05/02/2020 15:37
Sau dịch Corona, cần mở rộng thị trường xuất khẩu tránh phụ thuộc Trung Quốc
Sau dịch Corona, Việt Nam nên mở rộng thị trường xuất khẩu rau củ quả, tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả liên tục tăng trong 5 tháng cuối năm 2019, nhưng tính chung cả năm 2019 thì kim ngạch lại giảm 1,6% so với năm 2018, đạt 3,75 tỷ USD, riêng tháng 12/2019 tăng 11,1% so với tháng 11/2019, đạt 335,26 triệu USD.
Trung Quốc liên tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại rau quả của Việt Nam, chiếm tới 64,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, đạt 2,43 tỷ USD, giảm 12,7% so với năm 2018.
Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là một số thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD như: Đông Nam Á đạt 226,43 triệu USD, tăng 68,7%; Mỹ đạt 150,03 triệu USD, tăng 7,2%; EU đạt 148,19 triệu USD, tăng 28,5%; Hàn Quốc đạt 131,85 triệu USD, tăng 15,8%; Nhật Bản đạt 122,34 triệu USD, tăng 16,4%.
Trong năm 2019, xuất khẩu rau quả sang hầu hết các thị trường tăng kim ngạch so với năm 2018, trong đó các thị trường tăng mạnh trên 100% về kim ngạch gồm có: Lào tăng 655%, đạt 78,83 triệu USD; Indonesia tăng 284,8%, đạt 5,75 triệu USD; Hồng Kông tăng 235,5%, đạt 72,09 triệu USD.
Sau dịch Corona, Việt Nam cần mở rộng thị trường xuất khẩu tránh phụ thuộc Trung Quốc. |
Chỉ có một vài thị trường sụt giảm kim ngạch như: U.A.E giảm 10,7%, đạt 35,2 triệu USD; Ukraine giảm 9,1%, đạt 1,05 triệu USD; Malaysia giảm 32,2%, đạt 31,1 triệu USD.
Rau quả xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương đánh giá: Nếu dịch viêm phổi do virus corona kéo dài, việc thông thương, đi lại qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra. Các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động giao thương của cư dân biên giới để đảm bảo có biện pháp quản lý đồng bộ với hoạt động thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia.
Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thương lái, hộ nông dân cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác; thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp nhìn nhận, dịch bệnh viêm phổi do virus corona từ Trung Quốc không chỉ gây khó khăn tới tình hình xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản sang Trung Quốc mà còn tác động đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ khi người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới hạn chế đi lại mua sắm, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ.
Vì vậy, bên cạnh sự thận trọng, doanh nghiệp cần thực sự có giải pháp tự ứng cứu, không thể hoàn toàn trông chờ vào việc mở cửa trở lại từ thị trường Trung Quốc. Điển hình như, các mặt hàng rau quả, trái cây... có thể nỗ lực hơn nữa thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc...
Xuất khẩu rau quả năm 2019
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 13/1/2020 của TCHQ) ĐVT: USD
Thị trường | Tháng 12/2019 | So với tháng 11/2019 (%) | Năm 2019 (USD) | So với năm 2018 (%) | Tỷ trọng (%) |
Tổng kim ngạch xuất khẩu | 335.260.339 | 11,11 | 3.747.061.007 | -1,64 | 100 |
Trung Quốc đại lục | 187.739.158 | 14,82 | 2.429.651.672 | -12,72 | 64,84 |
Đông Nam Á | 40.935.774 | 4,6 | 226.425.755 | 68,66 | 6,04 |
Mỹ | 12.264.870 | -6,15 | 150.034.996 | 7,21 | |
EU | 13.892.233 | 9,04 | 148.187.958 | 28,48 | 3,95 |
Hàn Quốc | 12.120.669 | -3,46 | 131.845.979 | 15,76 | 3,52 |
Nhật Bản | 9.940.413 | -14,45 | 122.344.422 | 16,37 | 3,27 |
Hà Lan | 6.038.005 | -5,37 | 79.766.640 | 33,19 | 2,13 |
Lào | 19.964.538 | 6,23 | 78.834.677 | 655,04 | 2,1 |
Thái Lan | 13.256.214 | 0,67 | 74.942.248 | 66,25 | |
Đài Loan (TQ) | 9.588.105 | 66,74 | 73.357.647 | 76,68 | 1,96 |
Hồng Kông (TQ) | 8.831.640 | 23,78 | 72.089.456 | 235,47 | 1,92 |
Australia | 6.100.595 | 74,85 | 44.724.322 | 6,29 | 1,19 |
U.A.E | 3.706.130 | 8,33 | 35.201.936 | -10,68 | 0,94 |
Nga | 3.954.959 | 1,6 | 34.557.712 | 15,8 | 0,92 |
Singapore | 2.668.967 | 1,08 | 32.430.326 | 12,56 | 0,87 |
Malaysia | 2.845.882 | -2,26 | 31.099.534 | -32,17 | 0,83 |
Pháp | 4.446.947 | 44,87 | 29.755.714 | 16,17 | 0,79 |
Canada | 2.754.556 | 14,89 | 25.915.316 | 15,3 | 0,69 |
Đức | 2.285.214 | 19,32 | 18.921.541 | 6,26 | 0,5 |
Saudi Arabia | 1.042.011 | -27,96 | 13.030.329 | 0,35 | |
Italia | 348.308 | -41,95 | 11.271.199 | 91,28 | 0,3 |
Ai Cập | 601.827 | 10.321.374 | 0,28 | ||
Anh | 773.759 | -0,09 | 8.472.864 | 38,03 | 0,23 |
Indonesia | 1.615.906 | 20,66 | 5.752.304 | 284,8 | 0,15 |
Thụy Sỹ | 606.077 | 52,55 | 4.787.888 | 0,13 | |
Kuwait | 431.971 | 53,43 | 3.796.978 | 3,19 | 0,1 |
Campuchia | 584.267 | 106,68 | 3.366.666 | 30,9 | 0,09 |
Na Uy | 302.660 | 8,5 | 2.925.983 | 0,08 | |
Ukraine | 26.642 | -67,96 | 1.046.934 | -9,1 | 0,03 |
Senegal | 72.730 | 175,23 | 823.184 | 0,02 |
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp