Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sau Vinamilk, bao giờ Habeco, Sabeco công bố lộ trình thoái vốn?

Chứng khoán

14/08/2017 10:41

Năm 2016 và bây giờ là hơn một nửa chặng đường của năm 2017, nhưng lộ trình thoái vốn nhà nước của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vẫn chưa được công bố.

Vinamilk: Nhà nước sẽ giảm sở hữu xuống 36% vốn điều lệ

Theo phương án thoái vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong năm 2017, SCIC sẽ thoái tiếp khoảng 3,33% vốn điều lệ Vinamilk, đưa tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước sau thoái vốn năm 2017 về mức 36%.

Lý giải về điều này, SCIC cho rằng, 36% là tỷ lệ sở hữu an toàn, đủ để cho cổ đông nhà nước có tiếng nói trọng yếu trong các quyết định tại Vinamilk.

Theo Điều lệ Vinamilk sửa đổi, bổ sung năm 2017, điều kiện tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông và thông qua các nội dung là 65% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông có mặt trực tiếp hoặc thông qua người được quyền dự họp có mặt tại Đại hội.

Riêng nội dung sửa đổi, điều chỉnh tên Công ty (tiếng Anh và tiếng Việt), tên viết tắt…, phải được sự thông qua của ít nhất 85% số phiếu. Với các giao dịch mua, bán tài sản Công ty hoặc các đơn vị trực thuộc thực hiện có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản Công ty tính theo báo cáo tài chính gần nhất, phải được thông qua bởi ít nhất 75% số phiếu.

Như vậy, tỷ lệ sở hữu 36% vốn điều lệ Vinamilk của SCIC sẽ đảm bảo 1 lá phiếu phủ quyết chắc chắn của cổ đông này trong mọi trường hợp. Đặc biệt, vấn đề lo mất thương hiệu Việt sẽ khó xảy ra, khi phương án thay đổi tên chỉ được thông qua nếu được 85% số phiếu chấp thuận. Theo đó, SCIC giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk, nhưng không bị mất vị thế.

Tuy nhiên, theo Công văn số 2463/UBCK-QLCB ngày 11/5/2016 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc lưu ý thực hiện Thông tư số 121/2012/TT-BTC theo tinh thần Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì điều kiện về việc tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông sẽ thực hiện theo Điều 141, Luật Doanh nghiệp và việc thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông phải theo Điều 144, Luật Doanh nghiệp, với tỷ lệ thông qua là 51% vốn điều lệ và 51% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Công văn số 1183/UBCK-QLCB gửi các công ty đại chúng về một số vấn đề lưu ý khi tổ chức Đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2016.

Theo đó, trong trường hợp điều lệ công ty yêu cầu một tỷ lệ cao hơn với điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông và thông qua quyết định, thì điều lệ này phải được thông qua bằng một cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, với yêu cầu, điều kiện như quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Căn cứ vào 2 công văn nêu trên, yếu tố giúp SCIC giữ vị thế phủ quyết tại Vinamilk có thể bị xem lại.

Sabeco, Habeco: Đã có đơn vị tư vấn và định giá

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016, thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco phải được thực hiện trong năm 2016, nhưng đến nay, thoái vốn bằng cách nào vẫn còn là câu hỏi.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý định muốn trở thành đối tác chiến lược, thậm chí mua thâu tóm Habeco, Sabeco. Nhưng cơ hội để một nhà đầu tư nước ngoài mua nắm cổ phần chi phối (sở hữu từ 51% vốn điều lệ) tại 2 tổng công ty này là không thể, trong bối cảnh pháp lý và hiện trạng doanh nghiệp hiện nay.

Cụ thể, với các ngành nghề đăng ký kinh doanh hiện tại, thì theo quy định, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco và Habeco tối đa là 49% vốn điều lệ.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, hiện tại, Sabeco và Habeco đã có đơn vị tư vấn và định giá. Định giá 2 tổng công ty này đã có, nhưng đang trong giai đoạn xem xét và trình phê duyệt, trong đó định giá Sabeco thấp hơn so với vốn hóa thị trường hiện nay.

Để chốt phương án thực hiện thoái vốn nhà nước tại 2 tổng công ty, sẽ cần ít nhất 2 bước về mặt thủ tục, bao gồm thông qua định giá vốn nhà nước tại Habeco, Sabeco và cân nhắc thay đổi Điều lệ hoạt động, tùy theo phương án thoái vốn.

Tại Habeco, từ khi cổ phần hóa, Tổng công ty đã ký hợp đồng đối tác chiến lược với Carlsberg Breweries A/S (Carlsberg) và đối tác này luôn thể hiện ý định tiếp tục đầu tư vào Habeco (Carlsberg đang nắm giữ hơn 17% cổ phần Habeco), nhưng mức giá dự kiến mua thấp hơn nhiều giá giao dịch trên sàn.

Bộ Công thương đã nhiều lần làm việc với Carlsberg nhằm xử lý vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác (ưu tiên mua lại cổ phần khi Nhà nước thoái vốn) đã ký trước đó, nhưng chưa hoàn tất.

Không giải phóng được những ràng buộc với Carlsberg, cách duy nhất để Bộ Công thương không phải bán cổ phần Habeco cho đối tác này là giữ nguyên Điều lệ, ngành nghề kinh doanh và thực hiện bán theo lô lớn (hơn 49% trở lên).

Khi đó, Carlsberg, với sở hữu tỷ lệ 17% như hiện nay, sẽ không thể tham gia đợt đấu giá vì vướng giới hạn tỷ lệ sở hữu, đồng thời cơ hội thâu tóm doanh nghiệp (sở hữu từ 51% vốn điều lệ) sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư trong nước.

Với Sabeco, việc thoái vốn nhà nước có thể thuận lợi hơn, nhưng bị vướng vì quy mô vốn hóa quá lớn và định giá hợp lý đang thấp hơn vốn hóa thị trường.

Trong trường hợp cổ đông nhà nước muốn thoái vốn lô lớn (từ 49% vốn điều lệ) và để cho đối tác nước ngoài tham gia, thì cả 2 tổng công ty đều phải sửa ngành nghề đăng ký kinh doanh, điều lệ… để phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư và cam kết WTO.

Trường hợp ưu tiên bán cổ phần cho nhà nhà đầu tư trong nước hoặc thoái vốn theo lô nhỏ hơn, hay bán theo hình thức đấu giá thông thường ra công chúng, Điều lệ của 2 tổng công ty có thể chưa cần phải sửa đổi.

UYÊN PHẠM (Tin nhanh chứng khoán)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement