20/12/2017 08:06
Sau Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim cũng muốn lấn sân qua ngành dược
Nguyễn Kim sẽ nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng từ 24% lên 51,14% nếu mua thành công 2.125.358 cổ phiếu LDP trong tháng 1/2018.
Nắm quyền kiểm soát
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát tirển Nguyễn Kim vừa công bố, sẽ đăng ký mua 2.125.358 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (LDP). Chốt phiên giao dịch ngày 19/12, LDP có giá 34.000 đồng/cổ phiếu nhưng giá chào mua tối đa mà Nguyễn Kim trả cho mỗi cổ phiếu của LDP là 32.000 đồng. Thời gian hoàn tất việc chào mua là ngày 23/1/2018.
Theo Nguyễn Kim, mục đích chào mua là tăng tỷ lệ sở hữu tại LDP từ 24% lên 51,14%. Đồng thời chuyển từ công ty liên kết thành công ty con của Nguyễn Kim Group. Sau chào mua, LDP sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất nông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu.
Tình hình tài chính trong hai năm gần nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. |
Trước đó vào ngày 11/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản số 8331/UBCK-QLCB cho phép Nguyễn Kim chào mua cổ phiếu của LDP. Ngoài LDP, Nguyễn Kim còn đầu tư vào Dược 3/2.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim có mã số doanh nghiệp là 0304852408, vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản. Địa chỉ công ty ở 198, Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM. Công ty này do ông Nguyễn Văn Kim làm Chủ tịch Hội đồng quản trị dù ông không nắm bất cứ cổ phần nào.
Ông Nguyễn Văn Kim được biết đến nhiều hơn với vai trò là là người sáng lập Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, hiện là đơn vị vận hành chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Năm 2015 Central Group, được điều hành bởi gia đình tỷ phú Thái Lan Chirathivat của Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần của Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim.
Thời gian gần đây, một số chuỗi điện máy đình đám như Thế giới Di động, FPT Retail hay Digiworld cũng quyết định tấn công vào thị trường dược phẩm và phân phối dược phẩm với tham vọng định hình lại thị trường.
Dù là Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng ông Nguyễn Văn Kim không nắm bất cứ cổ phần nào của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. |
Theo số liệu từ Business Monitor International (BMI) trong báo cáo về ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam, quy mô thị trường ước tính đạt doanh số 4,7 tỉ USD năm 2016, tăng trưởng 13% so với năm trước đó và sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong 5 năm tiếp theo. Trong đó, doanh số bán lẻ dược phẩm chiếm một phần ba về giá trị, tương đương 1,56 tỉ USD.
Mua từ ai?
Theo Công ty Chứng khoán SSI, nhiều khả năng việc chào mua cổ phiếu của Nguyễn Kim cũng sẽ được thực hiện thông qua giao dịch thỏa thuận. Việc này cũng giống như thương vụ Nguyễn Kim mua 24% vốn điều lệ của LDP vào cuối năm 2014.
Có một trùng hợp khá thú vị là sau thông tin Nguyễn Kim muốn thâu tóm LDP, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng ra thông báo sẽ thoái hết vốn tại Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng.
Cụ thể, SCIC sẽ đăng ký bán hết toàn bộ gần 2,5 triệu cổ phiếu LDP. Số cổ phần mà SCIC muốn thoái tương ứng 31,88% vốn điều lệ của LDP.
|
Trong khi đó, tại Nghị quyết số 363/NQ-HĐQT-LDP của Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng cũng đã thống nhất việc chào mua công khai 2.125.358 cổ phiếu LDP từ Nguyễn Kim.
Nếu mua thành công 2.125.358 cổ phiếu LDP của Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng, Nguyễn Kim sẽ nâng tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này từ 24% lên 51,14%. Như vậy, Nguyễn Kim sẽ hoàn toàn kiểm soát LDP.
Bởi theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 thì tỉ lệ điều kiện để tổ chức đại hội cổ đông lần 1 chỉ còn 51% vốn điều llệ.
Cụ thể, theo Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2014, điều kiện tiến hành họp đại hội cổ đông lần đầu được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phiếu biểu quyết, lần 2 là 33% và không quy định tỉ lệ cho lần họp thứ 3 mà do Điều lệ công ty quy định.
Về điều kiện để thông qua Nghị quyết đại hội cổ đông, Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, một số nội dung như loại cổ phần, số lượng cổ phần chào bán, thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, tổ chức, giải thể công ty… phải đạt ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Các nội dung khác phải đạt ít nhất 51%.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp