bậy sẽ không thể cạnh tranh được!”, bà Thắm khẳng định như vậy.
Một cán bộ C49 tiết lộ sau hơn một tháng trinh sát tại lò mổ Xuyên Á, họ ghi nhận tình trạng các công nhân ở đây chích thuốc an thần rất công khai chứ không lén lút, rình rập như cách mà cơ quan thú y TP.HCM giải thích trước công luận. Quy trình chích thuốc cũng rất chuyên nghiệp, theo dạng công nghiệp: dung dịch Combistress được bỏ vào chai lớn, khi từng con heo đưa vào một luồng thì công nhân cứ thế cầm kim tiêm chích vào lần lượt từng con, chích xong có người cầm chổi sơn đánh dấu.
Còn một thương lái thì giải thích cách bơm nước như sau: trên xe chở heo, một công nhân cầm ống nước bằng ngón chân cái, đút thẳng vào họng từng con heo. Nước bơm thuỷ cục rất mạnh nên con heo cứ thế ngửa cổ ra cho nước tống thẳng vào dạ dày…
TP.HCM tiêu thụ mỗi ngày hơn 10.000 con heo, có đến 7.000 – 8.000 con được giết mổ tại các lò nội thành. Công việc này đang được khoán trắng cho hàng trăm thương lái, nhưng không phải ông nào cũng có cái tâm trong sáng. Thương lái luôn vì mục đích lợi nhuận, nên có thể một số người có tâm làm ăn đàng hoàng, nhưng khi gặp môi trường làm ăn “bẩn” họ phải chấp nhận hùa theo.
Advertisement