13/02/2020 07:29
Sau dịch corona, nhu cầu cá tra Trung Quốc sẽ tăng mạnh
Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm cá tra Trung Quốc sẽ tăng mạnh mẽ do thời gian giao thương ngưng dài, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này còn rất lớn.
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, năm 2019, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị đạt 622,7 triệu USD, tăng 28,8% so với năm trước, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.
Năm qua, đây cũng là thị trường trọng tâm của hơn 125 doanh nghiệp, hộ gia đình, HTX sản xuất, chế biến cá tra Việt Nam. Mở đầu năm 2020, diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam.
Với sự tăng trưởng ổn định, giá tốt, nhiều phân khúc thị trường và hàng hóa nhập khẩu đa dạng, năm 2020 nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam vẫn tiếp tục coi Trung Quốc là “điểm ngắm”. Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2020, sau khi dịch viêm hô hấp cấp lây lan, nhiều chuỗi Fast food hay Take away, nhà hàng ẩm thực đã tạm đóng cửa, chợ biên giới cũng mở chậm.
Starbucks đã tuyên bố đóng của hơn 2.000 cửa hàng tại Trung Quốc và Yum China - “Một tên tuổi lớn” đang sở hữu các thương hiệu Pizza Hut, KFC và Taco Bell tại Trung Quốc với 9.200 nhà hàng cũng ngưng bán hơn 30% vì lo lắng sự lây lan của virus Corona.
Sau dịch có thể nhu cầu cá tra Trung Quốc sẽ tăng mạnh. |
Hoạt động trao đổi, thương mại giữa hai bên đang gián đoạn do hệ thống vận tải bị đảo lộn. Theo Alphaliner, lượng tàu thông qua các cảng lớn của Trung Quốc đã giảm 20% (kể từ ngày 20/01/20210), nhiều hãng vận tải biển hay tàu sân bay cũng đã hủy chuyến tới Trung Quốc. Sự gián đoạn vận chuyển đường biến đang gây gáp lực lớn đối với các hãng tàu biển trên thế giới khi họ phải vật lộn ở các thị trường yếu hơn, chi phí cao hơn từ những quy định mới của Tổ chức IMO về nguyên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp.
Kỳ nghỉ Tết nguyên đán của các nhà máy chế biến cũng kéo dài đến hết ngày 9/2/2020, nhiều công ty đang lo sợ vì thiếu công nhân khi họ mở cửa trở lại, hệ thống giao dịch ngân hàng cũng bị tạm ngưng, nhiều khách hàng Trung Quốc cũng không thể sang Việt Nam theo lịch trình. Không chỉ hoạt động giao thương cá tra Việt Nam qua đường tiểu ngạch mà cả đường chính ngạch sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.
Đơn hàng bị chậm trễ hoặc không kí thêm được hợp đồng mới, mọi hoạt động thương mại đang bị tạm dừng, sản lượng cá tra nguyên liệu quá cỡ tăng khiến nhiều doanh nghiệp đang phải gấp rút thu hoạch, chế biến. Hiện nay, một số nhà máy chế biến cá tra tại ĐBSCL cho công nhân tạm nghỉ việc để tránh lây lan dịch bệnh hoặc nghỉ luân phiên do đơn hàng giảm đầu năm.
Nhiều doanh nghiệp cũng quy định 100% người lao động phải đeo khẩu trang khi đến nhà máy làm việc. Công ty cũng cấp phát khẩu trang có khả năng phòng ngừa chủng virus này cho người lao động. Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã bố trí người có chuyên môn thực hiện nhanh thao tác kiểm tra triệu chứng, đo thân nhiệt của người lao động trước khi vào nhà máy. Chỉ những người lao động có sức khỏe và thân nhiệt bình thường mới được vào làm việc.
Hiện nay, diễn biến của dịch viêm đường hô hấp cấp vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp. ĐBSCL là nơi nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn đang hoạt động với hàng ngàn công nhân mỗi nhà máy. Điều đáng lưu tâm hơn, trong hơn 125 đơn vị chế biến, xuất khẩu cá tra đang có không ít doanh nghiệp Trung Quốc hoặc chi nhánh công ty Trung Quốc đang kinh doanh tại các địa phương này. Do đó, việc các doanh nghiệp cá tra chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay, không chỉ tại Trung Quốc hay Việt Nam, dịch bệnh viêm phổi do virus Corona đang tác động lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại toàn cầu. Do đó, các chuyên gia đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi tiêu cực trong ngắn và trung hạn.
Tuy nhiên, VASEP cho rằng, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra đẩy mạnh và phát triển hơn kênh bán hàng, tiêu thụ nội địa. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, sắp tới khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm cá tra đông lạnh tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh mẽ do thời gian giao thương ngưng dài, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này còn rất lớn.
Để tránh lây lan dịch bệnh, doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra nên tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho cán bộ, công nhân viên của công ty; thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến của thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xuất khẩu cho phù hợp, đẩy mạnh tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển kênh tiêu thụ nội địa. Đặc biệt là theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn sức khỏe công nhân, người lao động hay khách hàng, đối tác Trung Quốc trước khi vào nhà máy.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp