22/10/2019 17:05
Sau Libra của Facebook, xu hướng phát hành tiền ảo sẽ lan ra toàn cầu
Libra của Facebook được khởi động chính là dấu hiệu cho thấy tiền ảo sẽ là tương lai tất yếu của thị trường tiền tệ thế giới.
Vì không chỉ có Libra của Facebook, JPM Coin của JP Morgan Chase, mà chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng đầu của Mỹ Walmart cũng đang trong tiến trình phát hành đồng tiền kỹ thuật số riêng, có thể đóng vai trò tương tự một thẻ giao dịch và được chốt bằng đồng USD. Xu hướng này còn mở rộng tại nhiều nước trên thế giới, đáng chú ý là Trung Quốc.
Theo Bloomberg, Walmart vừa nộp đơn xin bằng sáng chế cho cách sử dụng đồng tiền kỹ thuật số có giá trị gắn liền với tiền tệ truyền thống. Đồng kỹ thuật số có thể cho phép thực hiện giao dịch rẻ hơn, nhanh hơn và cung cấp cho người dùng nhiều tính năng như dạng khách hàng thân thiết, hồ sơ do Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ công bố hôm 1/8 cho hay.
Song ngay cả khi bằng sáng chế được chấp thuận, Walmart vẫn chưa tiến gần đến chỗ tung ra đồng mã hóa như Libra của Facebook. Kory Lundberg, phát ngôn viên Walmart, cho biết hãng không có kế hoạch cụ thể về bằng sáng chế kể trên ở thời điểm này.
Ảnh minh hoạ. |
Bằng sáng chế được Walmart Apollo nộp vào ngày 29/1. Công ty cho biết họ muốn có bằng sáng chế cho phương pháp tạo ra đồng tiền ''động'' và ghi lại các giao dịch trên blockchain, sổ cái kỹ thuật số và là công nghệ đứng sau đồng mã hóa phổ biến nhất thế giới bitcoin. Walmart Apollo muốn phủ thông tin giao dịch với lịch sử mua hàng và khoản tiết kiệm của khách hàng.
Walmart là một trong các công ty Mỹ đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ blockchain. Công ty đã sử dụng blockchain để theo dõi sản phẩm đi trong chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp khác thì xem xét phát hành đồng kỹ thuật số thay vì tung điểm thưởng, hoặc xem xét sử dụng đồng mã hóa để tạo điều kiện cho giao dịch rẻ hơn, nhanh hơn so với hệ thống thanh toán hiện thời.
Khởi đầu từ Libra của Facebook
Giữa tháng 6 vừa qua, mạng xã hội Facebook chính thức công bố sẽ phát hành đồng tiền ảo Libra trong năm 2020. Đơn vị này cũng cho biết sẽ liên kết với 27 đối tác hình thành tổ chức Libra Association để quản lý đồng tiền ảo mới, trong đó có Mastercard, Visa, Spotify, PayPal, eBay, Uber, Vodafone...
Facebook có thành công trong dự án này hay không vẫn chưa rõ khi nhiều nước đang tỏ ra thận trọng. Đặc biệt theo CNBC, ngày 11/7 Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra thông điệp trên Twitter cho rằng Facebook cần giấy phép để hoạt động như ngân hàng nếu muốn tung ra đồng tiền số Libra. Tổng thống Trump nhấn mạnh tiền kỹ thuật số không phải tài sản và nếu không được kiểm soát có thể tạo điều kiện cho các hành vi bất hợp pháp, bao gồm buôn bán ma túy và các hoạt động vi phạm pháp luật khác.
Facebook đã bắt đầu xu hướng phát hành tiền ảo trên thế giới. |
Tổng thống Mỹ không phải người duy nhất chỉ trích đồng Libra của Facebook. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Jerome Powell ngày 10/7 cũng cho rằng kế hoạch phát hành tiền ảo Libra của Facebook "không thể tiến thêm" cho tới khi các mối lo ngại về dự án này được giải quyết xong. Ông Powell nói trong cuộc điều trần định kỳ trước Ủy ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện Mỹ là Libra đặt ra nhiều mối lo lớn về các vấn đề bảo mật, rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng và ổn định tài chính. FED đã thành lập một nhóm công tác theo dõi dự án Libra và phối hợp với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu về vấn đề này.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cũng là những người lên tiếng chống lại Libra.
Đến các ngân hàng Mỹ, Nhật
Thật ra trước khi Facebook công bố về đồng tiền ảo Libra, đầu năm nay ngân hàng lớn nhất Mỹ là JPMorgan Chase đã phát hành đồng tiền ảo có tên JPM Coin. Theo trang CNBC, đây là đồng tiền ảo đầu tiên được hậu thuẫn bởi một nhà băng hàng đầu tại nền kinh tế số 1 thế giới. Việc phát hành đồng tiền ảo nói trên là một phần trong nỗ lực của JPMorgan Chase nhằm chuẩn bị cho tương lai khi nhiều hoạt động tài chính - ngân hàng từ thanh toán xuyên biên giới cho tới phát hành nợ doanh nghiệp, sẽ được thực hiện dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Đây là công nghệ đứng sau các đồng tiền kỹ thuật số mà nổi tiếng nhất là Bitcoin.
Đầu tháng 6 vừa qua, tờ Nikkei đưa tin 14 ngân hàng lớn, bao gồm MUFG Bank, Sumitomo Mitsui Banking Corp của Nhật; UBS, Credit Suisse và Barclays của châu Âu và State Street của Mỹ, đang cùng hợp tác phát triển một đồng tiền kỹ thuật số gọi là USC để sử dụng cho các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới tức thời, giảm chi phí giao dịch bằng việc giảm các kênh trung gian.
Dự án này được vận hành bởi Fnality International, một công ty được thành lập tại London (Anh) với vốn đầu tư khoảng 50 triệu bảng (63,1 triệu USD) từ 14 ngân hàng trên. Fnality dự kiến sẽ có thêm các cuộc thảo luận với đại diện các ngân hàng trung ương để lập các tài khoản USC…
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia thị trường tài chính tiền tệ, giảng viên Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng việc các tập đoàn lớn phát hành đồng tiền số sẽ là một xu thế theo sự phát triển của công nghệ 4.0. Trong khi đồng tiền ảo của JPMorgan Chase chỉ mới sử dụng cho các tổ chức thì Libra của Facebook chủ yếu dành cho người dùng cá nhân, tạo thêm phương tiện thanh toán mới thuận tiện hơn cho nhiều người. Từ đó cũng có thể tạo ra làn sóng phát triển các ứng dụng mới có thể được cho phép sử dụng thanh toán bằng Libra.
“Hiện nay ở VN, dù ai đang sở hữu đồng tiền ảo Bitcoin, Ethereum thì cũng không thể dùng để trả tiền một tô phở. Nhưng nếu như Libra của Facebook được phát hành thì biết đâu có lúc, khi vô một quán phở chỉ cần đăng nhập vào tài khoản Facebook là thanh toán được luôn, vì đa số người nào cũng có tài khoản mạng xã hội này”, ông Khánh nói.
Xu hướng phát hành tiền ảo ở Trung Quốc
Ngay từ năm 2018, theo Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu kế hoạch phát triển một đồng tiền số của riêng mình, được gắn kết chặt chẽ với nhân dân tệ. Đồng tiền số này sẽ chỉ được PBOC phát hành thông qua một nhóm gồm nhiều tổ chức tin cậy, ban đầu gồm một số ngân hàng lớn, cùng các tên tuổi hàng đầu về thanh toán điện tử: UnionPay, Alibaba và Tencent. Cơ quan này thậm chí kỳ vọng, có thể tung ra đồng tiền số mới ngay dịp lễ Độc thân 11/11 sắp tới.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bắt đầu kế hoạch phát triển một đồng tiền số của riêng mình. Ảnh: Reuters. |
Tại Diễn đàn Tài chính Trung Quốc mới đây, Phó giám đốc bộ phận thanh toán tại Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) Mu Changchun cho biết, các nhà nghiên cứu của họ đã làm việc rất tích cực từ năm ngoái để phát triển các hệ thống ra mắt tiền số. Tuy nhiên, ông chưa tiết lộ thời gian cụ thể.
Theo vị này, mục đích của PBOC là để tiền kỹ thuật số thay thế tiền mặt trong lưu thông. Tiền kỹ thuật số cũng sẽ hỗ trợ lưu thông và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Tuyên bố này cho thấy PBOC đang hướng tới việc chính thức giới thiệu đồng tiền ảo của mình sau 5 năm nghiên cứu. Việc Facebook thúc đẩy kế hoạch ra mắt đồng Libra gây lo ngại cho các ngân hàng trung ương toàn cầu, trong đó có PBOC.
PBOC từng nói rằng, tài sản kỹ thuật số phải được đặt dưới sự quản lý của ngân hàng trung ương để ngăn ngừa rủi ro ngoại hối và bảo vệ chính sách tiền tệ của chính quyền. "Libra phải được coi là một loại ngoại tệ và đặt trong khuôn khổ quản lý ngoại hối của Trung Quốc", một quan chức của Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho biết.
Tiền số của PBOC được dự đoán cung cấp cho Bắc Kinh nhiều quyền kiểm soát hệ thống tài chính hơn. Theo các bằng sáng chế được đăng ký, người tiêu dùng vào doanh nghiệp sẽ tải một ví điện tử và đổi nhân dân tệ lấy tiền điện tử. Tuy nhiên, PBOC cũng có thể theo dõi mỗi khi tiền đổi chủ.
Theo một báo cáo kế hoạch nửa cuối năm 2019 được công bố đầu tháng này, PBOC cho biết sẽ thúc đẩy nghiên cứu tiền điện tử hợp pháp và theo dõi các xu hướng phát triển tiền số ở nước ngoài cũng như Trung Quốc.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement