11/01/2018 16:55
Sau APEC 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển như thế nào?
Ngành nông nghiệp Việt Nam hậu APEC sẽ mở rộng phạm vi hợp tác thông qua các hoạt động sản xuất, cung ứng, xuất khẩu và ứng phó biến đổi khí hậu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác phối hợp tổ chức sự kiện “Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đánh giá, tuần lễ An ninh lương thực APEC Cần Thơ 2017 diễn ra từ ngày 18-25/8/2017 đã thu hút hơn 721 đại biểu của các nền kinh tế thành viên đến tham dự.Các chương trình, kế hoạch phục vụ hội nghị đã được chuẩn bị chu đáo, quá trình triển khai phối hợp thuận lợi, giúp hội nghị thành công tốt đẹp.
Đồng thời, quảng bá hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của Cần Thơ với bạn bè trong nước và quốc tế. Góp phần đẩy mạnh cơ hội hợp tác đầu tư của Cần Thơ với các nền kinh tế thành viên, mở ra kỳ vọng hướng tới một nền nông nghiệp bền vững trong thời gian tới.
"Với vị trí là đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, trong thời gian tới Cần Thơ sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc hợp tác với các bộ ngành Trung ương và các nền kinh tế khi vực thực hiện thúc đẩy phát triển nông thôn một cách toàn diện, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Dũng nói.
Ngành nông nghiệp rộng mở cơ hội hợp tác quốc tế sau Hội nghị APEC 2017. |
Theo đó, Cần Thơ chủ trương tập trung cải thiện và ổn định kinh tế nông thôn, nhất là công tác nâng cao năng lực cho nông dân, các nhóm yếu thế như phụ nữ và dân tộc thiểu số, những hộ gia đình sản xuất nhỏ và các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp để đảm bảo sinh kế, giảm nghèo và cải thiện an ninh lương thực cho các cộng đồng nông dân và ngư dân.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, kết nối nông thôn đô thị tạo ra hệ thống lương thực đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của tất cả người tiêu dùng, đặc biệt là các nông hộ nhỏ và người nghèo thành thị.
Cần Thơ cũng sẽ triển khai nhiều chiến dịch kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của mỗi biến động diễn ra tại địa phương tham gia hỗ trợ chính quyền thành phố huy động được mọi nguồn lợi xã hội giúp nền kinh tế địa phương hình thành khả năng phục hồi sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Dũng nhấn mạnh, hình thức hợp tác công tư sẽ đem lại nhiều lợi ích lâu dài trong tối đa hóa hiệu quả hoạt động của cả khu vực công và khu vực tư nhân. Tạo ra sức mạnh lan truyền, cổ vũ và giúp nỗ lực xây dựng một nền nông nghiệp bền vững của Cần Thơ thêm hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, kết quả đạt được của các hoạt động trong “Tuần lễ An ninh lương thực APEC Cần Thơ 2017” chính là cơ hội vàng để Việt Nam thể hiện cam kết với các thành viên APEC trong việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Cần Thơ với vị thế trung tâm kinh tế động lực của khu vực Tây Nam Bộ cần tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện những cam kết này.
Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo nuôi sống gần 100 triệu người dân và ổn định sinh kế bền vững cho hơn 68% dân số nông thôn, ngành nông nghiệp Cần Thơ nên mở rộng phạm vi hợp tác, giao lưu với các nền kinh tế APEC và quốc tế trong thời gian tới thông qua các hoạt động sản xuất, cung ứng, xuất khẩu và ứng phó biến đổi khí hậu nhằm góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp của cả cộng đồng APEC và quốc tế.
Về chính sách thúc đẩy tăng trưởng chất lượng của nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, cần ưu tiên cao nhất các nguồn lực cho công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp. Tổ chức các chương trình "Địa chỉ xanh-Nông sản sạch" và triển khai đề án "Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn".
Trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành, Cần Thơ cần tập trung đầu tư cho các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực xuất khẩu. Ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực tiễn sản xuất như cơ cấu giống, chất lượng vật tư nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, tưới tiết kiệm...
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên toàn chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Khuyến khích, kêu gọi đầu tư nước ngoài trực tiếp cho nông nghiệp.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp